Giành được suất học bổng 84.000 USD (1,8 tỷ đồng) từ một trong những trường đại học có học phí đắt nhất thế giới, Thành còn là nhân vật chính Phim tài liệu xuất sắc nhất trong Lễ trao giải Búp Sen Vàng 2014.
Họ tên: Vũ Nhật Thành
Ngành học, trường học: Tâm lý học, Đại học Kalamazoo, bang Michigan, Mỹ.
Thành tích nổi bật:
+ Giành được suất học bổng 84.000 USD (1,8 tỷ đồng) từ một trong những trường đại học có học phí đắt nhất thế giới.
+ Thành viên Ban Tổ chức Lễ trao giải Búp Sen Vàng 2015 của Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Tài năng Điện ảnh TPD.
+ Nhân vật chính bộ phim tài liệu Một ngày bình thường – phim giành giải Phim tài liệu xuất sắc nhất do Ban giám khảo lựa chọn trong Lễ trao giải Búp Sen Vàng 2014.
+ Tham gia sản xuất và biên kịch phim ngắn Mai – phim dự thi Lenz up 2015.
+ Đại diện trường Kalamazoo tại Hội thảo Tư vấn Du học Viet Abroader 2015.
+ Khách mời trẻ tuổi nhất của chương trình Chuyện Kể (xuất hiện trong tập 08).
Chào Thành, đầu tiên Thành có thể giới thiệu một chút về bản thân không?
Xin chào, tớ là Vũ Nhật Thành, sinh viên năm nhất Đại học Kalamazoo, bang Michigan, Hoa Kỳ vừa trải qua 02 năm gap year, đã cùng chuyển mình, thay đổi cùng với thành phố Hà Nội, và gặp gỡ biết bao con người mới lạ.
“Gap year”, tạm dịch là “năm ngắt quãng”, là khoảng thời gian (thường là 01 năm) mà học sinh đã tốt nghiệp bậc trung học phổ thông dành ra để đi du lịch, đi làm, tham gia tình nguyện, tìm hiểu và nộp hồ sơ… trước khi bắt đầu chính thức vào đại học. Xu hướng nghỉ “gap year” đang ngày càng phổ biến hơn trong cộng đồng học sinh Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. |
Mùa thu năm nay Thành mới bắt đầu đi học đại học trong khi các bạn cùng tuổi đã học tới năm thứ 03, liệu Thành có cảm thấy “sốt ruột” không?
Tớ có chứ. Trường Kalamazoo nổi tiếng là cho nhiều bạn cơ hội đi du học quốc tế. Tớ có khá nhiều bạn bè ở đây, đặc biệt là tớ rất quý một cậu bạn cũ đang học tới năm hai ở đấy rồi, vậy mà tớ vừa bước sang trường mới, cậu ấy đã sắp đi Canada. Nhiều anh chị tớ biết ở Kalamazoo cũng sắp tốt nghiệp, hết năm sau sẽ chỉ còn tớ và những bạn mới vào thôi. Nhìn bạn bè mình đều đã “bay tới chân trời mới” tớ cũng khá nôn nóng đấy!
Thành đã có rất nhiều hoạt động, thành tích liên quan tới điện ảnh. Làm phim là một hoạt động ngoại khóa được ít bạn trẻ lựa chọn. Thành có thể chia sẻ vì sao Thành lại hứng thú với nó không?
Khi còn đang gap year hai năm, tớ luôn hỏi xem bản thân tớ, gia đình và bạn bè thích, hay yêu thương, quan tâm điều gì. Tớ thích làm phim bởi trong quá trình làm phim, tớ có thể lại gần cuộc sống của bạn bè và gia đình theo góc nhìn từ máy quay của riêng mình, và bước vào thế giới của ai đó khác. Hay nói cách khác, tớ muốn thêm gần gũi với những ai tớ quan tâm và cùng họ kể một câu chuyện nào đó khiến tớ và mọi người thêm yêu cuộc sống và bản thân.
Thành có nhắc đến những buổi chiếu phim tài liệu mà Thành tổ chức ở Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Tài năng Điện ảnh (TPD). Thành có thể chia sẻ chi tiết thêm về chúng được không?
Tớ tin phim tài liệu sẽ dễ xem, hay hơn, nhiều cảm xúc hơn nếu tớ có thể bằng cách nào đó làm nó gần gũi hơn. Vì vậy bọn tớ dành thời gian kiếm những bộ phim hay, dịch thoại phim sang Tiếng Việt, đem về chiếu ở “rạp nhà” TPD 51 Trần Hưng Đạo để các bạn được xem phim trong một không gian nhỏ đầy ấm cúng. Xem xong, chúng tớ ngồi lại, trò chuyện, chia sẻ cả những điều hay và cảm xúc còn nóng hổi của những người tới xem phim. Những buổi chiếu phim như thế này đã và đang thu hút khá nhiều bạn quan tâm. Tớ rất vui vì điều đó, cảm thấy mình đã làm được điều có ích.
Trong 02 năm gap year Thành đã làm gì? Có lúc nào cảm thấy nản, muốn bỏ cuộc không? Nếu có, Thành làm gì để vượt qua?
Một nửa thời gian thì tớ đi làm thêm, và sau đó thì làm phim. Nửa thời gian còn lại thì tớ làm hồ sơ du học và ôn luyện cho những kỳ thi quan trọng cho việc du học. Nhiều lúc thấy nản chứ, nhưng tớ có một hai lựa chọn mỗi khi nản như vậy. Thứ nhất là tớ đến học ở TPD, từ khóa làm phim tài liệu, cho đến cách quay phim và diễn xuất. Thật ra nơi này như ngôi trường yêu quý nhất của tớ, lúc nào cũng có những điều thú vị, hay những con người hay ho để tớ trò chuyện, học tập.
Trên cả việc đến TPD học là dành nhiều thời gian hơn với những bạn bè tớ có được từ ngôi trường nhỏ thân thương này. Họ luôn quan tâm, và sẵn sàng cùng tớ chia sẻ mọi khó khăn trong khoảng thời gian gap year đã qua.
Đối với lựa chọn gap year tới 02 năm, gia đình của Thành phản ứng như thế nào?
Tớ nghĩ bố mẹ tớ sẽ không bao giờ hết lo. Thì bố mẹ luôn dành nhiều lo lắng hơn mà. Nhưng tớ nghĩ việc đặt chân đến đất nước mới, gặp những người bạn mới sẽ thoải mái hơn cho tớ. Học ở đại học Việt Nam sẽ khiến tớ hoảng loạn lắm, nên dù bố mẹ có bảo con cứ đi học một trường quốc tế trong nước, nhưng tớ không đồng ý.
Thành có mong muốn và dự định gì trong năm học tới trên đất Mỹ không?
Tớ định học tất cả những gì hay và thú vị của trường tớ trước. Thay vì đóng khung vào ngành Tâm lý học như dự định hồi xưa của tớ, tớ sẽ thử học hết, từ Lập trình cho đến Kịch sân khấu, hay Tiếng Tây Ban Nha. Đến khi cảm thấy vững vàng hơn, tớ mới chọn chuyên ngành. Ở Mỹ không ai bắt tớ phải chọn ngành từ lúc mới vào mà.
À tớ cũng muốn về Việt Nam thường xuyên hơn. Tớ còn chưa kịp du lịch hết các nước Đông Nam Á mà!
Theo Trí Thức Trẻ
Xem bài gốc tại đây