Từ tấm thiệp giấy xoắn mua tặng người thân, chị Diễm Hương nảy ra ý tưởng phân phối sản phẩm tại Mỹ mà không ngờ món đồ handmade này lại được ưu chuộng tại nhiều quốc gia.
Sinh năm 1974 tại Rạch Giá (Kiên Giang), sau khi tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh năm 1997, chị Nguyễn Phạm Thị Diễm Hương lại rẽ ngang, làm nhân viên marketing cho một công ty đa quốc gia về hàng tiêu dùng.
Đến với thiệp giấy, gắn bó với sản phẩm cũng là duyên tình cờ. Do chồng chị là người Mỹ, mỗi lần về thăm gia đình ông xã, chị thường mua những sản phẩm handmade của Việt Nam làm quà tặng. Trong số đó, thiệp giấy xoắn luôn được mọi người trầm trồ khen ngợi về sự tính tế và khéo léo của người làm ra.
Năm 2012, khi bắt đầu định cư tại Mỹ, có nhiều thời gian ở nhà, chị nghĩ đến việc tiếp thị sản phẩm độc đáo này sang Mỹ. “Người phương Tây rất chú trọng bày tỏ lòng tình cảm qua những tấm thiệp nhất là đồ handmade. Thế là ý tưởng kinh doanh món đồ lưu niệm của mình hình thành”, nữ doanh nhân chia sẻ.
Chị trở về nước học cách làm thiệp, đồng thời tìm kiếm địa chỉ cung cấp nguyên liệu. Điều đặc biệt với chị khi đó người hướng dẫn chị làm lại là các bạn câm điếc. Nhìn tưởng dễ nhưng không phải vậy. “Những tấm thiệp đầu tiên tôi làm không ra hình thù mong muốn. Tôi từng nghĩ mình không đủ khéo léo, tinh tế với nghề này”, chị nói. Nhưng khi mọi thứ đã sẵn sàng bên Mỹ, chị thu xếp thêm nhiều thời gian ở lại Việt Nam thực hành các mẫu từ đơn giản đến phức tạp.
Sau khi thạo tay quen nghề, tìm được nguồn cung giấy ổn định, trở về Mỹ, chị dùng tiền tiết kiệm lẫn khoản tiền bán nhà tại Việt Nam để thành lập công ty Quilling Card. Vốn trước đó từng làm marketing nên chị quá hiểu những khó khăn để tiếp thị một sản phẩm mới chưa có thương hiệu ra thị trường.
“Lần đầu tiên, khi đưa 130 mẫu thiệp giới thiệu tại một sự kiện ở New York tôi chỉ bán được 30 mẫu số còn lại thành hàng tồn”, chị kể lại. Khi tìm hiểu nguyên nhân chị thấy rằng những mẫu thiết kế tại Việt Nam không hợp gu với khách hàng Mỹ. Chị liền thuê một chuyên gia thiết kế người Mỹ, định hướng những mẫu thiệp phù hợp với thị hiếu của khách hàng tại đây.
Cùng đó, việc xây dựng hình ảnh, tạo dựng thương hiệu được chị sử dụng phổ biến các công cụ marketing hiện đại như lập website, facebook. Nhờ vậy, thiệp của chị không chỉ khách hàng ở Mỹ đặt mua mà đối tác từ Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu tự tìm đến ngày càng nhiều. Ngay ở Việt Nam, chị cũng nhận được các đơn hàng đặt riêng cho công ty.
Định vị sản phẩm thiệp cao cấp hoàn toàn làm bằng tay, phương châm của chị “tấm thiệp trao cả nghệ thuật”, không ít khách hàng mua những sản phẩm về đóng khung để trưng bày như bộ sưu tập nghệ thuật về giấy xoắn. “Điều này khiến tôi cảm thấy rất vui bởi tâm huyết của mình được trân trọng”, chị nói.
Hiện công ty của chị có trên 400 mẫu thiệp theo từng chủ đề khác nhau. Khách hàng của Quilling Card là hàng trăm các cửa hàng lưu niệm tại Mỹ và nhiều quốc gia khác. Trong khi công ty tại Mỹ chuyên thiết kế, tiếp thị và phân phối trên toàn thế giới, thì chi nhánh tại Việt Nam chịu trách nhiệm sản xuất và xuất khẩu.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển sản phẩm, chị không giấu diếm tham vọng là đưa công ty dẫn đầu phân khúc thiệp cao cấp tại thị trường Bắc Mỹ và mở rộng sang toàn châu Âu. Riêng tại Việt Nam, cơ sở thứ hai đang được thành lập với 160 thợ mới để đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu. Hiện cơ sở đang tuyển dụng và huấn luyện. Có rất nhiều người tìm đến học việc, song chị cho biết sẽ ưu tiên tìm kiếm các bạn câm điếc để giúp họ hoà nhập cộng đồng và có nghề nghiệp ổn định.
“Thực tế làm giấy xoắn lâu nay chẳng ai coi đó là một nghề. Do vậy, mình muốn đào tạo cho những người yêu nghệ thuật giấy xoắn như một nghề ổn định giúp họ có thu nhập. Sau này, nếu có điều kiện mình sẽ đầu tư để xây dựng một làng nghề giấy xoắn tại Việt Nam”, chị dự tính.
Theo Vnexpress
Xem bài gốc tại đây