Thư gửi bạn – Cảm nhận truyền thống và văn hoá trường đại học tại Mỹ
Bạn thân mến,
Hệ thống các trường đại học ở Mỹ vốn vô cùng đa dạng từ quy mô, loại hình, cấp học, ngành nghề, chương trình học …, nhưng lại có những đặc trưng để nhận biết đó là truyền thống và văn hoá vô cùng khác biệt của mỗi trường. Thời gian 4 năm học qua có lẽ chưa đủ dài để mình trải nghiệm và cảm nhận đầy đủ về truyền thống và văn hoá của chỉ riêng ngôi trường mình đang học thôi, nhưng cũng đủ dài để mình bước đầu cảm nhận thấy hơi thở của nó. Mình muốn chia sẻ với bạn một vài cảm nhận ban đầu đó thông qua cách nhận dạng trường và tinh thần mầu cờ sắc áo.
- Nhận dạng trường
Đa số các trường đại học ở Mỹ đều có đủ bộ nhận dạng riêng của gồm logo, màu sắc, nickname, linh vật (mascot), bài hát truyền thống.
Logo của các trường được thiết kế rất đa dạng và sáng tạo, từ những thiết kế đơn giản theo cách điệu của một hay một vài chữ viết tắt tên trường đến những thiết kế phức tạp lồng ghép cả linh vật của trường. Chúng được thiết kế rất đặc trưng và sinh viên dễ dàng nhận ra logo của trường mình khi để cạnh hàng trăm logo của các trường khác.
Mỗi trường cũng chọn cho mình một hoặc hai màu đặc trưng. Chắc hẳn đôi lúc bạn sẽ thấy khó phân biệt được màu đỏ kiểu Cardinal của Stanford và màu đỏ kiểu Crimson của Harvard, thực ra tỉ lệ pha trộn RGB của 2 mầu đỏ đó là khác nhau đó các bạn ạ. Màu đặc trưng xuất hiện phổ biến trong khuôn viên trường, trên trang phục hàng ngày của sinh viên, hay trên đồng phục của các đội thể thao, của cổ động viên, của cựu sinh viên mỗi dịp hội trường, …
Sinh viên hay cựu sinh viên của mỗi trường đều tự hào gọi nhau bằng tên nghe rất lạ, đó chính là nickname của trường đó. Họ không ngần ngại gọi mình là Aggies, Crimson, Cowboys, Cowgirls, Cardinal, Ducks, Dolphins, Longhorns, Seminoles, hayTigers, … Đó cũng là tên được đặt cho các đội tuyển của trường tham gia các giải đấu từ khoa học, công nghệ, cho đến thể thao.
Tuy không xuất hiện phổ biến bằng logo, màu sắc, hay nickname, nhưng linh vật, dù là chính thức hay không chính thức, lại là một biểu tượng rất đặc biệt của các trường. Linh vật không phải là các con búp bê nhỏ xinh xinh như ở thế vận hội mà là những nhân vật, con vật kỳ dị do người hoá trang thành, hoặc là những con vật sống được lựa chọn ví dụ như chú chó Reveille IX của đại học Texas A&M hay chú chó Uga của đại học Georgia … Linh vật luôn sống động và là nhân vật nổi bật trong các hoạt động của trường từ lễ nhập học, đón tiếp và giao lưu với các vị khách nhí đến thăm trường, đến các trận thi đấu thể thao sôi động.
Ngoài logo, màu sắc, nickname, hay linh vật, mỗi trường đều có bài hát truyền thống của mình và được gọi là The Alma Master. The Alma Master thường là những bài hát ngắn được sáng tác gắn liền với điển tích hay truyền thống văn hoá nào đó của trường. Cảm xúc và lòng tự hào dâng tràn mỗi khi cùng cả ngàn người trong hội trường trường hát vang The Alma Master trước lễ tốt nghiệp, hay cả sân vận động với hàng chục nghìn người tay trong tay hát vang The Alma Master sau mỗi chiến thắng của đội nhà. Nhiều trường còn có những bài hát riêng được gọi là The Waving Song hay The Fight Song để cổ vũ. Cách cổ vũ cũng rất độc đáo, vô cùng sôi động và ấn tượng khi cả sân vân động đứng lên vẫy tay theo cùng nhịp điệu và cùng hát vang lời ca của The Waving Song mỗi khi đội bóng con cưng ghi điểm, và có cả những lúc lời ca The Fight Song được hát vang liên tục để khích lệ đội nhà vượt lên khi đang bị dẫn điểm.
Ngoài danh tiếng, thì logo, màu sắc, nickname, linh vật, bài hát truyền thống là những nhận dạng rất quan trọng của mỗi trường đại học ở Mỹ bạn ạ.
- Tinh thần mầu cờ sắc áo
Sinh viên thường tự hào về trường của mình, bạn nào cũng sẽ các trang phục như áo thun, áo khoác, cà vạt, khăn quàng, mũ, ba lô, hay vòng tay, … mang mầu sắc và logo của trường để sẵn sàng cho các sự kiện. Sắc mầu của trường luôn phủ kín khuôn viên trong các sự kiện, hay tràn ngập sân vận động mỗi khi có đội nhà thi đấu. Như thành thông lệ, thứ 6 hàng tuần, một ngày trước trận đấu bóng bầu dục, gần như toàn bộ sinh viên và giảng viên mặc những trang phục đó đến trường và hàng loạt những nghi lễ kỳ lạ nhằm vào linh vật giả của đối thủ, nhất là các “đối thủ không đội trời chung” được thực hiện để khích lệ tinh thần đội nhà. Như nghi lễ “thịt cặp ngựa Boomer and Sooner” tại OSU và “nghiền nát Pistol Pete” tại OU trước trận Bedlam, nghi lễ “giết gấu” tại Stanford và “chặt cây” tại Berkerley trước trận quyết đấu Big Game, hay nghi lễ “săn hổ” tại Alabama và “xử voi” tại Aurban trước trận tranh Iron Bowl. Và điều đặc biệt là nhưng nghi lễ đó hoàn toàn chấm dứt vào ngày thi đấu.
Các trường đại học ở Mỹ còn có hoạt động và ngày truyền thống kỳ dị nữa, như “Seventh Annual Nitrogen Day” tại Cao đẳng Reed, “Orgo Night” tại Đại học Columbia, “Dragon Day” tại đại học Cornell, hay “The Naked Quad Run” tại Đại học Tufts. Những hoạt động như vậy luôn để lại nhiều dấu ấn khó phai đối với sinh viên và làm giầu thêm truyền thống và văn hoá của trường.
Mình cảm nhận truyền thống và văn hoá trường như là “nhóm máu “hay một “loại gen” mà có lẽ các sinh viên sẽ mang theo suốt cả cuộc đời đấy bạn ạ. Thành công hay thất bại trong sự nghiệp có thể cũng mang dấu ấn của gen đó. Nó cũng là chất kết dính giữa cựu sinh viên với trường. Mình nghĩ nếu không có “gen” đó sẽ không có những tỉ phú hiến tặng phần lớn tài sản của mình cho trường, không thể có hàng chục nghìn người trở về hội trường hàng năm trong lễ Homecoming, không thể có hàng nghìn cựu sinh viên lái xe cả ngàn cây số theo cổ vũ đội bóng bầu dục của trường, … Chuyện về truyền thống và văn hoá trường đại học tại Mỹ thì dài và phong phú lắm các bạn ạ. Mình sẽ tiếp tục trải nghiệm để chia sẻ với các bạn ở thư sau nhé.
Xin hẹn gặp lại bạn,
Hà Đỗ.
One thought on “Thư gửi bạn – Cảm nhận truyền thống và văn hoá trường đại học tại Mỹ”
Comments are closed.