Nhiều “công ty” và trường ĐH đầu tư vào lĩnh vực tư vấn du học nhiều năm qua, nhưng hầu hết là hoạt động không phép.
Phớt lờ quy định
Tính đến thời điểm 1.4.2015 (thời điểm mới nhất – PV) chỉ có tên 3 trường: ĐH Mỏ – Địa chất, CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Hà Nội và Khoa Quốc tế (ĐH Đại Nam) được Bộ GD-ĐT cấp giấy chứng nhận hoạt động tư vấn du học. Thế nhưng mảnh đất tư vấn du học quá màu mỡ khiến nhiều trường phớt lờ quy định tổ chức dịch vụ không phép.
Đơn cử, Trung tâm đào tạo – tư vấn du học Nguyễn Tất Thành (TOSCC) của Trung tâm ngoại ngữ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã hoạt động được nhiều năm nay. Trung tâm này quảng bá trên website http://ttngoai nguntt.com/index.php/t-vn-du-hc là luôn thấu hiểu mọi nhu cầu xin thị thực du học, vì thế tỷ lệ thành công khi đi phỏng vấn khá cao. Hằng năm, nơi này gửi du học sinh đến học tập tại các trường trung học, cao đẳng và đại học ở khắp các nước như Mỹ, Anh, Úc, New Zealand, Canada, Singapore…
Nhiều năm nay, Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng tổ chức tư vấn du học (TVDH). Nơi này quảng bá là sau 20 năm tổ chức, quản lý và thực hiện các dự án liên kết quốc tế với các trường ĐH hàng đầu trên thế giới tại Mỹ, Anh, úc, Canada, Singapore trường đã song song thực hiện chức năng tổ chức các dịch vụ hỗ trợ sinh viên du học tại các trường ở nước ngoài, cung cấp thông tin và định hướng cho sinh viên chọn trường, chọn ngành nghề phù hợp.
Tại địa chỉ https://www.neu.edu.vn/View Tuvanduhoc.aspx Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) cũng cho biết mình cung cấp thông tin đầy đủ và cập nhật nhất về các trường đại học tại Anh, Mỹ, Úc, Singapore… Ngoài ra, sinh viên sẽ được hỗ trợ toàn bộ quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin visa, chứng minh tài chính, các thông tin về học bổng và hướng dẫn lựa chọn trường phù hợp với từng đối tượng. Đối tượng TVDH là tất cả những người có nhu cầu được TVDH nước ngoài hoặc các đối tượng có nguyện vọng chuyển tiếp sang học tại một trường ở nước ngoài.
Trung tâm tư vấn giáo dục quốc tế (CEC) của Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2) cũng tư vấn giáo dục quốc tế, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ du học, tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho du học và tổ chức các lớp bồi dưỡng về phương pháp học tập cho chương trình du học đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kinh doanh, quản lý và tiếng Anh dành cho doanh nghiệp. Trung tâm này TVDH các nước Mỹ, Anh, Úc, New Zealand…
Quảng bá rầm rộ
Trong “mảnh đất” này còn xuất hiện nhiều trung tâm TVDH không phép nhưng đã có rất nhiều chiêu thức quảng bá. Tại TP.HCM, nơi có hàng trăm công ty TVDH hoạt động nhưng chỉ có 45 đơn vị được cấp phép.
Công ty TNHH tư vấn du học Việt Phương (trụ sở tại đường Cách Mạng Tháng Tám, Q10, TP.HCM) đang quảng bá du học cho một học viện tại Singapore vào ngày 11.7 sắp tới với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Băng rôn quảng bá hội thảo du học Singapore được treo khắp các tuyến đường tại TP.HCM. Tuy nhiên, trong danh sách các đơn vị TVDH được Sở GD-ĐT TP.HCM cấp phép, chưa có tên của đơn vị này!
Tương tự, Công ty du học Liên kết thế giới – World Link (trụ sở tại đường Phan Kế Bính, Q.1, TP.HCM) treo băng rôn quảng bá du học. Điều đặc biệt trong quảng bá này là: các khóa du học này “miễn cả IELTS và TOEFL”. Lịch sự kiện của công ty này còn có hàng loạt buổi giới thiệu thông tin các trường ở Anh, Canada, Úc… Trong khi đó, công ty này chưa được cấp giấy chứng nhận hoạt động TVDH.
Cảnh báo cho người học
Trước tình trạng nhiều công ty TVDH hoạt động có dấu hiệu lừa đảo người học, các đại sứ quán, lãnh sự quán phải lên tiếng để cảnh báo cho người học.
Đại sứ quán Nhật Bản khẳng định đi du học là một hình thức đi học ở nước ngoài, không phải đi làm. Vì vậy, tất cả những người có nguyện vọng đi du học Nhật Bản không nên bị mê hoặc bởi các thông tin sai lệch mà một bộ phận các công ty TVDH đã đưa ra.
Trung tâm USA Education, Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, cũng cho biết việc cấp visa du học suy cho cùng không dựa trên tài liệu giấy tờ mà căn cứ vào buổi phỏng vấn với viên chức lãnh sự nên các trung tâm tư vấn cam kết đảm bảo đậu Visa 100% chỉ đơn giản lừa dối sinh viên, hy vọng có thể kiếm tiền từ hồ sơ xin Visa của các sinh viên.
Bà Dương Thúy Đình, Giám đốc Cơ quan giáo dục New Zealand tại VN, cho biết đa phần những trường hợp phát hiện lừa dối du học nằm ở bộ phận Visa. Việc xét duyệt Visa đi du học vừa qua được siết lại khá chặt, cần rất nhiều bộ hồ sơ, giấy tờ. Vì vậy, không thể nào có chuyện đảm bảo đậu visa 100% như nhiều công ty, cá nhân quảng bá.
Theo Thanh niên
Xem bài gốc tại đây