GS.TSKH Vũ Quốc Phóng nằm trên giường bệnh để chống chọi với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Dù đau đớn vì bệnh tật, nhưng ông vẫn luôn mỉm cười với bạn bè, đồng nghiệp.
Nắm lấy bàn tay gầy guộc của ông, ai cũng thương xót cho một tài năng toán học Việt Nam, bởi ngày ông từ giã cõi trần được tính bằng giây, bằng phút.
Và, ông đã ra đi vào ngày định mệnh 27/8 âm lịch (Ất Mùi) trong niềm tiếc thương vô hạn của hàng trăm sinh viên Đại học Ohio (Mỹ) và cán bộ, GS, các nhà toán học (Viện toán học Việt Nam), cùng gia đình, bạn bè, người thân.
PGS, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam Nguyễn Việt Dũng chia sẻ, Vũ Quốc Phóng, đã chọn toán học và toán học đã chọn ông. Suốt đời mình, từ tuổi niên thiếu cho đến phút cuối cùng ông say mê và gắn bó với toán học. Ông luôn chọn cho mình những đề tài nghiên cứu khó khăn, hóc búa và đạt nhiều kết quả có giá trị đối với Giải tích hàm, Lý thuyết toán tử, Lý thuyết nửa nhóm…
“Ông là tác giả của gần 70 bài viết được xuất bản trong các tạp chí chuyên ngành có uy tín. Các kết quả nghiên cứu của ông đã được trích dẫn sử dụng trong nhiều bái báo và hàng chục đầu sách được xuất bản trên thế giới. Ông được mời làm phản biện cho hàng chục tạp chí khoa học uy tín trên thế giới. Lòng say mê, tân tậm, bền bỉ, tài năng đã giúp ông gặt hái được nhiều thành công trên lĩnh vực toán học. Ông là nhà toán học hàng đầu của Việt Nam”, PGS Dũng khẳng định.
Sinh ra ở miền quê xứ Nghệ, trong một gia đình hiếu học. Vũ Quốc Phóng có tài năng thiên bẩm về toán học từ bé. Tốt nghiệp cấp 3, với kết quả học tập xuất sắc. Vũ Quốc Phóng được Chính phủ gửi sang Liên Xô học đại học. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kharkov với tấm bằng đỏ xuất sắc. Ông được trường đề nghị ở lại làm nghiên cứu sinh chuyển tiếp và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại Đại học Kharcov. Ông trở về nước, công tác tại Viện Toán học Việt Nam.
Chỉ vài năm sau, ông được Viện Toán học Việt Nam cử làm thực tập sinh cao cấp ở Liên Xô và năm 1987, ông bảo vệ xuất sắc Luận án tiến sĩ chuyên ngành Toán-Lý ở Viện Toán học Kiev. Từ đây, nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới mời ông làm giáo sư thỉnh giảng tại Đức, Pháp, Nhật, Hoa Kỳ, Hồng Kong… Nhiều viện nghiên cứu toán học tại mỹ, châu Âu, Trung tâm vũ trụ NASA còn lưu giữ nhiều bài nghiên cứu về toán của ông. Và, năm 1999 ông trở thành GS toán học của Đại học Ohio, Mỹ.
Dù thành công ở đỉnh cao, nhưng ông luôn có lối sống giản dị, tận tụy với công việc và có trách nhiệm giúp đỡ sinh viên có tài năng về môn toán. Ông được Đại học Ohio giao nhiều trọng trách: Chủ nhiệm khoa sau đại học, chủ tịch hội đồng xét tuyển, thi nâng ngạch giáo viên của trường. Ông là người thiết kế khóa học online cho Đại học Ohio và một số trường đại học khác của Mỹ và là tác giả của nhiều bài giảng từ xa.
Cả một đời gắn bó với toán học, Vũ Quốc Phóng luôn đau đáu về ngành Toán của Việt Nam. Vì vậy, các kỳ nghỉ hè, nghỉ đông, ông đều tranh thủ về nước dự các hội nghị về toán.
Ông tham gia giảng dạy tại các trường đại học trong cả nước, cộng tác chặt chẽ với Viện Toán học Việt Nam, là câu nối giúp sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đến với khoa Toán Đại hoc Ohio.
Những ngày cuối tháng 7, căn bệnh ung thư quái ác đang hành hạ ông. Vũ Quốc Phóng vẫn lên lớp giảng dạy sinh viên. Bài dạy cuối cùng của ông không phải là những hàm đẳng thức, không phải là những hằng số, đạo hàm, mà về đạo làm người, về những căn bệnh quái ác mà y học hiện đại còn bó tay. Giọng nói ông cất lên yếu ớt, nhưng ánh mắt ông vẫn tràn đầy nghị lực…
Ở cả bờ tây nước Mỹ, nhắc đến “Thầy Phóng”, đám học sinh cả ta lẫn tây đều khâm phục. Giảng đường luôn kín đặc chỗ mỗi khi ông lên lớp. Kể cả mấy tháng qua, khi ông đang trải qua những cơn đại phẫu thì lịch giảng online vẫn luôn được học sinh ngóng chờ. Không phải chì vì GS Phóng có một kiến thức sâu rộng, mà ông truyền cho người học một cảm giác “thèm học”, “muốn học” và “học đến tận cùng”.
Và kể cả khi nằm dưỡng bệnh, bàn tay gầy guộc đó vẫn níu lấy chiếc bút chì, dọc ngang những ý tưởng trên trang giấy trắng. …
Ông ra đi ở tuổi 62 với nhiều dự định còn dang dở. Với ông, Việt Nam cần phải thay đổi tư duy giáo dục đại học, đừng lề mề nữa, cần phải có những bước đi cụ thể, thích hợp và phải nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Vĩnh biệt ông! Một tài năng toán học xuất sắc của Viêt Nam.
Theo Việt Nam Net
Xem bài gốc tại đây