
Em thân yêu,
Khi anh đang ở trên chuyến bay từ bờ tây sang bờ đông nước Mỹ để bắt đầu hành trình trở lại giảng đường thì em cũng đang ở một trên “chuyến bay” khác để hạ sinh con gái đầu lòng của chúng ta.
Mong em tha thứ vì anh không thể để em cắn tay trong lúc này. Đúng là đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn mồ côi một mình!
Để bù đắp phần nào, anh sẽ kể cho em nghe những điều lạ lẫm ở nước Mỹ mà anh đang được chứng kiến và mong rằng học kỳ đầu tiên sẽ sớm kết thúc để anh về đón hai mẹ con sang.
Điều lạ đầu tiên với anh là gần như cái gì ở Mỹ cũng thu tiền.
Mang tiếng là du học và có học bổng, nhưng nhà mình cũng không dư giả gì nên mới qua anh đã tự nấu ăn và đi tìm những nơi có nguồn lương thực, thực phẩm với chi phí phải chăng.
Anh vừa phát hiện ra một “mỏ vàng” là chuỗi cung cấp thức ăn ở các nhà thờ em ạ.
Ở đó, đội ngũ tình nguyện đông đảo cứ cuối tuần là đi đến các siêu thị, cửa hàng để lấy các loại lương thực, thực phẩm còn hạn sử dụng không nhiều được cho không để cung cấp cho những người có nhu cầu.
Tuy nhiên, ở các nhà thờ, họ không cho không mà mỗi người đến lấy một túi thức ăn to ơi là to đều phải trả một đô-la.
Những ngày lễ đặc biệt như Tạ ơn hay Giáng sinh, mỗi người đến còn được một con gà quay nóng hổi mang về để “ăn tết” em à.
Kỳ quá em ha?
Nhân đây, anh cũng bật mí cho em một thông tin, Mỹ là quốc gia sử dụng lương thực thực phẩm hết sức lãng phí em ạ. Lượng thức ăn bị đổ đi chiếm 30-40% mà bình quân mỗi tháng hơn chục kilogam một người – đủ để cho một người ở những nơi không có đủ thức ăn dùng.
Quả là lãng phí phải không em?
Dịch vụ y tế cũng phải đóng tiền em à. Cho dù những người tham gia bảo hiểm đã phải đóng trước mấy nghìn đô-la một năm, nhưng mỗi khi đi khám lại phải đóng một khoản tiền nhất định cho dù chỉ nhỏ thôi.
Ở đây anh cũng cho em biết thêm thông tin là hệ thống bảo hiểm y tế của Hoa Kỳ đang có rất nhiều vấn đề. Chi phí bình quân đầu người cao nhất thế giới nhưng rất nhiều người Mỹ không được bảo hiểm.
Quả là nghịch lý phải không em?
Gần đây luật bảo hiểm y tế toàn dân do chính quyền của Tổng thống Obama đề xuất gọi tắt là Obamacare đang là hy vọng để giải quyết vấn đề này. Đây được xem là thành tựu để đời của Tổng thống Obama mà hàng trăm năm mới thực hiện được ở Mỹ.
Bây giờ anh sẽ bật mí cho em biết tại sao cái gì ở Mỹ cũng thu tiền.
Hằng hà vô số các dịch vụ ở Mỹ đều thu phí tượng trưng mà nó không đáng là bao so với chi phí hay giá trị của các dịch vụ nhận được. Mục đích của việc thu này không phải để bù đắp chi phí mà là để tránh tình trạng lãng phí, tiêu dùng quá mức không cần thiết.
Nếu thức ăn phát không thì ai cũng đến lấy, nhưng nếu phải đóng một khoản tiền tượng trưng thôi thì những người không thực sự có nhu cầu sử dụng sẽ không đến lấy rồi lại bỏ đi.
Nếu bảo hiểm không phải đóng những khoản tượng trưng thì nhiều người rất thích “viếng thăm” bênh viện kể cả những triệu chứng rất nhỏ. Điều này có thể gây ra quá tải bệnh viện và lãng phí nguồn lực.
Tuy nhiên, ở Mỹ cũng có rất nhiều các dịch vụ hoàn toàn miễn phí mà nhiều khi sử dụng còn được thưởng như việc đọc sách ở thư viện chẳng hạn. Đây là những loại dịch vụ hay hoạt động tạo ra những hiệu ứng tích cực cho xã hội nên được khuyến khích.
Nói chung, người Mỹ rất thực tế, những gì không khuyến khích sử dụng thì họ đánh vào túi tiền, cái gì khuyến khích thì họ cũng đánh vào động cơ của người dân.
Điều lạ lẫm thứ hai là việc sử dụng những đồ vật rất chi là cũ kỹ ở Mỹ.
Nhà cửa thì thôi rồi. Rất nhiều những căn nhà đã được xây dựng từ thời Victoria cách đây hơn trăm năm nhưng họ vẫn dùng và mọi thứ vẫn vậy.
Ngoại thất thị không nói làm gì, nhưng nội thất và các đồ dùng bên trong cũng thế. Những cái lò sưởi hay chậu rửa vẫn từ thời đó đến giờ, cũ ơi là cũ.
Ở trường nơi anh học cũng vậy em ạ. Nhiều thứ cũ ơi là cũ mà họ vẫn dùng.
Những chiếc máy tính cổ lỗ sĩ để truy cập thông tin tìm kiếm sách trong thư viện, những cái kệ, cái bàn đã tồn tại hàng trăm năm mà vẫn vậy.
Và nhiều nơi khác nhau, ở đâu anh cũng thấy những đồ vật vẫn được sử dụng mà chúng có tuổi thọ cao hơn người thọ nhất thế giới rất nhiều.
Yard sale (bán lại đồ cũ tại nhà) cũng bắt nguồn từ văn hóa sử dụng đồ cũ và đưa vật dụng đến những người thực sự cần chúng.
Các gia đình thường bày những đồ vật không dùng nữa trước sân để bán (yard sale) với giá gần như là tượng trưng rất phổ biến ở Mỹ. Điều này khác với cho không để tránh tình trạng là miễn phí cứ cầm cho dù không cần dùng đến như anh đã kể ở trên.
Tuy nhiên, điểm lạ khác là mỗi khi làm cái gì mới thì họ làm thật tốt và dường như không bị lỗi mốt cho một thời gian rất dài.
Khả năng cảm nhận thị trường và thị hiếu ở Mỹ đương nhiên là số một. Nếu nhìn sự thịnh hành của những chiếc Iphone, Ipad và Apple chiếm gần như toàn bộ lợi nhuận của thị trường điện thoại thông minh thì thấy rõ điều này.
Nói chung ở Mỹ thì cái gì ra cái nấy.
Ở Việt Nam mình rất khác phải không em? Chỉ riêng về kiến trúc thì các công trình lỗi mốt rất nhanh và vòng luẩn quẩn xây rồi đập dường như không dứt.
Đá rửa đã từng rất thịnh hành, nhưng chỉ một thời gian ngắn nhiều nhà lại lột ra để làm kính khung nhôm mà mấy năm sau lại tháo ra để ốp tường gạch khổ nhỏ, rồi lại gạch khổ lớn vân vân và vân vân.
Ở Mỹ, cái gì họ cũng cố làm thật tốt và thiết kế rất cẩn thận nên thực chất là tính hiệu quả của họ rất cao. Đây là lý do tại sao họ cứ liên tục đi lên.
Còn đối với Việt Nam mình, cứ liên tục xây rồi đập. Vòng tròn luẩn quẩn này thực ra là rất lãng phí em à và Việt Nam mình vẫn chưa thể phát triển một phần là lý do này.
Không phủ nhận rằng ở Mỹ có rất nhiều điều phi lý và kém hiệu quả, nhưng tổng thể thì những thứ hiệu quả nhiều hơn nên họ cứ băng băng tiến đến con đường thịnh vượng.
Anh mong sao Việt Nam mình cũng có được cách tiếp cận và tư duy hiệu quả như người Mỹ. Như vậy, khả năng trở nên thịnh vượng của Việt Nam mình mới cao.
Còn vô số những điều lạ lẫm nữa anh rất muốn kể cho em, nhưng thư đã quá dài nên anh dừng ở đây nhé em!
Mong em và con luôn khỏe và sớm kết thúc học kỳ để anh về đón hai mẹ con sang!
Hôn hai mẹ con mèo con!
Mèo bố
Bình Minh
* Bài tham dự cuộc thi Hành trình nước Mỹ 2015, chủ đề Chuyện nước Mỹ, thư gửi một người.
Tổng giá trị giải thưởng gần 1000 USD.
Chủ đề, thể lệ và quy cách tham dự xin xem tại đây