Đậu xong thì… mất hút
Một thực tế đang diễn ra tại các môi trường có du học sinh Việt Nam: những bạn trẻ học giỏi được bố mẹ chuẩn bị từ rất sớm vào các đại học Mỹ thì lại “biến mất”, trong khi nhiều bạn ít được chuẩn bị hơn lại nổi trội. Nguyên nhân: phụ huynh ít quan tâm chuẩn bị cho con tâm lý tự lập nên khi con được “thả” ra, gặp rất nhiều bất lợi, dễ mất phương hướng. Trong khi đó, ở môi trường mới là trường top (Harvard, Oxford, Stanford, Cambridge…), luôn có sự cạnh tranh gắt gao giữa những tài năng với nhau. Họ dễ hụt hẫng bởi không còn là “ngôi sao” như trước. Cơ hội nghiên cứu với giáo sư cũng không dễ, khác hoàn toàn với việc được kèm cặp, dạy bảo hồi còn học ở trung tâm tư vấn. Các cơ hội thực tập, việc làm ở các công ty tốt cũng bị chia sẻ.
Những tài năng đó cũng không nghĩ tới hoặc thiếu kỹ năng trong các hoạt động cộng đồng mà chỉ chăm chú lo cho bản thân, cho việc làm và quyền lợi từ công việc mang lại; điều này đi ngược với giá trị mà các trường đề cao – hướng về cộng đồng. Trong khi đó, những học sinh có ít điều kiện nhưng nhiều trải nghiệm thực tế dễ thích nghi với môi trường mới, mau chóng phát huy thế mạnh, đặc biệt là những chương trình cộng đồng.
Học bổng thì ai cũng xứng đáng nếu có công sức săn đuổi, nhưng duy trì lợi thế là vấn đề phải bàn.
\
Trường top cần gì ở sinh viên?
Đầu tiên, những đại học hàng đầu đề cao kỹ năng tự nghiên cứu. Điều đó có nghĩa học ở trường chỉ một, sau đó phải vào thư viện đọc và tra cứu ý kiến của nhiều người khác nhau, từ đó quy nạp thành quan niệm cá nhân. Nếu kỹ năng này không tốt thì sẽ luôn thua kém đồng môn. Trong khi đó đa số phụ huynh Việt Nam khi chuẩn bị cho con chỉ chú tâm tiếng Anh, điểm SAT, một số hoạt động ngoại khoá… Đó là lý do vào trường top là lựa chọn sai lầm.
Kỹ năng thứ hai là tạo dựng mối quan hệ. Ở các đại học danh tiếng, giáo sư thường tập trung nghiên cứu hơn là giảng dạy, được giáo sư hướng dẫn trực tiếp rất khó. Hầu hết thời gian sinh viên sẽ giao tiếp với trợ giảng hay bạn học cùng khoá. Vì vậy, phải xác lập quan hệ với những đối tượng này để được hỗ trợ khi gặp khó khăn.
Kỹ năng thứ ba là khám phá. Thường phụ huynh hướng cho con vào một ngành cụ thể nào đó, như toán, kinh tế… và người con chỉ chăm chú vào ngành đó, không dám thử các ngành khác như tâm lý, thiên văn, triết học… Khi chọn đi chỉ một con đường, lỡ con đường ấy quá nhiều người giỏi thì cơ hội cũng bị chia sẻ. Nếu bản thân tự khám phá, học hỏi và biến những kiến thức thu được thành kỹ năng thì họ chứng minh được thế mạnh của mình với nhà tuyển dụng. Khả năng tự khám phá đồng nghĩa với việc thu nạp được nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên môn và tư duy đa chiều khi giải quyết vấn đề. Trong gói tư vấn du học ở Việt Nam, thật tiếc lại thiếu yếu tố này.
Cơ hội do chính mình tạo ra
Vậy nếu chọn những trường ngoài top thì sao? Thứ nhất, đây là những trường đại học nhỏ, khoảng 2.000 sinh viên, rất dễ tạo những mối quan hệ. Giáo sư ở các trường này thường không quá tập trung vào nghiên cứu mà chuyên tâm giảng dạy, người học có thể gõ cửa văn phòng họ bất cứ lúc nào để nhờ tư vấn. Ngoài ra, những trường này không quá khu biệt ngành học mà đa ngành, là điều kiện giúp người học có cơ hội thử thách, chọn lựa và phát huy sở trường.
Vào trường top để bị cạnh tranh bởi những người giỏi nhất, hay vào một trường có thứ hạng thấp hơn nhưng “thằng chột làm vua xứ mù”? Điều lạ là đa số bạn trẻ thường chọn trường theo định hướng của bố mẹ mà bỏ qua nguyện vọng và sở trường bản thân. Tôi từng tư vấn nhiều trường hợp như vậy, rằng quan điểm bố mẹ là một kênh tham khảo nhưng khi vào học, không tội gì phải tự trói buộc mình; hãy mạnh dạn mở rộng học những ngành khác, thích lĩnh vực nào cứ đi sâu vào đó, làm quen với những người giỏi nhất và làm sao để toả sáng từ chính con đường mình chọn…
Vậy cần trả lời thế nào cho câu hỏi phổ biến nhất: vào Harvard khó hay dễ? Khi hỏi câu đó, người ta chờ đợi một công thức. Chẳng hạn, điểm ở trường phải nằm trong top 5%, điểm SAT nằm trong top 5% của thế giới, phải làm ít nhất 200 tiếng hoạt động xã hội, đạt ít nhất hai-ba giải mang tính quốc tế hoặc quốc gia, phải tài năng trong một lĩnh vực nào đó (âm nhạc, thể thao…), được đánh giá tốt từ thầy cô, thể hiện được tiềm năng phát triển trong tương lai (qua bài luận cá nhân). Ngoài những yếu tố trên, còn phụ thuộc vào yếu tố thời điểm: năm đó có nhiều người giỏi ứng tuyển hay không, người xét hồ sơ có đánh giá cao những giá trị của mình hay không? Ông bà từng đúc kết: liệu cơm gắp mắm.
Có thể đưa ra một ví dụ để tham khảo: năm nay có một bạn học sinh tự thân vận động vào được trường Yale. Tuy nhiên, sau đó bạn này tiếp tục nộp đơn vào Harvard vì muốn chứng minh không cần phải sử dụng dịch vụ tư vấn, can thiệp của người thân vẫn trúng tuyển và cuối cùng bạn này vào được Harvard. Trong vòng một tháng phải quyết định chọn một trong hai trường, bạn này từ chối Harvard để chọn Yale. Với nhiều người, đó là một quyết định gây sốc. Tuy nhiên, lựa chọn đó ẩn chứa thông điệp: trường top không phải là tất cả, cơ hội là do chính mình tạo ra.
(Hoài Chung)
Theo Báo Người Đô Thị
Xem bài gốc tại đây
One thought on “Hoài Chung – Được mất khi vào “trường top””
Comments are closed.