Không thấy thực sự hứng thú với những hoạt động khuôn mẫu trong trường, Thạch Thảo nhiều lần chủ động ra ngoài tiếp cận các vấn đề xã hội, em tự gây dựng, dẫn dắt những dự án giúp đỡ người nghèo ở Singapore.
Thông tin cá nhân
Họ và tên: Nguyễn Thị Thạch Thảo
Sinh năm: 1996
Tốt nghiệp THPT tại trường Nanyang Junior College, Singapore
Thành tích cá nhân:
– Học bổng toàn phần Đại học Stanford, Mỹ (khóa 2015-2019)
– Học bổng toàn phần A-STAR cấp phổ thông trung học (2011-2014)
– 2 Huy chương Vàng giải Toán Olympiad Singapore 2012
– Huy chương Bạc giải Toán Olympiad Singapore 2013 và 2014
– Giải “High Distinction” tại cuộc thi Toán nước Úc năm 2013
– Giải “High Distinction” tại cuộc thi Toán nước Úc năm 2014
– Giải “Distinction” tại cuộc thi Toán Mỹ 2014
– Tốt nghiệp loại ưu khóa học “Đại số tuyến tính” tại trường Đại học quốc gia Singapore 2014
– Giải nhì cuộc thi Khoa học sáng tạo 2014 tổ chức bởi Đại học Công nghệ Nanyang – Singapore.
– Thành viên BTC Hội nghị Doanh nghiệp trẻ toàn quốc Singapore 2014
– Thành viên BTC cuộc thi Toán Mô hình Hà Nội 2014
– Trợ lý Nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang – Singapore
– Thành viên ban điều hành của tổ chức “Blessings in a Bag”, chuyên tổ chức các dự án giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Singapore
– Thực tập sinh tại Envisage Education – đồng thiết kế “Poverty Simulation Program” để cung cấp kiến thức cho học sinh về chính sách phúc lợi của chính phủ và các nguyên nhân kinh tế xã hội dẫn đến nghèo khổ
– Trợ lý cho các thành viên Quốc hội Singapore tại các buổi gặp gỡ người dân.
Học “siêu”
Vóc dáng mảnh dẻ, xinh xắn, Thạch Thảo khiến nhiều người ấn tượng với những gì đã làm và thành tích em đạt được. Cô nàng “bé hạt tiêu” vừa giành học bổng toàn phần trị giá 260.000 USD/ 4 năm (khoảng 5,7 tỉ đồng) đến ĐH Stanford, Mỹ. Trước mắt, Thảo dự định sẽ theo đuổi chuyên ngành Toán ứng dụng tại ngôi trường hàng đầu thế giới này.
Thảo đi du học từ đầu lớp 9, sau khi vượt qua kì thi tuyển chọn và được chính phủ Singapore trao tặng học bổng A-STAR. Trước khi giành học bổng sang “quốc đảo sư tử” du học, cô nàng đạt Thủ khoa chuyên Toán của trường THPT Hà Nội Amsterdam.
Ham thích Toán học, Thảo “giật” loạt huy chương, giải thưởng lớn trong thời gian học tại Singapore: 2 huy chương Vàng giải Toán Olympiad Singapore 2012; Huy chương Bạc giải Toán Olympiad Singapore 2013 và 2014; Tốt nghiệp loại ưu khóa học “Đại số tuyến tính” tại trường ĐH Quốc gia Singapore 2014; Giải Nhì cuộc thi Khoa học sáng tạo 2014 tổ chức bởi Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore…
Em còn tham gia các cuộc thi ở Mỹ, Úc và tất nhiên, “ẵm” tiếp những giải “đầu bảng”: Giải Đặc biệt “High Distinction” tại cuộc thi Toán nước Úc năm 2013; Giải Đặc biệt “High Distinction” tại cuộc thi Toán nước Úc năm 2014; Giải Xuất sắc “Distinction” tại cuộc thi Toán Mỹ 2014…
Hồ sơ du học gửi trường Stanford của Thạch Thảo vì thế gây ấn tượng bởi những thành tích học tập đáng nể của em. Điểm SAT 1 Thảo đạt 2280, SAT 2 đạt 800 điểm (điểm tối đa) cho cả 3 môn Toán, Lý, Hóa. Kết quả học tập của Thảo luôn đứng đầu lớp và nằm trong top 10 của trường Nanyang Junior College, Singapore.
Gõ cửa từng hộ gia đình nghèo ở Singapore để giúp đỡ
Thời gian đi học, Thảo thử tham gia nhiều câu lạc bộ ở trường nhưng không thực sự hứng thú với những hoạt động mang tính khuôn mẫu. Vì thế, cô nàng chủ động ra ngoài tìm những vấn đề xã hội (như nghèo khổ, bất bình đẳng thu nhập…), gặp những nhóm người bản thân muốn giúp đỡ.
Thạch Thảo là người sáng lập kiêm thành viên ban điều hành của tổ chức “Blessings in a Bag”, chuyên tổ chức các dự án giúp đỡ trẻ em hoàn cảnh khó khăn tại Singapore.
Cô nữ sinh Việt tập hợp, gặp gỡ các tình nguyện viên từ mọi lứa tuổi, ngành nghề, tầng lớp xã hội để chạy các dự án cộng đồng do em sáng lập.
“Kỉ niệm đáng nhớ nhất là lần đầu tiên em dẫn dắt một dự án ở ngoài trường, dạy thêm hàng tuần sau giờ học cho trẻ em từ các gia đình nghèo ở Singapore. Em và các bạn trong BTC phải đến gõ cửa từng hộ nhà, kiên nhẫn thuyết phục phụ huynh cho con em tham gia vào dự án này, thay vì để các em lang thang không người chăm sóc.
Chúng em bị từ chối và thậm chí xua đuổi rất nhiều lần do bị nghi ngờ là có liên quan đến các tổ chức địa phương, những người vốn đã từng hứa sẽ giúp đỡ nhưng lại bỏ dở giữa chừng…
Mặc dù nhóm chỉ có 6 người phải đứng ra lo hết mọi việc từ thiết kế chương trình, tìm nhà tài trợ, gây quỹ, tuyển tình nguyện viên, tìm mượn dụng cụ giảng dạy”, Thảo tâm sự.
Chinh phục học bổng danh giá Mỹ từ chính trải nghiệm tình nguyện
Bài luận chính gửi ĐH Stanford của Thảo viết về dự án đầu tiên em dẫn dắt trong tổ chức “Blessings in a Bag”.
“Tất cả bắt đầu từ việc em và các bạn khác trong nhóm xem phóng sự trên YouTube về một khu dân cư nghèo ở Singapore và cảm thấy rất bất ngờ vì chất lượng cuộc sống ở đấy khác hẳn những gì đọc được trên sách báo.
Bài luận tái hiện lại quá trình chúng em đến tận nơi thăm từng hộ nhà để chứng thực lại những điều mình xem trên mạng, và chứng kiến tận mắt những tệ nạn đang hiển hiện quanh khu phố”, Thảo kể.
“Phần lớn bài luận của em tập trung vào những trăn trở của bản thân về “mặt trái”, ít người biết đến của một đất nước phát triển như Singapore, về những hạn chế trong cách chính phủ và tổ chức xã hội tiếp cận các hộ nghèo, và lo ngại cho tương lai của các em nhỏ đang lớn lên trong môi trường như thế.
Bài luận cũng truyền tải thông điệp rằng học sinh không nhất thiết phải đi xa đến những nước lân cận để trải nghiệm và học hỏi, mà thay vì đó nên để tâm đến và bắt tay vào hành động, để cải thiện những vấn đề ngay trong chính cộng đồng của mình”.
Tìm thấy bản thân và ý nghĩa thực sự qua những trải nghiệm cộng đồng cùng sự xuất sắc trong học tập, Thảo chinh phục học bổng Stanford danh giá.
Nói về bí quyết để đạt kết quả ấy, cô nàng “nhỏ nhưng có võ” chia sẻ: “Lời khuyên của em là các bạn nên tham gia các hoạt động ngoại khóa một cách có chọn lọc, thay vì ôm đồm nhiều dự án mà mình không có hứng thú với chỉ để làm đầy hồ sơ. Thử những cái mới là một điều tốt nhưng chỉ nên dùng nó để khám phá và xác định thế mạnh, đam mê của bản thân.
Không nên chạy theo số đông, cố gắng trở nên toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà quên mất cái tôi của mình. Mỗi người đặc biệt theo cách riêng của họ, vấn đề là bạn có biết cách khai thác, phát triển và truyền đạt điều đó hay không”.
Theo Dân Trí
Xem bài gốc tại đây