Bạn đã bao giờ muốn nộp hồ sơ cho một chương trình rất cạnh tranh, nhưng vì sợ thất bại mà từ bỏ?
Bạn đã bao giờ muốn nói lên quan điểm của mình, nhưng vì sợ bị công kích mà lựa chọn sự im lặng?
Bạn đã bao giờ muốn xung phong làm trưởng nhóm, nhưng vì sợ bị đánh giá sai mà quyết định thụt lùi?
Bạn muốn có đủ dũng khí để bước ra khỏi vùng an toàn, nhưng có hàng ngàn nỗi sợ luôn sẵn sàng kìm hãm bạn. Bạn sợ cảm giác thất vọng khi thua cuộc, bạn sợ cảm giác buồn bã, tự ti khi bị người khác đánh giá, công kích. Tóm lại, bạn sợ bị tổn thương. Bạn xem việc cảm nhận những tổn thương là điểm yếu cần loại bỏ, để bạn trở nên dũng cảm, mạnh mẽ và để cuộc sống của bạn trở nên thoải mái, vui vẻ hơn.
Nhưng, nếu nghĩ vậy tức là bạn đã sai rồi.
Cựu tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt đã có một câu nói rất nổi tiếng về người đấu sĩ trên đấu trường, tạm dịch như sau:
“Công lao không thuộc về những kẻ chỉ trích, cũng không thuộc về những kẻ chỉ ra người mạnh mẽ kia đã vấp ngã như thế nào, hay người thực hiện công việc kia đã có thể làm tốt hơn ở đâu. Công lao thuộc về người đấu sĩ trực tiếp chiến đấu trên đấu trường, khi khuôn mặt anh ta đẫm bụi, mồ hôi và máu; người đã dũng cảm cố gắng; đã phạm sai lầm, đã thất bại hết lần này đến lần khác, bởi không có nỗ lực nào mà không có sai lầm và khiếm khuyết; nhưng chính người thực sự cố gắng hoàn thành công việc, người hiểu rõ thế nào là sự nhiệt thành, sự cống hiến hết mình, người dám dấn thân vì lý tưởng chính đáng sẽ là người, trong trường hợp tốt nhất, đến phút cuối biết được cảm giác khải hoàn của chiến thắng và, trong trường hợp xấu nhất, nếu anh ta thất bại, ít nhất là thất bại khi đang dũng cảm đương đầu, để rồi, người đó sẽ không bao giờ phải đứng chung với những tâm hồn hèn nhát và lạnh lùng kia, những tâm hồn không hề biết đến chiến thắng vẻ vang lẫn thất bại cay đắng”.
Bạn có nghĩ người đấu sĩ kia không hề run sợ khi đứng trước kẻ thù to lớn, nguy hiểm hơn mình? Bạn có nghĩ trong đầu anh ta chưa từng lóe lên ý nghĩ nếu thất bại, anh ta sẽ cảm thấy xấu hổ như thế nào? Người đấu sĩ, rốt cục, cũng chỉ là một người bình thường. Nhưng sự khác biệt giữa anh ta và những kẻ chỉ biết phê bình, chỉ trích là việc người đấu sĩ sẵn sàng mạo hiểm cảm xúc của mình để sống một cách trọn vẹn, biết chấp nhận sự tổn thương như một phần tất yếu trong cuộc sống, là việc anh ta sẵn sàng đối mặt và cảm nhận nỗi đau để đạt được những điều ý nghĩa hơn.
Cũng như vậy, cuộc sống của bạn sẽ không thể trở nên tốt đẹp hơn nếu bạn chối bỏ những tổn thương. Bởi bạn không thể làm tê liệt một phần cảm xúc. Khi bạn chọn từ bỏ khả năng cảm nhận nỗi đau, sự xấu hổ, nỗi thất vọng hay sự sợ hãi, bạn cũng sẽ từ bỏ khả năng cảm nhận niềm vui, sự thỏa mãn, niềm biết ơn. Cũng giống như một canh bạc, nếu bạn không đặt cược, bạn sẽ chẳng được gì.
Bạn không cần phải đứng trên một đấu trường thật sự để trở thành đấu sĩ. Khi bạn sẵn sàng theo đuổi ý tưởng của bản thân mà không hề có sự đảm bảo nào, khi bạn sẵn sàng thổ lộ tình cảm, khi bạn dám nói lên ý kiến của mình, cho dù quan điểm của bạn đi ngược với số đông, bạn đã là một đấu sĩ trên đấu trường của riêng mình. Điều quan trọng nhất, là bạn hãy đối mặt với những tổn thương, xem đó là điều bình thường và giữ vững tinh thần chiến đấu. Bởi khi đó, kể cả nếu bạn thất bại, bạn cũng sẽ thất bại khi đã “dũng cảm đương đầu”.
Vậy nên, dù thế nào cũng hãy là một đấu sĩ, bạn nhé!
Theo Ybox
Xem bài gốc tại đây