Hệ thống giáo dục ở Mỹ rất đa dạng nên trải nghiệm của mình không phải là cẩm nang cho việc du học Mỹ.
Những gì viết dưới đây chỉ mang tính tham khảo cho các bậc phụ huynh và học sinh muốn tìm hiểu về việc học tập ở đất nước này.
Học theo kỳ hay quý
Ở Việt Nam, như mình biết, các trường đều học theo kỳ, một năm hai kỳ, mỗi kỳ khoảng 4 tháng. Ở Mỹ, chỉ khoảng 70% các trường đại học học theo kỳ, còn lại 30% học theo quý.
Dĩ nhiên, một số trường lại theo hệ thống của riêng họ. Ví dụ, Colorado College có block plan. Thay vì học nhiều môn cùng một lúc, họ học một môn trong 3 tuần rưỡi liền rồi đổi sang môn học mới.
Trường của mình – Đại học Stanford – học theo quý. Một năm học ở đây gồm 3 quý (thu, đông và xuân), mỗi quý 11 tuần. Hồi mới biết về hệ thống này, mình hơi sợ.
Lý do thứ nhất là thi nhiều. Thời gian một quý ngắn bằng 2/3 một kỳ mà vẫn có đầy đủ thi giữa kỳ, cuối kỳ nên lịch học lúc nào cũng toàn thi là thi. Nhiều lớp còn thi giữa kỳ 2-3 lần nữa chứ.
Thi giữa kỳ bên này có thể bắt đầu từ kỳ thứ ba, kéo dài sang đến tuần thứ 10, rồi chưa kịp thở đã phải thi cuối kỳ ở tuần thứ 11. Kỳ mùa xuân vừa rồi, mình học 6 lớp mà có đến 8 bài thi giữa kỳ, 5 bài thi cuối kỳ và 2 dự án lớp.
Thi giữa kỳ ở đây không được nghỉ để ôn đâu nhé. Hơn nửa các bài thi giữa kỳ của mình đều vào buổi tối, ban ngày vẫn đi học và vẫn có bài tập về nhà như bình thường.
Lý do thứ hai là học theo quý đẩy tiến độ lên rất nhanh. Người ta nói một môn học theo quý sẽ bao gồm ít kiến thức hơn cũng môn đó ở trường học theo kỳ. Nhưng mình biết một số môn Toán, Tin ở Đại học Stanford dùng chung y hệt sách giáo khoa với các trường khác, nhưng họ có 16 tuần để hoàn thành, còn Stanford có 11 tuần.
Nhịp học nhanh như vậy nên chỉ cần lơ là một, hai buổi thôi là đã không theo kịp. Ai hồi đầu kỳ mà nghĩ rằng tuần đầu tiên có thể ung dung thong thả thì cứ chờ đến tuần thứ hai sẽ thấy kiển thức chồng chất, không thể nào học được nữa.
Sợ thế thôi nhưng sau khi học ở trường một năm, mình lại thích học theo quý. Học theo quý cho phép học được nhiều môn hơn. Hơn nữa, nếu chẳng may mình chọn phải một môn mình không thích thì quý kết thúc nhanh hơn nên cũng sẽ thoát khỏi lớp đó sớm hơn.
Văn hoá trường
NNguyễn Thị Khánh Huyền (SN 1990), thường được gọi là Huyền Chíp.
Cô là cựu học sinh THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Tháng 8/2014, Huyền Chip nhận học bổng của Đại học Stanford (Mỹ).
Mỗi trường đại học Mỹ có một văn hoá vô cùng khác biệt. Trường Stanford và Berkeley cùng ở California, cách nhau có 1 giờ lái xe thôi mà bất cứ ai đến hai trường này đều có thể cảm nhận rõ ràng không khí khác nhau như thế nào.
Hai trường này, nếu so với Harvard hay Princeton ở bờ Đông, sẽ còn khác biệt nữa. Bạn mình ở bờ Đông, khi đến thăm California, đã kể tại bàn ăn trưa ở một trường bờ Đông, bạn có thể nghe mọi người nói về chính trị, luật, kinh tế. Nhưng khi đi ăn ở Stanford, nó chỉ nghe mọi người nói về công nghệ gì mới ra, công ty khởi nghiệp nào được đầu tư.
Sinh viên bờ Tây thường cởi mở và ồn ào hơn sinh viên bờ Đông. Thời gian rảnh, sinh viên ở Stanford chơi thể thao và đi gym rất nhiều, nên người nào trông cũng khoẻ khoắn như vận động viên thể thao. Đính chính: cái này chỉ là nhận xét mang tính cá nhân, không có ý định vơ đũa cả nắm.
Nhiều trường có những truyền thống cực kỳ oái ăm mà các bậc phụ huynh ở Việt Nam nghe sẽ phát sốt. Trường Cornell hàng năm có Dragon Day. Sinh viên kiến trúc năm đầu của trường sẽ xây dựng một con rồng cao đến vài toà nhà, rồi cả trường mặc quần áo lập dị đi diễu hành khắp trường.
Ở Stanford, đêm rằm đầu tiên của năm học là Full Moon on the Quad. Đúng lúc nửa đêm, sinh viên trường tập trung trước nhà thờ chính, hôn nhau loạn tùm lum.
Năm vừa rồi, mấy đứa bạn mình thách đố nhau đứa nào hôn được nhiều người nhất. Đứa chiến thắng hôn được tổng cộng 24 người. Nếu bạn nào tò mò có thể lên mạng google “weirdest college traditions” sẽ tìm được vô số những truyền thống quái dị của các trường đại học bên này.
Sinh viên thường rất tự hào và gắn bó với trường mình học. Họ có thể kêu ca về thi cử, thầy cô, đồ ăn, nhưng sinh viên nào cũng sẽ có áo khoác, áo thun hay ba lô mang logo của trường.
Vì màu cờ sắc áo của trường mà sinh viên nảy ra những nghi lễ. Ví dụ, Stanford và Berkeley được coi là “kẻ thù truyền kiếp” của nhau. Hàng năm, đội tuyển bóng bầu dục của hai trường sẽ có một trận quyết đấu sinh tử được gọi là Big Game.
Gấu là linh vật của trường Berkeley và cây là linh vật của trường Stanford. Trong tuần diễn ra Big Game, sinh viên Stanford có nghi lễ giết gấu.
Tại một đài phun nước trong trường, hàng trăm sinh viên tụ tập, nhảy múa, đàn hát, nâng rìu chém liên tiếp vào một con gấu giả, đổ sơn nhuộm đỏ cả đài phun nước.
Cùng thời gian đó, ở bên Berkeley sẽ có nghi lễ đốt cây hay chặt cây gì đó. Bạn mình bên Berkeley kể trong tuần Big Game, nếu thấy ai đó mặc áo đỏ, màu sắc tượng trưng cho Stanford, những người xunh quanh sẽ hét toáng lên yêu cầu người đó cởi áo.
Đại học Stanford, Mỹ
Theo Zing
Xem bài gốc tại đây