Bộ trưởng Giáo dục Mỹ từ chức
Ngày 2/10, ông Arne Duncan, Bộ trưởng Giáo dục Mỹ, tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 12 tới. Người kế nhiệm ông sẽ là thứ trưởng bộ giáo dục John B. King Jr.
Theo New York Times, việc ông Duncan từ chức đánh dấu sự ra đi của một trong những thành viên có thời gian phục vụ lâu nhất trong nội các của Tổng thống Obama.
Ông Arne Duncan là tác giả của chương trình cải cách giáo dục nổi tiếng của nước Mỹ có tên “Race to the Top” (Chạy đua lên hàng đầu).
Đây là chương trình đưa ra nhiều thay đổi đáng kể trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, đặc biệt là việc nâng cao các tiêu chuẩn, chính sách, cơ cấu với các trường đại học cũng như mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên.
Ông được xem như một trong những bộ trưởng giáo dục quyền lực nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Điều này căn cứ vào thực tế ông có mối quan hệ rất thân thiết với Tổng thống Mỹ Barack Obama, mặt khác là hàng tỷ USD đã được giải ngân cho chương trình cải cách giáo dục Race to the Top của ông ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế của nước Mỹ.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 2/10 về việc ông Duncan tuyên bố từ chức, Tổng thống Obama đã dành những lời tốt đẹp nhất ghi nhận những đóng góp quan trọng của ông Duncan với nền giáo dục nước Mỹ.
Tổng thống khẳng định: “Đó là kỷ lục mà tôi thực sự tin rằng sẽ không vị bộ trưởng giáo dục nào khác có thể sánh được”.
Trước khi tới Washington nắm giữ cương vị bộ trưởng giáo dục liên bang, ông Duncan cũng từng dẫn dắt khối các trường học công lập ở Chicago. Đáp lại những lời tốt đẹp của tổng thống Mỹ, ông Duncan cảm ơn ông Obama đã không hành xử với chính sách giáo dục theo cách dựa trên những động cơ chính trị và ông gọi đó là “sự lãnh đạo của đạo đức”.
Vợ và các con ông Duncan đã trở về sống ở Chicago trong mùa hè vừa rồi. Thông tin đó đã dấy lên đồn đoán cho rằng ông Duncan sẽ từ chức. Cũng trong buổi họp báo ngày 2-10, ông Duncan nói ông không muốn sống xa gia đình nữa.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng tư, ông Duncan đã nói ông chấp nhận rằng một số việc làm của ông có thể gây tranh cãi nhưng về cơ bản, ông rất tiếc khi “giáo dục chưa được nhìn nhận như một ưu tiên quốc gia”.
Theo Tuổi Trẻ
Xem bài gốc tại đây