Mỗi người có mục đích tìm việc làm thêm khác nhau. Người muốn có thêm kinh nghiệm, trong khi các bạn khác đi làm để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt.
Công việc làm thêm tại Australia khá đa dạng. Nơi tôi ở, phần lớn du học sinh lựa chọn phục vụ ở các nhà hàng, bán hàng cho các tiệm bánh, hoặc khuân vác ở chợ. Tôi may mắn được nhận vào làm phục vụ trong một cửa hàng Hàn Quốc nổi tiếng.
Facebook – công cụ hữu hiệu tìm việc làm thêm
Cách tôi được nhận vào làm thêm rất thú vị. Với 5 năm kinh nghiệm học tập tại Hàn Quốc, tôi không bỡ ngỡ với cuộc sống của du học sinh. Tôi không còn được nhận học bổng toàn phần nên phải tự tìm nguồn chi trả cho cuộc sống hàng ngày.
Ngày mới đến Australia, tôi không quen ai. Mọi người đều nói xin việc khó lắm, phải mất 3 hay 6 tháng. Trong khi đó, tôi vẫn phải sử dụng tiền vào các chi phí hàng ngày. Tài khoản giảm dần đều đặn. Các nguồn thông tin về công việc của người quen xung quanh không mang lại nhiều hiệu quả. Bản thân tôi cũng không muốn phải đợi lâu hơn.
Sau 1 tuần ở nhà tìm kiếm các trang mạng thử việc, tôi quyết định tự lập danh sách những việc mình muốn làm. Tôi nhận ra, nếu muốn có công việc tốt, không bị phân biệt đối xử, tôi phải cố tìm trên thành phố. Tôi bỏ ý định tìm quanh trường học bởi số học sinh đăng ký quá đông, nhiều ông bà chủ bóc lột tiền lương của học sinh hết mức có thể.
Tìm kiếm công việc không dễ dàng đối với người mới. Tôi đặt chân lên thành phố vào tuần thứ hai, với bản đồ chỉ đường đồng hành, tôi tìm kiếm, gõ cửa từng nơi. Sau một ngày, tôi nhận ra, tại thành phố quá rộng lớn, để tìm hết danh sách nằm trong top 30 đã chọn phải mất gần nửa tháng. Cách làm này vừa tốn sức, vừa không mang lại hiệu quả. Tôi nghĩ ngay đến Facebook.
Bây giờ mọi người thường theo dõi và chia sẻ các quán ăn ngon trên mạng xã hội cho bạn bè. Người làm kinh doanh đều muốn có nguồn khách hàng ổn định. Tôi nghĩ chắc chắn họ cũng có địa chỉ Facebook tin cậy cho khách hàng.
Tôi chỉ mất 20 phút tìm kiếm “top restaurants at Melbourne”, đã có 30 địa điểm ưng ý. Sau đó, tôi viết CV tự giới thiệu bản thân rồi gửi dưới dạng tin nhắn, thay vì đến từng nơi xin việc như trước. Như vậy, tôi chỉ mất 30 phút và chỉ ngồi tại nhà đợi hồi âm từ các chủ nhà hàng.
Sau 2 ngày, tôi nhận được 7 hồi âm. Các chủ cửa hàng hẹn đến phỏng vấn. Tôi chọn được 2 nơi ưng ý nhất và lựa chọn 1
Từ một người đi xin việc làm thêm, với cách tiếp cận khác, tôi đã trở thành người có quyền được lựa chọn công việc ưng ý.
Kiên nhẫn, nhạy bén và biết lắng nghe
Tôi tìm được công việc làm thêm đã khó, nên để có chỗ đứng trong công việc, được mọi người tôn trọng, xem như thành viên trong gia đình lớn…, càng không phải chuyện đơn giản.
Tôi bắt đầu công việc làm thêm mà bản thân không có kinh nghiệm nên thời gian đầu rất mệt mỏi. Tôi học mọi thứ cùng một lúc: Thực đơn, nhận đặt hàng qua điện thoại, cách thanh toán qua thẻ nội địa hay quốc tế, cách tính thuế bao nhiêu phần trăm…
Tôi may mắn vì có thời gian dài sống tại Hàn Quốc nên hiểu được văn hóa, các món ăn, cách giao tiếp với khách hàng. Tôi không mất nhiều thời gian để học thuộc tên và nhận biết món.
Tôi vốn không to cao lắm nhưng may mắn được làm việc tại sảnh chính. Với khả năng tiếng Anh và tiếng Hàn tốt, công việc của tôi không quá vất vả. Tôi chủ yếu xếp đồ, nhận đặt món, tính tiền, mang đồ ra cho khách…
Tuy nhiên, không phải vì thế tôi không có áp lực. Vào những ngày đông khách, tôi gần như phải chạy liên tục, có những lúc phải làm liền 10 tiếng đồng hồ, không được ngồi, 2 chân mỏi nhừ và đau nhức.
Tôi nhớ lại ngày mới đi làm, vì là thành viên mới, không biết mọi thứ nên bị những thành viên lâu năm “bắt nạt” như sai vặt, chạy đi làm những việc mình không thích… Nhiều lúc, tôi cũng cảm thấy mình là người ngoài, không ai nói chuyện, ngoài vài câu hỏi xã giao.
Trải qua 2 tháng đầu đi làm, áp lực công việc kết hợp việc học hành kỳ đầu tiên tại Australia, mọi thứ còn xa lạ, tôi đã rơi vào trạng thái quá tải.
Tôi tự nhủ, cuộc sống là thế! Ở bất kỳ đâu, dù là việc gì, ai cũng phải trải qua những khó khăn, thăng trầm. Tôi tự động viên bản thân hãy luôn cười nhiều nhất có thể, lắng nghe mọi người góp ý, kiên nhẫn học hỏi, quan sát… Chính sự lắng nghe và luôn học hỏi đã làm mọi người dần có thiện cảm và quý tôi hơn
Tôi cũng luôn quan sát mọi người làm việc, biết họ cần gì và thiếu gì. Tôi xem họ như người trong gia đình, việc của họ cũng chính là việc của tôi. Khi không bận rộn, tôi sẽ giúp họ một tay. Khi các anh chị đầu bếp rảnh, tôi hỏi thăm cách nấu ăn, kỹ thuật sử dụng dao khi nấu cho đúng cách… Lúc thiếu người, tôi đã có thể vào bếp phụ giúp.
Nhờ vậy, dù làm 2 hay 3 công việc cùng một lúc, tôi vẫn xây dựng được chỗ đứng vững chắc, lòng tin từ quản lý và các thành viên.
Chia sẻ và cảm thông Các bạn du học sinh có những câu chuyện hay về đời sống du học, việc học tập ở nước ngoài, có thể chia sẻ với Zing.vn qua địa chỉ toasoan@zing.vn Tôi đi làm không đặt mục tiêu kiếm
được bao nhiêu tiền, làm được nhiều giờ hay không mà muốn bản thân có thêm trải nghiệm thực tế. Tôi luôn để ý đến cách quản lý điều phối nhân viên. Nhờ việc làm ở nhiều nơi và quan sát thấy mỗi nơi có một cách quản lý, mục tiêu về nhóm khách hàng, dịch vụ khác nhau nên tôi được tiếp cận rất nhiều ý tưởng hay và độc đáo.
Từ việc quản lý nhân sự, kho hàng, xắp sếp đồ đến hệ thống cách gọi món nào trước, sau cho vừa ý khách hàng…, đều phải lên kế hoạch từ trước. Tinh thần đồng đội
Tinh thần đồng đội rất quan trọng. Nếu tôi có những thành viên chung đội tốt, ăn ý, công việc sẽ được giải quyết đơn giản. Khi làm thêm ở quán ăn cũng vậy, các bạn chỉ cần để ý một chút, phân công hợp lý, dù quán có đông khách đều có thể xử lý tốt.
Nếu chúng ta làm việc không hiểu ý nhau sẽ dễ mâu thuẫn, khó chịu, làm việc không hiệu quả. Đôi lúc, chỉ vì hiềm khích cá nhân, chúng ta sẽ xin nghỉ việc.
Điều quan trọng của làm việc theo nhóm là phải biết lắng nghe, sắp xếp nhiệm vụ hợp lý, công bằng, không có tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới”. Khi mọi người đều có tiếng nói riêng sẽ tạo không khí làm việc thoải mái.
Tôi phụ trách tại tầng 2 của quán, làm việc với nhiều bạn mới, tuy nhiên tôi luôn tôn trọng các bạn để đổi lại sự tin tưởng của họ.
Chỉ cần tinh ý, biết sử dụng kỹ năng làm việc nhóm hợp lý, tôi đã hoàn toàn có được sự tin tưởng từ người quản lý.
Tạo ra tiếng nói riêng
Với một số người làm thêm, họ chỉ tập trung làm, hết giờ nhận tiền rồi đi về. Còn tôi may mắn được chị quản lý hướng dẫn, chỉ bảo từ những ngày đầu nên không dồn sự quan tâm đến tiền mà luôn nghĩ làm thế nào để quán được quản lý tốt, khách hàng thoải mái hơn khi được mình phục vụ.
Một lần, tôi chia sẻ với chị quản lý, nếu một ngày chị không còn làm việc ở đây, tôi không phù hợp với cách quản lý của người mới cũng nghỉ việc. Vì vậy, tầm nhìn của người quản lý rất quan trọng.
Người làm quản lý mỗi người một tính cách. Có người hướng đến lợi nhuận trước mắt, làm giảm chất lượng phục vụ. Có người sẵn sàng hy sinh một chút lợi nhuận, nhưng đem lại không gian thoải mái, phục vụ tốt nhất cho khách hàng để mang về những khách hàng trung thành.
Khi chất lượng phục vụ của quán không còn như trước, tự tôi cũng cảm thấy khó chịu bởi một bàn thường dành cho 4 người đã trở thành nơi dành cho 6-7 người. Tôi sẵn sàng phàn nàn cùng khách hàng và bảo vệ quyền lợi của họ.
Ở mọi nơi, việc tạo ra tiếng nói cho bản thân chính là cách mình tạo dựng chỗ đứng, tiếng nói trong công việc.
Du học sinh tại Australia
Theo Zing
Xem bài gốc tại đây