Bà có thể có một gia sản khổng lồ, có địa vị, danh tiếng vì được chính quyền 2 đời tổng thống Mỹ mời đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Giáo dục, nhưng bà đã chọn cuộc sống khác.
Bà muốn thay đổi cuộc sống của những đưa trẻ Mỹ bị cho là “không thể dạy dỗ”. Marva Collins, người thay đổi nền giáo dục Mỹ, sinh ngày 31/8/1936 tại Atmore, tiểu bang Albama, nước Mỹ, mất ngày 24/6/2015.
Năm 1975, sau 14 năm làm việc ở các trường công Chicago, nhận ra sự thiếu lòng tin vào con người của nền giáo dục bấy giờ, Collins quyết định mở một trường tư bằng 5.000 USD tiền tiết kiệm, với sáu học trò, trong đó đã có hai đứa con của chính bà. Với triết lý giáo dục hoàn toàn đi ngược lại với số đông bấy giờ, phương pháp của bà được cho là đã tạo nên “một cuộc cách mạng”.
Cuộc cách mạng mang tên Collins
Là giáo viên tại thành phố Chicago, Marva Collins nhận thấy các giáo viên nơi đây mất dần niềm tin rằng, đám học trò của mình có thể thoát khỏi cảnh u tối và vô vọng khi nhìn thế hệ này nối tiếp thế hệ kia không lối thoát. Bà cho rằng, khi giáo viên luôn luôn có những suy nghĩ như vậy thì tất nhiên học sinh sẽ bị ảnh hưởng, vì vậy bà quyết định mở một trường tư mang tên Westside Preparatory School.
Đa số những đứa trẻ này không được hệ thống học đường của thành phố Chicago chấp nhận vì cách cư xử thiếu văn hoá của chúng hoặc vì chúng không có khả năng học và vì nhiều lý do khác nữa. Do đó, West Preparatory School là cơ hội cuối cùng của chúng nếu không muốn trở thành bọn trẻ lang thang đường phố.
Không ít người tự hỏi: “Làm thế nào mà bà ta có thể dạy nổi những thành phần, mà vẫn được cho rằng, không thể giáo dục được?”.
Nhưng, Collins không nghĩ vậy: “Trên khắp đất nước này, các giáo viên tồi thì hay quát mắng, la hét, và học sinh sẽ gào lên đáp trả. Các giáo viên tốt mở những lớp học đầy sự hào hứng cho học sinh. Giáo viên tốt sẽ đi tìm câu trả lời để giải quyết các vấn đề, trong khi giáo viên tồi chỉ biết đổ lỗi cho lý do là học sinh không chịu học”.
Thay đổi giáo dục Mỹ
Triết lý của Marva Collins được tóm tắt trong lời hứa của bà với các học sinh: “Tôi sẽ không để các em thất bại!”.
Bà cũng có niềm tin sắt đá vào các học trò: “Nếu giáo viên tin rằng những đứa trẻ không thể học nổi, thì tất nhiên là chúng sẽ không học. Nếu giáo viên tin rằng xuất thân của học sinh có thể ảnh hưởng những thành tựu mà chúng có thể vươn tới, các chương trình giảng dạy sẽ làm cho đứa trẻ không thể tiếp thu”. Với Collins, sự xuất sắc trong học tập không phải thứ độc quyền chỉ dành cho những học trò có tiền và “lý lịch” đẹp.
Bà luôn cố gắng phá vỡ các rào cản khiến học sinh không chú tâm học tập: “Tôi nói với các giáo viên của mình rằng nếu học sinh không thể ngồi yên, giáo viên có trách nhiệm phải tìm ra lý do. Có lẽ là “lớp học quá nóng”, hoặc cách dạy của chúng ta có vấn đề. Chúng tôi sẽ không chấp nhận thất bại, và luôn có một lý do nào đó ngăn cản các học sinh thành công”.
Collins loại bỏ hết những sách soạn riêng cho học sinh tiếp thu chậm, áp dụng một chương trình bị cho là “điên” và “không tưởng” bấy giờ. Học sinh lớp một đã biết về đại số và hình học; học sinh lớp hai tiếp cận thiên văn học; học sinh lớp năm học tiếng Latin; và học sinh lớp sáu được đọc những tác phẩm của nhà triết học Đức Nítsơ hay nhà tư tưởng Pháp Vônte, văn hào Anh Sếchxpia và đại văn hào Nga Lép Tônxtôi\
Đọc sách là một trong những phương pháp cơ bản trong triết lý giáo dục của Collins, nhưng những quyển sách như thế bị các giáo viên thời ấy cho là vượt quá xa khả năng của các học sinh xuất sắc, chứ chưa nói đến những học sinh cá biệt. Bà không chỉ dạy học sinh đọc và viết, mà còn cho chúng tiếp cận với những tri thức lớn của nhân loại, không phân biệt một cách đầy định kiến như giáo dục Mỹ đương thời.
Nếu như giáo viên của các trường công giống như thần thánh, bảo gì học sinh nghe nấy và dạy theo phương pháp thụ động. Collins, ngược lại, sử dụng phương pháp Xôcrát (truy vấn) có sửa đổi, để có thể dạy từ cấp độ tiểu học.
Những đứa trẻ được đối thoại để tìm ra chân lý, và giờ dạy học biến thành một cuộc đối thoại tập thể đầy tích cực. Giáo viên chỉ là người định hướng liều lượng thông tin phục vụ cho cuộc đối thoại ấy
Trong nhiều năm, Collins và phương pháp giáo dục của bà đã vấp phải một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Có thể nói, đây là một cuộc thai nghén vất vả, đau đớn, nhưng xứng đáng.
Vượt qua tất cả những rào cản ấy, phải mất 15 năm, Collins mới thật sự làm thay đổi nền giáo dục Mỹ. Kể từ khi chương trình đào tạo phương pháp giảng dạy mới bắt đầu ở Oklahoma vào năm 1991, Collins đã đào tạo hàng chục nghìn giáo viên, với trọng tâm là tăng cường khả năng tạo cảm hứng cho học sinh.
Năm 1996, bà được giao nhiệm vụ giám sát ba trường công lập ở Chicago đang trong thời gian quản chế vì kết quả học tập quá yếu kém của các học sinh, và đã thành công rực rỡ. Năm 2004, Collins được trao Huân chương Quốc gia vì con người nhờ những cống hiến không biết mệt mỏi ấy.
Có thể nói, việc giảng dạy mang đến cho Collins ý nghĩa cuộc đời mà không có nghề nghiệp nào có thể làm được điều đó. Với bà, việc giảng dạy làm bà thấy thỏa nguyện về mặt tình cảm mà không tiền của nào có thể mua được.
Bà cho rằng mình là “người phụ nữ giàu có nhất thế giới” và những trải nghiệm của cuộc đời làm giáo viên của bà còn đáng giá hơn “tất cả vàng bạc trong kho lưu trữ vàng lớn nhất thế giới Fort Knox”.
Ngày 24/6/2015, người phụ nữ làm thay đổi nền giáo dục Mỹ qua đời ở tuổi 79
Theo Zing
Xem bài gốc tại đây