Hôm nay, lúc này, thời điểm này, tôi rất vui được chia sẻ với các bạn về con đường săn tìm học bổng của mình. Mọi thông tin tôi sắp trình bày hầu hết dựa trên kinh nghiệm bản thân, do vậy có thể đúng/sai, phù hợp/không phù hợp với bạn, nên thận trọng khi áp dụng!!!
Cách đây chưa lâu, tôi đã được nghe một cuộc nói chuyện rất hay về quản trị cuộc đời và xin mượn câu hỏi thú vị của diễn giả dành cho các bạn “How can you reach there from here?”. Phân tích kỹ hơn, trong này có 3 câu hỏi nhỏ: Bạn đang ở đâu – here, Đích đến của bạn – there và Làm như thế nào – reach. Với tôi, trong cuộc chơi săn tìm học bổng thì những câu hỏi trên cũng đáng được xem xét.
1. Bạn đang ở đâu?
Bằng thời gian này 2 năm trước khi còn là SV năm cuối, tôi đã hăm hở tìm hiểu apply một khóa EM, tự tin với GPA trên 8 một tý và vốn tiếng Anh coi là tạm được 6.5. Dựa trên mối quan hệ rất thân thiết và lâu năm giữa các thầy trong khoa với coordinator khóa học này, và một người khác trước tôi 4 khóa có GPA kém hơn nhiều mà vẫn thành công => Ăn chắc sang bển năm tới. Ung dung chờ đợi tin chiến thắng, lập kế hoạch ăn chơi nhảy múa trời Âu và rồi… bàng hoàng đón nhận cái tin dữ. Tuy không đến nỗi trượt cái oạch nhưng được an ủi vào RL rồi sau đó cũng F. Thằng bé vốn cứ nghĩ mình là siêu nhân a kay lắm, nó nhận được bài học đầu tiên rằng ở đời phải biết mình là ai. Sau vài ngày tâm hồn treo ngược trên cành cây, cũng chính thằng bé đó quay ngược lại phân tích mới thấy bộ hồ sơ thiếu pro quá, thêm nữa tinh tướng không trải thảm nhiều nơi => Bài học rút ra: Đừng tỏ ra nguy hiểm nếu bạn ngu ngu!
Do vậy, nếu “em có 1 ước ao, em có 1 khát khao” săn học bổng thì em nên biết ở đời em là ai. Hãy trau dồi bản thân, trong đó có một số thứ rất quan trọng như: GPA (rất nhiều thợ săn hối tiếc vì ko quan tâm nhiều đến GPA thời SV trai trẻ), ngoại ngữ (ielts hay toefl), GRE hoặc GMAT nếu cần, cố gắng ẵm vài bằng khen, giải thưởng mang tính học thuật như NCKH, thi Olympic, viết bài báo, tham gia hội thảo uy tín… và bất cứ cái gì mà bạn nghĩ rằng có thể “làm giá” được cho bản thân mình.
Thật là hay ho vì tôi đã từng gặp nhiều người có quan niệm: Học bổng chỉ dành cho những ứng viên xuất sắc, với profile khủng, điểm tiếng Anh cao, kinh nghiệm đầy mình và dẫn đến tự ti với những gì mình đang có trong tay. Tôi xin khẳng định quan niệm trên là hoàn toàn sai lầm. Có nhiều ứng viên thành công mà bình thường như cân đường hộp sữa (tôi 6.5 ie, 8.24 GPA, vài giải thưởng về học tập và hoạt động, một tý kinh nghiệm làm việc). Và thật trớ trêu thay, nhiều “khủng long” trượt trắng mắt, thậm chí vài năm liên tiếp mà vẫn ngẩn ngơ không biết vì sao mình trượt. Không thể phủ nhận người giỏi thì cơ hội cao hơn, nhưng tiêu chí chọn lựa ứng viên thật sự vẫn còn nằm trong một cái hộp đen mà có lẽ chỉ các ông ngồi xét duyệt mới biết được. Bạn cứ gửi hồ sơ đi, nhiều khi thánh nhân đãi kẻ khù khờ => Bài học rút ra: Hãy mạnh dạn đầu tư thời gian và tiền bạc dù bạn là khủng long hay hổ báo tê giác thằn lằn rắn giáo gì đó.
2. Đích đến của bạn?
Hiện nay, chỉ với vài từ khóa “scholarship”, “study in UK”, “PhD scholarship in Sweden”… bạn sẽ tìm được một se-ri đường link mà chả biết nên chọn cái nào nữa. Hãy từ từ tìm hiểu thông tin qua internet (diễn đàn du học, cổng thông tin học bổng…), bạn bè và chính xác nhất từ những người đi trước mình. Đến lúc này, hãy khôn khéo tìm ra những phương án tối ưu và đưa chúng vào tầm ngắm. Tôi xác định sang châu Âu học MSc nên đã cố gắng ăn được con ie 6.5, chả thèm đoái hoài đến GRE hay GMAT gì cả, ngành của mình mạnh ở nước nào, trường nào. Rồi dần dần connect được vài anh chị người Việt đã và đang học bên đó…
Lựa chọn đích đến hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích, khả năng, yêu cầu của bạn. Như đã viết ở trên, càng trải thảm cơ hội càng cao (như đánh lô đấy) nhưng cần tập trung hơn cho những mục tiêu vừa miếng, tránh trèo cao ngã đau!!!
3. Làm như thế nào?
Trong quá trình apply học bổng có rất nhiều thứ cần làm như passport, công chứng giấy tờ, điền application form, bảng điểm, chứng nhận tốt nghiệp, chọn hãng chuyển phát nhanh… nhưng tôi thấy khó nhất là viết SOP, LOR. Do vậy trong phần này xin đề cập kỹ hơn về 2 món này, những món còn lại bạn có thể tìm hiểu qua anh google hoặc ngay trên box này.
SOP hay còn được gọi là LOM là một lá thư giới thiệu về bản thân, background ntn, hoạt động ra làm sao, nguyện vọng theo học, sự phù hợp với khóa học, đóng góp gì cho xã hội sau này… Sơ sơ đó là những nội dung chính. Còn LOR là thư của thầy, sếp hay đồng nghiệp nhận xét ứng viên về những điểm mạnh, điểm yếu (thường điểm yếu không nói ra ), sự phù hợp với khóa học… Tóm lại, cả SOP và LOR đều đưa ra cái nhìn sâu hơn về ứng viên. Vậy làm thế nào để ta nổi bật giữa một rừng các ứng viên đều rất xinh gái, xinh trai, nhà nghèo nhưng học giỏi, chăm chỉ, năng động, sáng tạo, có tinh thần làm việc tập thể, trách nhiệm cao trong công việc và muôn ngàn mỹ từ khác có thể kể ra ở đây?
Viết SOP có lẽ là công việc tốn nhiều công sức và thời gian nhất trong quá trình apply. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi tìm các nguồn SOP hay trên mạng, tập hợp lại, in ra, tìm những lời hay ý đẹp chắt lọc lại thành một “cẩm nang” riêng cho mình. Dựa vào đó, mình sẽ viết nên SOP của mình. Bạn nên nhớ là CỦA MÌNH, vì nếu bạn chỉ biết dùng những mỹ từ thì bạn sẽ giống đặc với nhiều ứng viên khác. Hãy biết sử dụng những VÍ DỤ CỤ THỂ để chân dung của bạn được vẽ nên lung linh, chính xác, chi tiết, nhưng đừng tâng bốc quá đáng nhé. Tôi là người rất chăm chỉ. Tôi thường ở lại lớp hỏi bài thầy giáo, chưa đủ thì viết email, gọi điện hỏi. Buổi sáng thứ 7 tôi vẫn dành thời gian lên lab, thư viện trao đổi bài vở, tài liệu. Hay tôi may mắn được tham gia vào một dự án hồi còn là SV năm 3. Công việc của tôi là ABC, phân tích cái này cái nọ cái chai. Chính những kiến thức thực tế đó đã giúp ích tôi rất nhiều, công trình đó đã được giải thưởng cấp trường, cấp bộ. Tôi là chủ nhiệm của CLB SV tình nguyện. Mùa hè năm 2010 chúng tôi đã đi lên Hà Giang dạy học cho trẻ em dân tộc thiểu số. Đó là những trải nghiệm thú vị trong quãng đời SV, hơn nữa tôi học được đức tính cần cù, kiên nhẫn và làm việc nhóm…
Không tính phần mở và kết với toàn những câu chào hỏi hay cảm ơn vòng vo tam quốc, phần chính SOP của tôi được chia ra 3 phần học tập, hoạt động và sự phù hợp với khóa học. Trước khi viết bạn nên liệt kê ra các điểm mạnh cần trình bày, ví dụ phần học tập thì GPA thế nào, NCKH ra sao, từng tham gia cái gì và cũng tương tự cho 2 phần còn lại. Sau khi viết xong, bạn nên đưa cho người khác xem và góp ý. Rồi có lẽ bạn sẽ phải sửa tới sửa lui cả chục lần để có được một cái SOP tạm ưng cái bụng. Tôi đã từng đọc nhiều bài SOP hay (chủ yếu của các bạn tàu). Tất cả rất cụ thể, cấu trúc rõ ràng, từ ngữ, câu văn không quá hoa mỹ, thậm chí đơn giản nhưng thật sự rất đẳng cấp và quan trọng hơn là không thể nào lẫn với ứng viên khác. Biết đâu họ nhờ/thuê người khác viết giùm, sửa giùm thì sao.
LOR chắc chắn sẽ tiêu tốn của bạn không ít thời gian. Về mặt hình thức, ứng viên không được biết nội dung của LOR vì thầy hoặc sếp tự viết rồi cho vào phong bì dán kín có chữ ký giáp lai. Nhưng mà thầy hay sếp bận lắm nhỉ, thế nên bạn viết nốt cho gọn. Ngoài các yếu tố cụ thể, cấu trúc rõ ràng tương tự như SOP, tôi xin lưu ý thêm một chi tiết nhỏ: Thông thường sẽ có 2 hoặc 3 LOR, do vậy hãy viết thư đầu khen nhiều học tập + vừa vừa kinh nghiệm làm việc và thư sau ngược lại. Chú ý các nội dung không trùng lặp nhiều và khôn khéo NHẮC LẠI những điểm mạnh của mình trong cả 2 LOR.
Dài dòng mãi, cuối cùng tôi xin tổng kết vắn tắt kinh nghiệm qua mấy dòng:
– Hãy chuẩn bị thật kỹ càng GPA, GRE, GMAT, ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc, các giải thưởng…
– Dựa vào trình độ bản thân, nhu cầu và sở thích để lựa chọn mục tiêu, tập trung cho những mục tiêu tiềm năng và vừa miếng => Trải thảm càng nhiều cơ hội càng cao (càng tốn tiền). Lưu ý một số học bổng cho phép SV năm cuối apply, hãy xem xét nếu bạn muốn ra đi tìm đường cứu nước ngay sau khi tốt nghiệp.
– Nghiêm túc đầu tư thời gian và tiền bạc để bộ hồ sơ của bạn thật sự pro, tập trung nhiều cho SOP và LOR. Theo kinh nghiệm của rất nhiều awardee thì SOP và LOR cực kỳ quan trọng, có thể nói là mang tính QUYẾT ĐỊNH.
– Giao lưu, kết nối, chia sẻ thông tin với những bậc tiền bối và những thợ săn khác qua các diễn đàn du học như ttvnol, vietphd, vietabroader…
– Cuối cùng, chả biết có nên gọi là kinh nghiệm hay không vì nó mang đầy màu sắc duy tâm. Hãy chăm chỉ về quê thắp hương cho ông bà tổ tiên, thỉnh thoảng chùa chiền đền đài miếu mạo cho may mắn.
Đó là sơ sơ những kinh nghiệm tôi đã rút ra được trong quá trình 2 năm tìm tòi và theo đuổi tình yêu lớn này. Hy vọng những chia sẻ này sẽ có ích với bạn. Giúp đỡ những thợ săn mới vào nghề chắc chắn là niềm vui đối với tôi, do vậy nếu bạn có khó khăn gì trong quá trình apply, xin đừng ngần ngại liên lạc qua ym hoặc gmail với cùng địa chỉ vmd0210.
Để đạt được thành công, gia đình là nguồn cổ vũ mạnh mẽ nhất cho tôi. Bên cạnh đó, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới tungkelvin, người đã nhiệt tình giúp tôi rất nhiều trong quá trình apply và meopink, siêu nhân IELTS đã góp ý nội dung SOP và LOR. Thanks chị Rome (admin cực kỳ tâm huyết của box du học) vì nhiều thông tin bổ ích, chị Nhi – TU Delft, anh Ken_Heinen, chị lissauer, anh longviet189, chị hangbeo1104, chị october14, bạn nhim2208, bạn hungk9, em binhnguyen9, em barmyflight cùng rất nhiều người bạn khác biết/chưa biết mặt trên box này đã cùng nhau chia sẻ thông tin, đồng cam cộng khổ, chờ đợi, hy vọng và… thất vọng (ai may mắn thì chưa phải thất vọng!).
Thay cho lời kết, tôi xin gửi tới mọi người câu nói tôi rất thích của Donald Trump “Hãy nhớ trở ngại là cánh cửa dẫn đến thành công và đứng trước bất cứ khó khăn nào xin đừng lùi bước”.
Thông tin thêm về bachelorhn: Tốt nghiệp trường ĐH Thủy Lợi – Hà Nội, apply thành công Erasmus Mundus và VLIR-OUS