
IDG Ventures Vietnam (IDGVV) được biết đến như một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm thành công nhất và có ảnh hưởng nhất đến ngành ICT Việt Nam với các thương vụ đầu tư vào VNG, VC Corp, Vật Giá… Nhưng câu chuyện đằng sau những thành công ấy như thế nào? IDG khởi đầu ra sao? Làm thế nào có thể tìm được những thương vụ đầu tư tiềm năng? Và thành viên của IDG có gì đặc biệt?
Khởi đầu trong nghi ngờ
Quỹ đầu tư mạo hiểm IDGVV được thành lập năm 2004 bởi tỷ phú Patrick McGovern, chủ tịch và là người sáng lập ra Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG. Thời điểm đó, khái niệm dot com ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ. Dù lúc đó mọi người đã nghe đến Google, Yahoo nhưng ở thị trường Việt Nam, những dạng đầu tiên của dot com như các diễn đàn chỉ mới xuất hiện, thương mại điện tử thì mới manh nha, báo điện tử thì mới chỉ có Vietnamnet và VnExpress là được biết đến.
Vậy mà tỷ phú Patrick McGovern, với những ấn tượng tốt về tiềm năng thị trường 80 triệu dân của Việt Nam và thiện cảm với những sinh viên Việt ở Học viện Công nghệ Massachusetts, đã quyết định đầu tư vào Việt Nam và mời anh Nguyễn Bảo Hoàng về, thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm với số vốn ban đầu 100 triệu USD. Quyết định này đã làm rất nhiều người, từ những doanh nhân, chuyên gia đến cả các quan chức chính phủ, bày tỏ sự ngạc nhiên. Và hầu như tất cả đều đặt dấu hỏi lớn về sự thành công của IDG ở Việt Nam và quyết định của tỷ phú Patrick McGovern.
Những quyết định đầu tư đầy rủi ro
Anh Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch IDGVV, chia sẻ rằng tiêu chí của IDG khi quyết định đầu tư vào một công ty là đúng ngành, đúng người và đúng sản phẩm.
Ngay từ ngày đầu, IDG đã xác định ở thị trường Việt Nam có 15 ngành, và những dự án đầu tư phải thuộc một trong các ngành đó. Đã có không ít những công ty có kế hoạch rất tốt, có khả năng sinh lợi ngay lập tức, nhưng IDG không quyết định đầu tư, còn một số những công ty có vẻ như chưa có được một kế hoạch kinh doanh rõ ràng nhưng lại được đầu tư. Câu hỏi đặt ra là tại sao? Là một quỹ đầu tư mạo hiểm, IDG nhắm tới những ngành tăng trưởng nhanh, có quy mô, tốc độ tăng trưởng thẳng đứng. Các ngành sản xuất, thương mại truyền thống có nhiều công ty tạo ra dòng tiền tốt, doanh thu cao và có khả năng lãi ngay lập tức nhưng đó là những công ty thuộc nhóm ngành phát triển ổn định, khả năng tạo ra những bước phát triển đột phá đòi hỏi thời gian dài và quy mô lớn; trong khi đầu tư mạo hiểm là đầu tư vào những công ty khởi nghiệp, có khả năng sáng tạo vượt bậc và tốc độ tăng trưởng đột phá, mặc dù đi kèm với nó là rủi ro cao. Một khi thành công, những công ty này sẽ mang lại hiệu quả cao nhất cho nhà đầu tư.
Con người cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong quyết định đầu tư của IDG. Theo anh Trường, để tìm được đúng người, thì một điểm đặc biệt của nhà đầu tư, đó là “con mắt thứ ba”, là khả năng có thể hiểu được tầm nhìn, năng lực, tính cách của con người chỉ sau vài phút trò chuyện. Và sau khi tìm được đúng ngành, đúng người thì lúc đó IDG sẽ xét đến đúng sản phẩm, nghĩa là sản phẩm phải khác biệt, và có tiềm năng phát triển trên thị trường.
Quả thực, những tiêu chí này của IDG không phải ai cũng có thể hiểu được, và đó cũng là khởi nguồn cho những nghi ngờ về khả năng thành công của IDG khi thực hiện những quyết định đầu tư rất “khó hiểu”. Sự nghi ngờ này cũng là điều hợp lý vì không dễ gì có thể nhìn thấy trước được tiềm năng thực sự của một startup. Năm 2004, IDG vừa mới thành lập và ICT Việt Nam thì vẫn chưa có gì nổi trội. Khi đó xuất hiện 2 con người, Bryan Pelz và Lê Hồng Minh. Cùng chung một lòng đam mê làm game, họ đã gặp nhau tại chính IDG, khi còn chưa bắt đầu một công ty để thực hiện đam mê đó của mình. IDG nhanh chóng nhận thấy tiềm năng đặc biệt của hai con người này và tiềm năng của ngành game online khi đó còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Một quyết định đầu tư đã diễn ra. Bryan và Lê Hồng Minh đã lập nên Vinagame, và giờ đây, Vinagame của họ đã trở thành VNG – một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam. Sự hùng mạnh của VNG ngày nay chính là câu trả lời của IDG cho những nghi ngờ thời điểm đó.
Câu chuyện về Yêu Âm Nhạc và Web Trẻ Thơ cũng như vậy. Ở thời điểm đó mọi người đã bắt đầu quen với dot com, đã biết đến forum, hiểu rằng điểm có lợi của forum là đông người xem nhưng điểm bất lợi là nền tảng này khó mà kinh doanh được, và theo thời gian khi mà các thế hệ cũ không còn hứng thú nữa thì đa phần các forum đều sẽ lụi tàn. Quyết định đầu tư vào 2 forum Yêu Âm Nhạc và Web Trẻ Thơ của IDG tại thời điểm đó đã làm xôn xao cả cộng đồng.
Giải thích cho quyết định này, anh Trường cho biết, vẫn là tiêu chí “đúng ngành – đúng người – đúng sản phẩm”. Với Yêu Âm Nhạc, ngay từ đầu IDG đã nhìn thấy đó là điểm bắt đầu của một nền tảng đa phương tiện rộng lớn cho giới trẻ và âm nhạc, và quả thực rất nhiều sản phẩm media đã ra đời bắt đầu từ cộng đồng đầu tiên đó, trong đó có kênh truyền hình YANTV cho giới trẻ như hiện nay. Còn với Web Trẻ Thơ, cộng đồng của họ rất khác so với các cộng đồng khác. Đến tận nay, cộng đồng Web Trẻ Thơ vẫn rất cấu kết với chất lượng thông tin đặc biệt hữu ích, tích tụ kinh nghiệm, tri thức của một số lượng rất lớn những thành viên là những người trước và sau khi lập gia đình, và giá trị của cộng đồng ấy là rất lớn. Từ một nền tảng cộng đồng ấy, sau này sẽ rất dễ để phát triển thương mại điện tử và truyền thông phục vụ các nhu cầu của cuộc sống gia đình. Và quyết định đầu tư khi ấy của IDG là đầu tư cho cộng đồng, sản phẩm là sự hiện thực hóa các giá trị của cộng đồng đó.
Vật Giá và Tầm Tay cũng là hai câu chuyện về những công ty được IDG phát hiện và đầu tư ngay từ đầu. Với Tầm Tay, khi gặp IDG họ mới chỉ là dự án chứ chưa phải là công ty độc lập, đang chạy trên nguồn lực công ty cũ của anh Trần Thanh Sơn. Tầm nhìn của người sáng lập tại thời điểm mà Facebook còn là một cái tên tương đối mới đối với chính cả “quê hương” của nó là nước Mỹ, với sự hiểu biết sâu sắc về các mô hình mạng xã hội châu Á đã thuyết phục được IDG. IDG đã đầu tư vào mạng xã hội này khi mà mọi người vẫn còn chưa hình dung được các chiến lược dài hạn của Tầm Tay là gì.
Về câu chuyện của Vật Giá, anh Trường cho biết, tại thời điểm năm 2007, đã có khá nhiều trang web về thương mại điện tử trên thị trường, và anh Nguyễn Ngọc Điệp đến thuyết phục IDGVVcũng chỉ bằng 2 trang giấy A4 và 1 bảng Excel. Quyết định đầu tư đã diễn ra, và thực tế đã chứng minh đây là 1 quyết định đúng đắn. Vậy thì làm thế nào mà IDG nhận ra được tiềm năng của Vật Giá? Anh Trường chia sẻ, khi đến văn phòng đầu tiên của Vật Giá ở phố Huế, anh rất bất ngờ khi trong một căn phòng rất nhỏ mà có vài chục người ngồi làm việc, thậm chí họ phải ngồi ra cả hành lang vì quá chật, nhưng không khí làm việc rất vui vẻ. Trái với không gian startup chật hẹp thì phương tiện làm việc của nhân viên khi đó lại được “đầu tư” laptop chứ không phải là máy tính PC vốn rẻ hơn, đồng nghĩa với việc họ không chỉ làm việc ở công ty mà còn có thể dùng laptop làm việc cả buổi đêm ở nhà nữa. Chỉ qua những ấn tượng này, IDG đã nhìn thấy được rằng anh Điệp có khả năng thu phục lòng người, cũng như tài dùng người để đạt hiệu suất công việc tối đa. Đúng ngành (thương mại điện tử), đúng người (leader có tài dùng người), đúng sản phẩm (sản phẩm khác biệt và tiềm năng), 3 tiêu chí ấy được thỏa mãn và IDG quyết định đầu tư cho Vật Giá.
Đằng sau các thương vụ đầu tư ấy, IDG cũng gặp phải vô vàn khó khăn. Ở thời điểm mà IDG vào thị trường Việt Nam, ngành ICT vẫn còn chưa có sự phát triển đầy đủ ngoài xu hướng gia công phần mềm. Các nhóm ngành, các khái niệm, luật pháp dành cho Internet vẫn còn chưa rõ ràng. Giao dịch điện tử? Làm game? Mạng xã hội? Lúc đó tất cả chỉ là những thuật ngữ xa lạ mà không nhiều người hiểu được. Trong hoàn cảnh đó, IDG phải hình dung ra nó và làm, mạo hiểm làm. Những công ty được đầu tư đầu tiên như Vinagame, Vietnamwork hay Vega là những ví dụ điển hình về những công ty khởi sự với những thị trường hoàn toàn mới gần như chưa có người khai phá. IDG đã phải hình dung ra thị trường như thế nào, hình dung ra nhu cầu của mọi người trong thị trường ấy, sau đó tìm ra những con người và sản phẩm mạo hiểm đầu tiên để thực hiện việc đầu tư mạo hiểm của mình.
Theo Ybox
Xem bài gốc tại đây