Tên bài dự thi: Mẹ ơi, Sóc sinh ở đâu thế?
Tác giả: Đoàn Thị Minh Phượng- Thạc sĩ, nghiên cứu sinh trường Đại học Indiana, Hoa Kỳ
“Mẹ ơi, Sóc -inh (sinh) ở đâu thế?!” có lẽ là câu hỏi tiếng Việt tròn chữ đầu tiên mà bé Sóc thắc mắc hỏi tôi và bố cháu. Câu hỏi của Sóc đã khiến chúng tôi ngạc nhiên rất nhiều vì trong rất nhiều những câu hỏi cháu có thể hỏi cháu lại chọn hỏi về nơi sinh của mình. Và cũng nhờ thế, tôi có thời gian hồi tưởng lại và kể cho cháu nghe về 14 tiếng “vượt cạn” của hai mẹ con trên đất Mỹ.
Bác sĩ Adam thân mến,
Thấm thoắt đã ba năm kể từ lần đầu tiên tôi gặp chị. Mặt tôi méo xệch khi được chồng đưa vào viện sinh Sóc và tôi đau đớn đến mức cắn chảy máu tay chồng mình trong lúc thều thào trả lời bác sĩ về bệnh án của mình. Nhưng lạ thay, càng đau tôi lại càng nhớ những câu nói chị không ngừng động viên tôi: “Fiona, thở sâu, thở tiếp, chị sẽ không sao hết, có tôi ở đây rồi”. Và cứ thế, tôi cảm thấy như mình được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục gồng mình vượt qua những cơn co thắt càng lúc càng dồn dập.
Ảnh 1: Mẹ và Sóc và cô y tá bệnh viện Piedmont, Atlanta.
Ảnh 2: Mẹ, Sóc và bác sĩ Adam tại bệnh viện Piedmont, Atlanta
Sau khi được gây tê, tôi tỉnh táo hơn để nhận ra chị. Chị có nụ cười hồn hậu đến mức có thể xoa dịu nỗi bất an của bất cứ người phụ nữ nào đang trong quá trình vượt cạn như tôi. Chính nụ cười đó phần nào giúp tôi và chồng mình cảm thấy vững tâm và tin tưởng mọi điều tốt đẹp sẽ đến với con gái của chúng tôi. Cứ chốc chốc, tôi thấy chị chạy vào để hỏi thăm tình hình sức khoẻ của mẹ con tôi và không quên dặn y tá túc trực cập nhật cho chị từng phút (có lẽ phải là từng giây) về độ mở tử cung của tôi để sẵn sàng đón em bé ra. Mỗi lần như vậy chị lại nắm tay tôi và nói: “Fiona, chị sắp gặp con gái mình rồi, tôi tin chị sẽ làm rất tốt.” Dù vẫn biết đó là trách nhiệm y đức của tất cả các bác sĩ bên này nhưng được nghe những câu nói đó, những sinh viên quốc tế được làm cha, làm mẹ như chúng tôi ở xứ người vẫn cảm thấy ấm áp vô cùng.
Oe, oe, oe…
Có lẽ đấy là âm thanh ngọt ngào nhất mà tôi đã từng được nghe và là khoảnh khắc hạnh phúc nhất mà tôi từng được trải qua. Chị đón con tôi bằng nụ cười đôn hậu quen thuộc và trong ánh nhìn của chị, tôi cảm nhận thấy sự mừng vui khôn xiết như thể chị đang đón đứa con đầu lòng của chính mình vậy. Chị trao con cho tôi để tôi cho cháu bú ngay những giọt sữa nóng hổi đầu tiên và cảm nhận được giây phút mẫu tử thiêng liêng vô giá. Rồi chị ân cần dặn dò tôi những điều cần lưu ý sau sinh.
Sau này tôi còn được biết, chị đã giúp vợ chồng tôi chọn ra những y tá lành nghề nhất trong bệnh viện để chăm sóc riêng cho tôi phần vì sợ tôi bỡ ngỡ với thiên chức mới, phần vì biết chỉ có hai vợ chồng tôi một mình xoay xở ở đây.
Vậy nên, tôi càng tin rằng việc tôi được gặp chị là cơ duyên của tôi, cũng như cơ duyên của tôi với đất nước này để rồi tôi được gặp những người tử tế, đáng kính trọng như chị. Và điều này làm tôi nhận ra cuộc đời của mình thật đẹp, cuộc sống của mình thật có ý nghĩa.
Nhờ gặp chị và sau này, có cơ hội tiếp xúc với nhiều người dân ở quốc gia này, tôi càng hiểu rõ và trân trọng hơn những thứ tình cảm đáng quý khác, bên cạnh tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, tình vợ chồng. Đó là tình người. Thứ tình cảm này luôn được chăm chút, nâng niu và trở thành nét đặc trưng mà tôi thấy được rõ nhất khi ở xứ sở cờ hoa này. Nó hiện hữu giữa những người hoàn toàn xa lạ với nhau và tạo ra sợi dây gắn kết giữa người với người, không phân biệt tôn giáo, chính trị, và sắc tộc. Vậy nên, chẳng ngạc nhiên khi chúng tôi tự nguyện để con cái mình gọi những người như chị là những ông bố, bà mẹ thứ hai của chúng và nhận đất nước này là quê hương thứ hai của chúng tôi.
Tôi hy vọng bức thư này được chuyển tới chị vào cuối ngày sau khi chị đã làm tròn vai trò “bà đỡ” của mình để chị có thời gian đọc hết những dòng cảm xúc mà tôi muốn nhắn gửi thay cho lời cảm ơn của gia đình mình tới chị.
Ảnh 3: Sóc về thăm nơi ở cũ của mẹ tại trường Indiana, Hoa Kỳ
Biết bao đứa bé như Sóc đã được sinh ra khoẻ mạnh nhờ lòng yêu thương, tính trách nhiệm và sự ân cần của chị và rất nhiều y bác sĩ khác trên đất nước này. Và chúng tôi là những người chịu ơn chị, sẽ có trách nhiệm kể cho các con tôi về nơi cháu sinh ra, đó là nơi bắt đầu của những điều yêu thương diệu kì và tiếp tục vun đắp cho các cháu một nhân cách đẹp để viết tiếp nên những câu truyện tử tế của cuộc đời mình. Những câu chuyện có thật và hiện hữu hằng ngày.
One thought on “Bài dư thi Hành trình nước Mỹ : Mẹ ơi, Sóc sinh ở đâu thế?”
Comments are closed.