Phía sau lăng kính phim ảnh và truyền thông – Một vài “ngộ nhận” và “sự thật” về nước Mỹ
(The United States of America behind the Scene – The Myths and Truths)
Bạn trẻ mến,
Ngày nay, bạn chỉ cần gõ Google là mọi thông tin lề phải lề trái đều hiện ra trong tích tắc. Cũng nhờ truyền thông, điện ảnh và nhiếp ảnh diệu kỳ càng giúp chúng ta chỉ ngồi trước máy tính mà có thể đi du lịch khắp năm châu bốn bể và nghe nói tiếng Anh chuẩn như người Mỹ.
Có thể vì mình hơi giừ, hay là đã sống ở Mỹ 10 năm, hoặc bởi mắc bệnh tiến sĩ, mà sự ham muốn hiểu biết gốc rễ nhiều vấn đề cứ dần lớn mỗi ngày, rồi bỗng nhiên mình quan tâm hơn trước tới lịch sử và văn hóa các nước, kèm theo những hệ quả chính trị và kinh tế!!! Với mình, Hoa Kỳ và Việt Nam tựa như hai hành tinh hoàn toàn tách biệt không song song tồn tại mà nếu phải chọn lựa, thật khó biết yêu thương bên nào hơn, muốn sống trọn đời ở đâu, và được là mình trong hoàn cảnh nào. Tâm hồn và trái tim thành chia đôi, nửa cho quê hương Việt Nam, nửa cho mảnh đất Hoa Kỳ đầy cơ hội. Nếu nguyện vọng của mình được bảo tồn và phát triển giá trị Việt ở nước ngoài lớn một; thì ước mong truyền dẫn những tư tưởng và giá trị Mỹ về Việt Nam thôi thúc gấp trăm lần.
Mình tự hỏi bản thân, trong giới hạn của một tâm thư liệu viết được gì và nên viết gì: cảm giác choáng ngợp hoặc thất vọng thường thấy khi gặp “chú Sam” lần đầu tiên, quá trình “Mỹ hóa” tất yếu của những ai ở đây đủ lâu, hay dăm lời ngợi ca và bênh vực một nước Mỹ vốn không được nhiều thể chế chính quyền yêu mến nhưng giới trẻ khao khát tự do toàn cầu lại hướng về? Có lẽ, mình xin kể bạn nghe một vài “myths”, những “ngộ nhận” mang tính truyền miệng về “anh cả” Mỹ, hy vọng bạn sẽ có đôi phần thích thú và thấy liên hệ sâu sắc tới Việt Nam của chúng mình nhé!
“Tháng 7 ngày 4” hàng năm, pháo hoa ngập trời để kỷ niệm Quốc Khánh Mỹ
Gần như cả thế giới, bao gồm hàng trăm triệu người dân Mỹ, tin rằng ngày 4/7/1776 chính là ngày Hoa Kỳ lần đầu tiên tuyên bố độc lập khỏi nước mẹ Anh Quốc. Sự thực, Mỹ tuyên bố độc lập ngày 2/7/1776, còn 4/7/1776 là ngày thông qua bản Tuyên Ngôn Độc Lập bất hủ, viết bởi Thomas Jefferson, về sau là tổng thống thứ 3, có đoạn trích chắc quen thuộc với bạn: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Tôn giáo không phải là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với người Mỹ
Tuy số lượng người “vô thần”/”không tôn giáo” ở Mỹ ngày càng tăng (>10%), sự thực là tỷ lệ người Mỹ sùng đạo Ki-tô (>70%) vượt nhiều so với châu Âu, bởi vì đa phần những người di cư đầu tiên vào Mỹ là tín đồ tôn giáo bị kỳ thị và mục đích tới Mỹ là để xây dựng hệ thống đa nguyên tôn giáo nhà nước, bảo vệ tự do tôn giáo chứ chưa phải mong muốn chế độ dân chủ. Tôn giáo (Ki-tô giáo) dần trở thành một biểu tượng lãng mạn (có tranh cãi) của tinh thần dân tộc Mỹ quốc. Năm 1954, bản tuyên thệ dưới cờ được bổ sung thêm “One Nation, Under God”. Năm 1956, “In God, We Trust” trở thành khẩu hiệu mới của nước Mỹ mà bạn sẽ dễ dàng đọc thấy trên mỗi đồng tiền giấy dollar. Mình thấy nhà thờ và việc thiện nguyện khắp nơi. Còn bạn, nghĩ gì?
Hàng chục ngàn người Texas đã chiến đấu bảo vệ tự do trong cuộc nội chiến Nam – Bắc
Trong “Cuốn theo chiều gió”, nhiều người Mỹ gốc miền Nam/miền Tây nhầm tưởng/ cố chấp rằng nội chiến 1861-1865 là cuộc chiến chính nghĩa của miền Nam chống lại sự xâm lược của miền Bắc. Sự thực, cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” đẫm máu và đáng xấu hổ đó khởi đầu bằng việc các tiểu bang bông vải ở miền Nam, với các ngành công nghiệp bóc lột sức lao động của tầng lớp nộ lệ, phản đối tư tưởng chấm dứt chế độ nô lệ của chính quyền Abraham Lincoln bằng cách tuyên bố ly khai, lập chính phủ liên minh với lá cờ riêng, và tấn công vũ lực liên bang (lúc này gọi là miền Bắc). Từ góc độ của “bên thắng cuộc”, việc bảo vệ chính phủ đã kết thúc như cuộc chiến thống nhất đất nước và chấm dứt chế độ nô lệ. Một số người bảo thủ miền Nam tới nay vẫn treo cao lá cờ liên minh từ lâu bị coi là biểu tượng của sự phân biệt chủng tộc. Thật quen và thật lạ phải không?
Mọi người dân Mỹ đều ưa bạo lực và sở hữu súng
Bạn nghĩ gì nếu chia đều cả già trẻ gái trai, mỗi người Mỹ sở hữu trung bình một khẩu súng (300-400 triệu súng)? Sự thực, ít nhất 50% dân Mỹ chưa từng sở hữu súng, chỉ ~25% có súng, số còn lại là chỉ có người nhà có súng; và tỷ lệ sở hữu đang giảm dần đáng kể. Cũng như mọi vấn đề quản lý hơn 300 triệu người “hợp chủng” khác, sở hữu và sử dụng súng ở Mỹ không dễ dàng được/bị thắt chặt hay xóa bỏ, đặc biệt là ở các tiểu bang có văn hóa săn bắn thú rừng và vịt trời hay nông nghiệp trang trại đã hàng trăm năm, bởi mục đích “săn bắn” và “tự vệ” được bảo hộ rõ ràng từ những bản đầu tiên của Hiến Pháp. Gia đình bạn mình có bộ sưu tập súng truyền đời tới ba chục cây, mang nhiều tính trưng bày và không còn giá trị sử dụng. Có thể bạn thấy không ổn, nhưng đồng lòng tin rằng cây súng không biết tự bắn, nhiều người Mỹ ủng hộ duy trì quyền sở hữu súng và tăng cường kiểm soát, chẳng hạn như bổ sung tiền sử sức khỏe vào hệ thống dữ liệu và cấm bán cho người từng có bệnh thần kinh.
Người da đen ở Mỹ bị đối xử phân biệt và không có cơ hội thoát nghèo
Đúng là người Mỹ da đen có mức thu nhập khảo sát rất thấp so với người Mỹ da trắng. Sự thực, họ nghèo đói không phải do thiếu cơ hội mà do không nắm bắt cơ hội. Bất cứ công ty hay tổ chức tuyển dụng nào ở Mỹ cũng phải tuân thủ nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt ứng viên theo những tiêu chí không liên quan tới năng lực như giới tính, tuổi tác, hoàn cảnh… và ứng viên nếu thấy mình bị phân biệt có thể kiện ra Tòa. Một vài nơi như các trường Đại học công lập còn có chính sách tuyển dụng cân bằng giữa các nhóm sắc tộc. Bởi vậy, một người Mỹ gốc Phi nếu là phụ nữ và/hoặc học hết bằng Tiến sĩ, thật ra có nhiều cánh cửa rộng mở hơn một người da trắng bằng cấp tương đương. Nhóm người Mỹ gốc Á là minh chứng tốt nhất cho “giấc mơ Mỹ” khi đã bứt lên và giành số 1 trong bảng xếp hạng thu nhập, bạn có thấy tự hào không?!!
Người Mỹ lạnh lùng, thực dụng, khoác lác, thích chỉ trích, lười biếng, và ích kỷ
Cái mình thấy đáng học nhất ở người Mỹ là tính tích cực, luôn nhìn nhận mọi việc lạc quan (đôi khi hơi quá). Cùng là dân tộc Mỹ đó, xã hội tiêu cực đánh giá họ không thân thiện, hay tính toán, ưa khoe khoang, thích chê bai, không chăm chỉ, và thiếu quan tâm. Sự thực, cũng là dân tộc đó, cũng là những đặc điểm đó, nhìn tích cực sẽ thấy: thẳng thắn và rõ ràng; thực tế và kế hoạch; tự tin và giàu năng lượng; tích cực phê bình và chấp nhận phê bình; có thái độ sống cân bằng; và độc lập tự chủ ít tùy tiện can thiệp. Chỉ một ví dụ mà cho tất cả nhé, một người sếp tạo điều kiện cho nhân viên mang công việc về nhà làm, nhưng khi nhìn email báo cáo thấy được gửi lúc 3h sáng ngày cuối tuần, thì gặp trực tiếp và bày tỏ mong muốn nhân viên của mình được nghỉ ngơi.
Nước Mỹ là thiên đường, là xứ sở cho những giấc mơ triệu phú
Mỹ có lắm triệu phú nhất thế giới, và rất nhiều trong số họ từ hai bàn tay trắng mà nên. Sự thực, không phải hai bàn tay trắng đâu, mà là một cái đầu khôn ngoan và quả quyết đấy! Nước Mỹ rất khắc nghiệt: lợi tức xã hội thua xa Canada và các nước Bắc Âu, thành phố lớn đầy người vô gia cư, cái gì cũng thêm thuế, thu nhập thì cả thuế liên bang lẫn tiểu bang… Nước Mỹ đối xử với những người nhập cư không có trình độ bằng cách đẩy họ đi rửa bát, cắt cỏ, làm cầu đường… Vậy mà, bạn có biết, vẫn nhiều người lên thuyền vượt biển khơi hoặc đi bộ nhiều tháng trên đất liền để được đặt chân lên mảnh đất không có quan niệm xin-cho-miễn phí này? Bởi vì với người lao động, công việc không thiếu và chỉ cần chăm chỉ là đủ nuôi gia đình. Với người trí thức, học thêm thì lương cũng sẽ thêm. Và với người khởi nghiệp, một ý tưởng tốt sẽ gặp nguồn vốn tốt và nếu sai thì nào chúng ta cùng làm lại.
Đô thị và thành phố bao phủ toàn bộ nước Mỹ, không còn chỗ cho thiên nhiên
Bạn đã từng thấy nhà cao chen nhà cao, bao tòa tháp chọc trời, doanh nhân xách cặp rảo bước trên phố và nghĩ rằng đó là điển hình Mỹ? Phim ảnh gây lầm tưởng rằng Mỹ đầy rẫy những New York, những Chicago hay những San Francisco. Sự thực, thành phố nhiều nhà cao tầng chỉ chiếm phần rất nhỏ trên tổng diện tích của Mỹ và những cao ốc này dành cho văn phòng là chính chứ ít để ở. Nhà của người Mỹ trung lưu thường nằm trên một hoặc tối đa hai tầng, có sân cỏ bao quanh cả mặt trước lẫn sau. Nhiều người Mỹ truyền thống sẵn sàng lái xe 2-3 tiếng đi lại mỗi ngày để được lùi ra ngoại vi sống trong nhà trang trại. Sinh viên du học chúng mình, khi lái các chuyến xe dài ngày đi bụi xuyên liên bang, sẽ ngạc nhiên hoặc phát chán với những cảnh quan thay nhau trải dài hàng chục km: rừng thông, núi đá, hoang mạc, đồng cỏ, ruộng cày… đâu đó không xa thấy một hồ nước lớn hoàn toàn có thể là nhân tạo.
Tất cả mọi người trong độ tuổi đi học ở Mỹ đều đến trường
Bạn biết không, ở Mỹ, nhà trẻ và Đại học không miễn phí, nhưng miễn phí ở các trường công lập từ cấp tiểu học tới trung học cho bất kỳ trẻ em nào sinh sống hợp pháp, vậy mà hơn 3% trẻ em trong độ tuổi đi học không hề tới trường dù công lập hay tư thục. Sự thực, số trẻ em này được dạy dỗ tại nhà bởi vì giáo dục phổ thông không bắt buộc và mọi thứ đều theo nhu cầu của cá nhân và gia đình. Có nhiều lý do khiến cha mẹ Mỹ quyết định dùng sách riêng để dạy con, thuê gia sư, hoặc tham gia các nhóm hội: dạy tôn giáo khi các trường học công lập bắt đầu ngừng việc này; do chưa hài lòng với môi trường giáo dục tập trung, hoặc các em cần đào tạo đặc biệt do chậm quá hoặc nhanh quá. Tuy không qua trường lớp cơ bản, nhưng nếu vượt được các kỳ thi đánh giá hoặc sát hạch chuẩn, các em đều có thể quay lại học, nhảy cóc lớp, thậm chí vào đại học năm 12 tuổi. Mình nghĩ đến bao em nhỏ miền núi và vùng quê Việt Nam hàng ngày đi bộ hàng km tới trường và sách vở bút thì gần như không có…
Bạn thân mến,
Mười năm không nói hết được một lần. Thư đã dài, mình xin tạm dừng tại đây và hẹn lần sau nhé!
Thái Thùy Trang
One thought on “Hành Trình Nước Mỹ – Một vài “ngộ nhận” và “sự thật” về nước Mỹ”
Comments are closed.