Ngày hôm nay, một vấn đề khác được đặt trên bàn nghị sự giữa hai nước, không chỉ về kinh tế, giáo dục mà còn là vấn đề đảm bảo hòa bình an ninh trên biển.
LTS:Xin được kết thúc chuyên đề Kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ của Tuần Việt Nam với bài viết Mùi củi cháy ở VN và những ‘kẻ điên rồ’ nước Mỹ. Quý độc giả có thể xem lại các bài viết liên quan đến chủ đề này tại đây.
“Những kẻ điên rồ”
12h ngày 15/12/2013, John Kerry có mặt tại bến tàu ấp Kiến Vàng, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), bước chân lên chiếc ca nô cao tốc được làm từ composite, thứ vật liệu nhẹ hơn rất nhiều so với chiếc tàu tuần tiễu đường sông từng đưa anh lính thủy đánh bộ trẻ John ngang dọc vùng sông nước này năm 1969.
John Kerry từng là chỉ huy đội tuần tra hải quân tại Đồng bằng sông Cửu Long hồi cuối thập niên 1960.
22/4/1971, John Kerry là cựu binh đầu tiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, kiến nghị chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam. Và bài phát biểu của ông ấn tượng mạnh đến mức Tổng thống Richard Nixon lúc bấy giờ thừa nhận là “cực kỳ hiệu quả”.
Sau đó, Kerry nhanh chóng trở thành thủ lĩnh của phong trào phản chiến với những cuộc biểu tình dậy sóng, hành động ném huân chương vào tòa nhà Quốc hội cùng tuyên bố nổi tiếng: “Tôi làm điều này không phải vì bạo lực mà là cho hòa bình và công lý, cũng như nỗ lực cảnh tỉnh đất nước này một lần và mãi mãi”.
Sự nghiệp của cựu binh Mỹ John Kerry sau khi kết thúc chiến tranh từng suýt bị hủy hoại bởi quan điểm quyết liệt chống chiến tranh Việt Nam của ông. Nhưng vượt qua tất cả, ông đã dành nhiều tâm huyết với nhiều hành động khác nhau để cố gắng mang lại những điều tốt đẹp cho Việt Nam.
Người dân Việt Nam còn dễ dàng nhận ra hình ảnh quen thuộc của ngài TNS qua các bức ảnh trong tư liệu lịch sử. Năm 1992, ông đã dẫn đầu phái đoàn đến Việt Nam với tư cách Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại, Thượng nghị viện, kiêm Chủ tịch Uỷ ban đặc biệt đảm trách việc quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam.
***Mái tóc bạch kim với nụ cười thân thiện, những cái bắt tay thân tình trên đường phố… hiếm khi nào người dân Việt Nam dành nhiều tình cảm cho một vị Tổng thống như ông Bill Clinton trong những lần ông trở lại Việt Nam từ năm 2000.
Năm năm trước, ngày 11/07/1995, Bill Clinton đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Clinton đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng liên quan đến Việt Nam như dỡ bỏ cấm vận, cho phép công ty của Mỹ đầu tư tại Việt Nam, tiến tới bình thường hóa vào tháng 7/1995, thiết lập quan hệ ngoại giao ngay sau đó và ký Hiệp định thương mại song phương năm 2000.
“Hai mươi năm trước, nói chuyện bình thường hóa quan hệ với VN với một thế hệ như của tôi là rất khó khăn. Người Mỹ lúc đó đều biết một ai đó bỏ mạng hoặc bị thương ở chiến trường VN. Lúc đó người ta đã nghĩ chúng tôi điên rồ”. Mười lăm năm sau, Cựu Tổng thống Bill Clinton phát biểu tại Hà Nội trong bữa tiệc kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tối 2/7/2015.
Bill Clinton kể về cách mà người Mỹ nhìn thấy tại Việt Nam trong giai đoạn khó khăn nhất bắt đầu hàn gắn mỗi quan hệ giữa 2 nước: “Khi tôi trở lại VN và thăm thực địa nơi những người Mỹ và VN cùng tìm kiếm dấu tích một phi công Mỹ rơi trong chiến tranh VN, có cả con của phi công đó. Họ còn bé khi người cha hy sinh, giờ đây, nhìn những người VN lội bùn tìm kiếm từng mảnh xương của cha mình, họ không cầm được nước mắt. Hillary đứng cạnh tôi cũng nói lần đầu tiên bà ấy chứng kiến một việc như vậy”.
Để có được động lực thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước, ông Bill Clinton không quên những người Mỹ đã có công lao lớn như TNS John Kerry, TNS John McCain, cựu Đại sứ Pete Peterson….
Cầu nối kinh tế và giáo dục
Thành quả sau những nỗ lực của những “kẻ điên rồ”, như cách gọi của vị cựu tổng thống, đó là từ chỗ hàng hóa Việt Nam là “cấm kỵ” tại Mỹ thì năm 2014, tổng kim ngạch thương mại giữa VN – Mỹ tăng 20%, đạt con số ấn tượng hơn 35 tỷ USD.
Bên cạnh đó, năm 2014, VN trở thành nhà cung cấp cho thị trường Mỹ đứng đầu ASEAN, trước cả Malaysia và Thái Lan. Việt Nam chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN sang Mỹ, và có thể đạt 30% năm 2020. Và trước mắt, là triển vọng sớm đàm phán thành công Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…
“Tổng thống Obama đang muốn thúc đẩy quan hệ này thông qua TPP. Tôi hy vọng hiệp định được ủng hộ của cả hai đảng trong Quốc hội cũng như (họ) đã ủng hộ bình thường hóa 20 năm trước”, ông Clinton chia sẻ.
Về hợp tác giáo dục, trong dự luật ngân sách năm 1991, ông John Kerry cùng với một số Cựu binh Mỹ đã vận động 300.000 USD cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam và trường Harvard đã đóng góp thêm 300.000 thành lập chương trình học bổng Fulbright. Những người đầu tiên sau khi học chương trình này trở về lãnh đạo đất nước như Phạm Bình Minh, Nguyễn Thiện Nhân, Cao Đức Phát…
Tiếp đến, năm 1998-99, VN phải gánh nghĩa vụ trả cho Mỹ một khoản nợ công từ thời chính quyền Sài Gòn, mà nếu không thực hiện sẽ không thể vay tiếp trên thị trường vốn quốc tế. John Kerry và TNS John McCain, cùng Thomas Vallely đã vận động khoản tiền này để khởi xướng thành lập quỹ giáo dục VEF dành cho Việt Nam trong Quốc hội Mỹ.
Từ đó, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật VEF (Vietnam Education Foundation Act of 2000) để thành lập Quỹ VEF. Quỹ này là cơ quan độc lập của chính phủ Hoa Kỳ, báo cáo trực tiếp lên Tổng thống và hai lãnh đạo Quốc hội. Như ông Phạm Đức Trung Kiên – Giám đốc đầu tiên quỹ VEF đã gọi, đây là một món quà bất thường trong quan hệ Việt – Mỹ bởi đó là một sự kiện “bất bình thường” trong hệ thống chính trị và quản lý công quyền ở Mỹ.
Chương trình đó đã phá vỡ được bức rào cản vô hình để đưa các bạn trẻ tuổi và tài giỏi của Việt Nam vào học tiến sĩ, thạc sĩ tại các trường hàng đầu của Hoa Kỳ, như MIT, Harvard, Stanford, Berkeley, Yale, Princeton, Cornell, UIUC…
Tới đây, khi trường Đại học Fulbright được thành lập, đó sẽ tiếp tục là một bước tiến trong quan hệ lịch sử của hai nước.
Có thể nói, xuyên suốt 20 năm qua, Giáo dục và Kinh tế đã đóng vai trò cầu nối tốt đẹp cho hai quốc gia xích lại gần nhau hơn, như ông Jonh Kerry nhận định: “Không có hai nước nào nỗ lực hơn, làm được nhiều hơn, và làm được tốt hơn để cố gắng đến với nhau, thay đối lịch sử và thay đổi tương lai” như Việt Nam và Mỹ”.
Và ngày hôm nay, một vấn đề khác được đặt trên bàn nghị sự giữa hai nước không chỉ về kinh tế, giáo dục mà còn là vấn đề đảm bảo hòa bình an ninh trên biển. Như GS Joshep Nye từng phát biểu trong hội nghị sáng kiến hòa bình khu vực châu Á Thái Bình Dương do Diễn đàn toàn cầu Boston tổ chức rằng, Mỹ là đối tác quan trọng trong vai trò gìn giữ hoà bình, an ninh ở Đông Nam Á, trong đó có lợi ích của Việt Nam ở vùng này.
“Mùi” của hòa bình
Khi thăm lại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, những hình ảnh thân thuộc mà ngài Ngoại trưởng John Kerry từng có một khoảng thời gian gắn bó nơi đây đã khiến ông phải thốt lên rằng, mùi củi cháy từ những ngôi nhà ven sông vẫn không hề thay đổi sau gần nửa thế kỷ.
Đó là thành quả mà “những kẻ điên rồ”, như cách nói của Bill Clinton, tạo ra. Để vào cuối một buổi chiều trên sông năm 2013, John Kerry có thể cảm được mùi củi cháy, mà những người Việt Nam vẫn gọi là khói lam chiều, bếp củi đỏ lửa chuẩn bị cho bữa cơm sum họp gia đình lúc cuối ngày.
Đó là mùi của hòa bình.
Cảnh vật không thay đổi, nhưng điều gì sẽ đổi thay? Đó là cần có thêm sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau một cách thực chất và sâu sắc giữa các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước, để mối quan hệ này gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa trong thời gian sắp tới, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tạo nên dấu mốc trong quá trình lịch sử hiểu biết lẫn nhau này, là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên thăm chính thức Hoa Kỳ.
Theo Vietnamnet
Xem bài gốc tại đây