Sau khi ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Mỹ, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng rất nhanh và kết thúc năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 29,4 tỉ USD.
Từ tỉ lệ khiêm tốn là 1% tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN vào Mỹ năm 2000, kết thúc năm 2014, Việt Nam đã đạt 22% tổng giá trị xuất khẩu của khu vực vào thị trường này. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua các nền kinh tế có quan hệ lâu đời trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Indonesia và xuất siêu sang thị trường Mỹ. Hiện Việt Nam đang xếp thứ 27 trong số các quốc gia về quan hệ thương mại với Mỹ.
Sự đổ bộ của các đại gia
Sau thông tin Intel chuyển hoạt động sản xuất từ Costa Rica về Việt Nam vào cuối năm ngoái, tập đoàn này đang có những bước đi tiếp theo để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đưa Việt Nam thành địa điểm sản xuất quan trọng trên toàn cầu. Hiện dự án sản xuất và kiểm định chip của Intel tại Việt Nam đã giải ngân được phân nửa trong tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD và đang có những đóng góp tích cực cho kinh tế – xã hội của nước ta.
Trên thực tế, Intel không thuộc thế hệ nhà đầu tư đầu tiên của Mỹ tới Việt Nam. Intel chỉ chính thức nhận giấy chứng nhận đầu tư vào Việt Nam từ năm 2006. Nhưng đây là điển hình được nhắc tới rất nhiều, bởi quy mô vốn đầu tư 1 tỷ USD đã mở ra “thời của các đại gia công nghệ” tại Việt Nam.
Trước đó, kể từ sau khi Mỹ bỏ cấm vận đối với Việt Nam, đặc biệt sau khi hai nước ký Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA), hàng loạt tên tuổi lớn của quốc gia này đã “đổ bộ” vào Việt Nam. Đó là Coca Cola, PepsiCo, rồi IBM, Cargill, Microsoft… Sau này, còn nhiều thương hiệu nổi tiếng khác, như Citigroup, Chevron, Ford, GE, AES, UPS…
Tỷ phú Mỹ Wibur L. Ross, người có tài sản trên 3 tỷ USD, xếp thứ 200 tại Mỹ và 600 trên toàn cầu phát biểu, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư vào TTCK và DNNN cổ phần hóa. “Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên là năm 2001, khi đó, các gia đình ở đây chủ yếu đi bằng xe đạp. Vừa qua, tôi có dịp đến thăm Việt Nam và nhận thấy, nhiều gia đình ở đây sở hữu ô tô, thậm chí cả những khách sạn rất lớn. Rõ ràng, Việt Nam có các bước tăng trưởng kinh tế ấn tượng và trong cảm nhận của tôi, đây là quốc gia an toàn nhất thế giới”.
Hai điểm được ông Wibur L. Ross cho rằng, nhà đầu tư Mỹ đáng quan tâm vào Việt Nam là nỗ lực cải cách nền kinh tế, trong đó có việc cải cách chính sách thuế và nới room cho nhà đầu tư ngoại đã được Chính phủ Việt Nam thực hiện mạnh mẽ.
Cơ hội mới cho cả hai bên
Có thể nói rằng, sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, hiện Mỹ mới đứng ở vị trí thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Một trong những nguyên nhân hạn chế đầu tư của Mỹ vào Việt Nam được nhắc tới là môi trường đầu tư tại Việt Nam chưa thật sự minh bạch và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Dù môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, thậm chí cả cơ cấu kinh tế Việt Nam đã nhiều cải thiện và đổi mới, song trong quan điểm của các nhà đầu tư Mỹ, hiện vẫn còn nhiều điểm cần cải cách. Chẳng hạn, theo Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), các thành viên của họ thường xuyên bị cản trở bởi sự chậm trễ trong việc đưa ra các quyết định đối với các dự án và chính sách quan trọng, hay các vấn đề liên quan đến sự minh bạch về chính sách, sự nhanh gọn của thủ tục hành chính…
Sau 20 năm, cơ hội được cho là đang mở ra cho Việt Nam, nhất là khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết trong thời gian tới, cũng như việc Việt Nam đang tích cực tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do khác, với cơ hội thị trường được mở rộng hơn. Sau các phiên đàm phán TPP, ngày càng nhiều DN Mỹ, đặc biệt là các DN dệt may, đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Dự kiến, nếu TPP được ký kết trong năm 2015, thuế suất cho phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng mạnh hơn nữa do thuế suất đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được giảm xuống 0%, trong khi thuế suất đối với các đối thủ cạnh tranh chưa tham gia TPP vẫn được duy trì ở mức cao (như 7% đối với gạo từ Thái Lan hay Ấn Độ).
Thị trường xuất khẩu này đã thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất trong nước về may mặc, thủy sản, cà phê… Dự kiến, trao đổi thương mại song phương sẽ đạt 50 tỉ USD vào năm 2020.
Để hút nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam, mới đây Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại Hoa Kỳ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì ngày 1/7/2015 tại New York đã có hơn 160 nhà đầu tư tới dự.
Tại đây, thông điệp về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư và thu hút nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tìm nhà đầu tư chiến lược từ nhiều doanh nghiệp lớn như SCIC, Vinatex, BIDV, Vinacomin đã tạo nên một ấn tượng đẹp cho các nhà đầu tư Mỹ. Một Việt Nam đầy tiềm năng, thân thiện, mong muốn xây dựng quan hệ đối tác toàn diện và sâu rộng với Mỹ.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Xem bài gốc tại đây