Trong khu vực ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam đang nằm ở nhóm thấp nhất, bằng 1/18 so với năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6 so với Malaysia, 1/3 so với Thái Lan và Trung Quốc, xấp xỉ bằng Lào, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia. Đây là một vấn đề đáng lo ngại vì năng suất lao động là thước đo năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng là yếu tố thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.
Một trong nhiều giải pháp cho vấn đề tăng năng suất lao động là cho người lao động cơ hội làm chủ đã được đưa ra tại hội thảo “Tăng năng lực cạnh tranh bằng năng suất lao động” do Công ty Giải pháp Nhân lực Le & Associates (L&A) vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Nhân viên làm chủ sáng kiến của mình
Một nguyên nhân hay được nói đến để trả lời cho vấn đề năng suất lao động Việt Nam là giáo dục, đào tạo chưa gắn kết với nhu cầu thực tế thị trường. Tuy nhiên, một điều dễ thấy hơn là thói quen làm việc kém nhiệt tình của nhân viên đối với công ty.
Một người có sức sáng tạo tốt, được đào tạo bài bản về kỹ năng nhưng chưa xem mình là một phần tử của doanh nghiệp, không có sự nỗ lực hết mình cho công ty thì năng suất lao động của nhân viên đó cũng bị giới hạn.
Tại buổi hội thảo, ông Kyohei Hosono – Tổng giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược Dream Incubator Việt Nam cho rằng, người Việt có kỹ năng tốt, giàu sức sáng tạo nhưng chưa tận dụng triệt để trong quá trình lao động hằng ngày. Có rất nhiều cách để phát huy sức sáng tạo của nhân viên mà quan trọng nhất là lắng nghe và biến ý tưởng của họ thành hiện thực.
Kyocera là doanh nghiệp sản xuất gốm công nghệ cao của Nhật Bản đã thành công khi áp dụng mô hình Amoeba, bằng cách chia doanh nghiệp thành những nhóm nhỏ, từ đó cho mỗi người có thể cảm nhận về tác động của họ đến sự phát triển của tập thể và đóng góp vào thành công chung của tập đoàn.
Ở Kyocera hiện tại có tổng cộng 3.000 nhóm Amoeba, mỗi nhóm có từ 5 đến 50 nhân viên, làm việc độc lập hoặc chủ động kết hợp với các nhóm khác để cùng nhau đạt mục tiêu sản xuất và tăng trưởng.
Mô hình Amoeba đã mang về cho Tập đoàn Kyocera doanh thu 14,5 tỷ USD trên toàn cầu với hơn 1 tỷ USD lợi nhuận từ những năm đầu thành lập.
Còn hệ thống 7-Eleven – chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất trên thế giới – đã tận dụng sáng kiến của nhân viên một cách triệt để trong thử nghiệm hành vi mua hàng.
Theo đó, nhân viên không chỉ bán những mặt hàng có sẵn mà thường xuyên đưa ra sáng kiến về loại mặt hàng ưu tiên trong ngày phù hợp với thời tiết, ngày lễ, sự kiện đặc biệt…
Như vậy, cùng trong hệ thống nhưng các cửa hàng 7-Eleven ở khu vực này khác khu vực kia, hôm nay khác ngày mai… dựa trên sự quan tâm và nắm bắt thị hiếu tiêu dùng.
Do đó, thành công của các doanh nghiệp là nhờ nhân viên cảm thấy mình có liên quan đến sứ mệnh và tầm nhìn của tổ chức. Còn công ty là nơi mà mỗi sáng kiến của họ được lắng nghe và kết quả làm việc được quan tâm, tin tưởng.
Đặt niềm tin vào nhân viên
Trong cuốn sách Bàn chuyện nhân sự, ông Huy Nam – Chuyên viên kinh tế, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, một điều vô cùng quan trọng để tăng năng suất lao động là nhân viên cần có cảm giác làm chủ cơ quan, xí nghiệp chứ không phải làm khách.
Chính tình cảm “người nhà” làm cho họ không ngại hòa nhập, tăng cảm giác yêu thương và gắn bó với nơi làm việc của mình. Việc “làm chủ” cũng đòi hỏi mỗi người trong tổ chức phải luôn rèn luyện, tự trau dồi, tìm tòi, nghiên cứu… để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, không để mình bị lạc hậu hay bị đào thải.
Tuy nhiên, làm sao để người lao động thấy rằng mình đang làm chủ thật sự chứ không chỉ là hình thức? Có lẽ, người lãnh đạo cần thay đổi tư duy, bắt đầu từ việc đặt niềm tin nhiều hơn vào nhân viên của mình để người lao động thấy mình có giá trị và muốn làm việc hết mình.
Hãy để cho nhân viên tự thiết kế chỉ tiêu, nhiệm vụ, để họ trở thành người làm chủ tự quyết định hướng đi để đạt hiệu quả trong công việc, cũng là cách để họ có thói quen chịu trách nhiệm tốt hơn.
Theo ông Trần Sĩ Chương – Chuyên gia Tư vấn Quản lý và Đầu tư, thành viên HĐQT Công ty L&A – thì niềm đam mê đối với nghề không phải lúc nào cũng có, cái mà người lao động cần ý thức là giá trị của họ là do bản thân họ tạo ra chứ không phải do tổ chức và chúng ta cần tạo ra lợi nhuận chung trước khi có được lợi nhuận riêng.
Đây có lẽ là thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam khi mà tư tưởng về “trách nhiệm tập thể” có từ thời bao cấp đã ăn sâu vào tư tưởng của phần lớn người dân.
Để nhân viên hiểu rõ hơn về giá trị của mình trong doanh nghiệp thì vai trò của người làm nhân sự rất quan trọng, đó là nhận định của ông Vittorio Molinari – Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Palladium (công ty về tư vấn triển khai chiến lược doanh nghiệp Mỹ).
Bộ phận nhân sự có trách nhiệm truyền thông về chiến lược của doanh nghiệp cho nhân viên và tìm cách tạo ra sự đồng thuận để mọi người cùng phấn đấu cho một hướng đi chung.
Từ một chiến lược phức tạp, nhiệm vụ của nhân sự là đơn giản hóa thông điệp đồng thời giúp từng cá nhân hiểu rõ công việc của họ đóng góp như thế nào đối với thành quả chung. Hãy nhớ rằng ngay cả một người lao động bình thường cũng có thể đóng góp cho sự thành công của doanh nghiệp.
Tập đoàn Toyota (Nhật Bản) đã thành công nhờ những sáng kiến rất nhỏ của công nhân, chẳng hạn như việc gom bụi mạt sắt dưới sàn để bán nhằm tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn cho công ty thay vì mất thêm chi phí cho việc quét dọn của lao công.
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Xem bài gốc tại đây