Nguyễn Hữu Cát Thư đã liên kết những cựu học sinh của United World Colleges với ý tưởng xây dựng một trang tạp chí điện tử cho học sinh VN học tại hệ thống trường danh tiếng này.
UWC (United World Colleges) là hệ thống 14 trường đa văn hóa nổi tiếng trên thế giới có chủ tịch danh dự là Nelson Mandela (cố Tổng thống Nam Phi). Tính đến nay, 80 học sinh từ 25 tỉnh, thành phố tại Việt Nam theo học hệ thống trường quốc tế danh tiếng này.
Câu chuyện của mình và trang tạp chí Uspire bắt đầu từ một buổi họp online với những học sinh UWC khác. Mùa tuyển chọn học bổng UWC năm 2016 lại đến. Một chủ đề với nhiều tranh luận nóng hổi là làm thế nào để thu hút được những bạn trẻ với “tính cách UWC.”
Nhưng thế nào mới là “tính cách UWC”?
Có rất nhiều từ mà những học sinh và cựu học sinh UWC có thể dùng để mô tả môi trường học tập và các học sinh trong trường. Nhưng những cụm từ mà trước đây học sinh UWC vẫn hay dùng, như “nhiều hoạt động xã hội”, “cởi mở”, “tâm huyết”, “có đóng góp cho trường lớp và cộng đồng” khá trừu tượng và chưa làm cho các bạn hình dung được con người của những học sinh này.
Thế là chúng mình bắt tay đi tìm những con người và câu chuyện để lấy làm ví dụ cho những tính cách này. Nhưng, việc tìm được những bài báo, câu chuyện như thế là rất gian nan.
Du học sinh chia sẻ bài viết, video, hình ảnh liên quan chủ đề du học theo địa chỉ toasoan@zing.vn.
Những bài viết hay, hình ảnh đẹp sẽ được đăng tải trên mục Du học của Zing.vn.
Hiện nay, khối lượng thông tin mà các bạn trẻ có được rất nhiều: bài viết từ website, từ báo, hoặc các chương trình trên TV. Vậy mà, khi các thành viên ban tuyển chọn UWC bắt đầu đi tìm kiếm những thông tin mang “tính cách UWC,” nguồn tin tìm được lại rất ít và phân tán.
Khó có thể tìm được một kênh thông tin về những giá trị và những vấn đề quan trọng mà các bạn học sinh quốc tế đang thảo luận với nhau hàng ngày, hay những câu chuyện về dự án và hoài bão của các bạn du học sinh sau khi đã hoàn tất công việc học của mình.
Vào được một trường tốt với học bổng toàn phần không phải là cái đích cuối. Những bạn trẻ đó sau này đi đâu, làm gì? Và rồi còn có những cái nhìn, quan điểm mới lạ và những trải nghiệm sống mới mà các bạn du học sinh học được khi tiếp xúc với một nền văn hoá khác. Những câu chuyện của các bạn rất dài và những điều thú vị để học hỏi thì rất nhiều, mà trong đó con số điểm thi và thành tích nộp đơn du học chỉ là điểm khởi đầu.
Từ đó, chúng mình quyết định thành lập Uspire để cung cấp những câu chuyện, thông tin bổ ích này. Như Đào Ngọc Linh (tốt nghiệp UWC Ấn Độ năm 2009, hiện là đại diện của Minerva ở Đông Nam Á) chia sẻ: “Đối với mình, Uspire có nghĩa là được truyền cảm hứng (inspired) bởi UWC, nhưng cũng có nghĩa là được truyền cảm hứng bởi chính bạn”.
Uspire được vận hành và duy trì bởi học sinh và cựu học sinh UWC người Việt Nam trên toàn thế giới, với “sứ mệnh” truyền cảm hứng cho các bạn trẻ và khuyến khích sự ham học hỏi về thế giới thông qua những trải nghiệm có thật. Đây cũng là nơi để các bạn trẻ quan tâm những vấn đề văn hoá xã hội có thể gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi, cho dù là học sinh UWC, học sinh cấp III ở Việt Nam, phụ huynh, hay những người đã quá tuổi đi học.
Với những bài viết chất lượng và gần gũi được viết bởi chính các cựu du học sinh, hiện nay là những người thành đạt trong xã hội, Uspire hy vọng sẽ trở thành nơi dừng chân để các bạn tìm hiểu những vấn đề mới và phức tạp, cũng như những kiến thức và kỹ năng hữu ích các học sinh, sinh viên quốc tế đều có mà học sinh, sinh viên ở Việt Nam còn thiếu.
Cuối cùng, qua từng bài báo, chúng mình hy vọng các bạn trẻ sẽ có cái nhìn rộng rãi và hiểu biết hơn về sự đa dạng của con người và cuộc sống bên ngoài biên giới Việt Nam, và hiểu được bản thân hơn để tìm được con đường, hướng đi cho mình và trở thành những công dân toàn cầu thành công và có ích cho xã hội.
Đối với các thành viên sáng lập của Usipre, tạp chí có một ý nghĩa rất quan trọng.
Ryan Merker (sinh viên Việt Nam tốt nghiệp UWC Hồng Kông năm 2012), tổng biên tập của Uspire, cho biết: “Sau năm năm sống và học tập tại nước ngoài, mình đã học được nhiều hơn cả những gì mình nghĩ. Mình rất vui vì chia sẻ những câu chuyện và trải nghiệm của bản thân với các bạn học sinh Việt Nam thông qua tạp chí này”.
Tố Như (tốt nghiệp UWC Mỹ năm 2008, hiện điều hành một công ty khởi nghiệp về y tế) cũng nói: “Đối với mình, cuộc sống không chỉ là đi từ điểm A đến điểm B, mà là để kết nối những điểm mốc khác nhau lại, và đôi khi trong quãng đường đó mình lại thêm vào các điểm mốc khác. Uspire cũng thể hiện tinh thần này qua những trải nghiệm vô cùng đa dạng của một thế hệ trẻ Việt Nam, những con người luôn phấn đấu mỗi ngày để kết nối những điểm mốc của mình mọi nơi mọi lúc”.
Và thế là, trong chỉ 3 tuần sau khi đưa ra ý tưởng, số báo Uspire đầu tiên đã được xuất bản vào ngày 25/8. Lòng nhiệt tình đóng góp cho một dự án xã hội như thế này, sự đa dạng trong nội dung các bài báo và sự hợp tác chuyên nghiệp giữa các cựu học sinh UWC với nhau là biểu tượng cho những giá trị mà UWC trân trọng và muốn truyền đạt cho giới trẻ Việt Nam.
Bạn Lương Bảo Ngọc Anh (đang học UWC Canada) kể về thời gian làm việc chung với ban biên tập Uspire: “Tham gia vào đội ngũ biên tập của Uspire, mình không chỉ có cơ hội học hỏi thêm kinh nghiệm và trao dồi kiến thức về thế giới xung quanh mà còn làm quen được rất nhiều bạn mới.”
Vậy bạn còn chờ gì nữa? Hãy ghé thăm Uspire, góp tiếng nói của bạn vào tiếng nói Uspire, và ủng hộ cộng đồng du học sinh UWC tuyệt vời ở đây nhé!
Nguyễn Hữu Cát Thư từng được tạp chí Forbes Vietnam vinh danh là một trong 30 người Việt trẻ nổi bật nhất trong năm 2014.
Tốt nghiệp UWC tại Costa Rica, Cát Thư nhận học bổng toàn phần chuyên ngành Kỹ sư chế tạo của Học viện công nghệ Massachusetts (MIT).
Ở tuổi 23, cô từng được trường MIT giữ lại để tham gia điều hành lò nghiên cứu hạt nhân của trường đại học hàng đầu thế giới này. Sau đó kỹ sư trẻ của VN còn nhận hai bằng sáng chế tại Mỹ.
Năm 2014, Cát Thư quyết định về Việt Nam khởi nghiệp với nhiều dự án sáng tạo. Trong số đó có trang tạp chí Uspire dành cho sinh viên VN tại các trường UWC trên thế giới.
Cựu sinh viên Học viện công nghệ Massachusetts, Mỹ
Theo Zing
Xem bài gốc tại đây