‘Đi tới đâu tôi cũng nhận được chia sẻ của nhà tuyển dụng rằng họ giờ tìm người khó quá. Trong khi mỗi năm hàng triệu sinh viên ra trường, tỉ lệ thất nghiệp cao. Tại sao lại vậy?’ – ông Giản Tư Trung, Viện nghiên cứu phát triển giáo dục IRED đặt câu hỏi.
Tại buổi tọa đàm AEC, We are ready!, hơn 200 thủ lĩnh sinh viên cùng BGH Trường ĐH Ngoại thương, các chuyên gia đến từ các cơ quan nhà nước, các đại diện doanh nghiệp lớn tại Hà Nội đã cùng nhau tìm ra giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho nguồn nhân lực Việt Nam trước sự thành lập của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Bạn có gì để “bán” không?
Theo ông Giản Tư Trung, Viện nghiên cứu phát triển giáo dục IRED: “Chuyện bằng cấp của bạn là gì, được ai công nhận giờ không còn quan trọng nữa. Chỉ nơi ít tử tế mới đòi hỏi bằng cấp của bạn. Quan trọng vẫn là học thật, làm thật và sống thật. Ta hội nhập rồi, thị trường với hơn 7 tỷ người ngoài kia đang rộng mở. Nhưng thử hỏi ta có gì bán cho thế giới không. Nếu không thì cơ hội không thấy mà trước mắt chỉ là thách thức mà thôi”.
Bạn phải chủ động
“Có nhiều vị trí chúng tôi chỉ chọn được vài ứng viên trong hàng ngàn hồ sơ. Tại sao vậy. Kiến thức tốt bây giờ rõ ràng cần thiết nhưng không tạo nên sự khác biệt của bạn.
Vậy thì đó là văn hóa được thể hiện qua sự giao tiếp, tác phong chuyên nghiệp, một cam kết của bạn đối với công việc của chúng tôi cùng sự tự chủ trong công việc,…chính là yếu tố giúp bạn vượt lên. Giải pháp đặt ra lúc này chính là sự chủ động của sinh viên. Chính các cá nhân muốn tự phát triển thì phải làm gì đó cho mình.
Có lần chúng tôi đón một nhóm sinh viên đến thực tập. Ban giám đốc đến từ rất sớm, chuẩn bị chu đáo để đón tiếp nhưng khi hỏi sinh viên mục đích của bạn đến đây là gì thì nhận được câu trả lời “em không biết” hoặc em đến vì đây là môn học của trường. Điều đó khiến chúng tôi khá buồn lòng. Thầy cô đã chủ động kết nối, trao cho bạn cơ hội gặp gỡ nhà tuyển dụng, chúng tôi rất trân trọng nhưng lại không đón nhận được ở bạn một sự chủ động nhất định” –bà Lê Phương Ngọc – Giám đốc nhân sự Suntory PepsiCo Việt Nam.
Đam mê nhưng cụ thể là cái gì?
“Vừa rồi tôi đi phỏng vấn nhân sự cho một đơn vị tôi hỏi đam mê của em là gì, bạn này trả lời là nông nghiệp. Tôi hỏi tiếp thế em có biết gì về nông nghiệp VN. “Dạ em đang tìm hiểu ạ”. Tôi hỏi tiếp em có biết nông nghiệp VN có gì đặc biệt, em có thích cây gì, con gì không. Tất cả chỉ nhận được câu trả lời không biết hoặc em đang tìm tòi.
Tôi nói với bạn này “thật lòng xin bạn đừng buồn chứ thực ra em không có yêu gì nông nghiệp. Yêu thì phải nói được chút gì chứ, phải mê heo, mê bò, dưa leo, cà phê,…gì gì chứ. Nếu mê heo khi tôi hỏi em có đọc cuốn sách nào hay nhất về heo chưa, xem phim nào hay nhất về heo chưa, website nào hay nhất về heo đã vào chưa,…thì phải biết chứ.
Nhà tuyển dụng có thể chưa cần tới chuyên môn của bạn mà cần bạn một ý thức rõ ràng về công việc, nghề nghiệp bạn theo đuổi. Bạn nói đam mê marketing vậy có thể kể tên 3 cuốn sách hay nhất về nghề này không, ở VN có ai giỏi về nó có biết không.
Bạn thực sự đam mê nó hay chỉ thích ánh hào quang của nghề đó thôi.
Có lần một vị giáo sư Nobel về một trường nói chuyện với sinh viên. Một bạn đứng lên hỏi làm sao để em đạt giải Nobel giống thầy. Vị giáo sự nhẹ nhàng nếu bạn hỏi câu đó có lẽ sẽ không bao giờ đạt được Nobel.
Những người đạt giải không bao giờ có tình yêu với Nobel mà chỉ có một tình yêu với khoa học, sống chết vì nó để tạo ra những thành tựu khoa học cho đời. Rồi người ta đến nói anh có muốn nhận giải không. Vui vui thì nói “yes” (có), buồn buồn thì nói “no” (không)” – ông Giản Tư Trung.
Sức khỏe, chăm chỉ, không ăn cắp vặt, không làm biếng
“Cực kỳ giản đơn thôi. Họ cần bạn có cái đầu sẵn sàng, sự tử tế, tình yêu nào đó rõ ràng. Nhà tuyển dụng thấy được điều đó sẽ sẵn sàng tạo công việc cụ thể cho anh làm. Với người lao động, nhà tuyển dụng luôn mong muốn bạn có sức khỏe, sự chăm chỉ, không ăn cắp vặt, không làm biếng. Còn nghề nghiệp họ sẵn sàng dạy bạn từ đầu, đôi khi những anh biết chút chút rồi lại hay đặt điều kiện, mệt mỏi lắm” – ông Giản Tư Trung.
“Kiến thức sinh viên Việt Nam rất tốt, nhưng lại thiếu các kỹ năng mềm, đặc biệt là teamwork. Sự cộng tác, phối hợp trong công việc của người Singapore cao hơn người Việt Nam”- ông Trần Công Quỳnh Lân – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam VietinBank so sánh.
“Nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ không còn là vấn đề mà các nhà đầu tư thực sự quan tâm. Nếu không có ngoại ngữ tốt, có các kỹ năng mềm thiết yếu thì chúng ta không thể cạnh tranh với bạn bè quốc tế. Nếu có cơ hội, thì đó chủ yếu là ở cấp quản lí”-ông Hoàng Xuân Bình – Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô Trường ĐH Ngoại thương.
3 “túi bảo bối” cho sinh viên “Khái niệm công dân toàn cầu của tôi đơn giản là bạn có thể sống đàng hoàng ở mọi nơi trên trái đất này. Muốn như vậy bạn cần có 2 cái túi to đựng trong đó là kiến thức về văn hóa và chuyên môn cùng 1 cái túi nhỏ dắt bên hông là ngoại ngữ tốt” – lời ông Giản Tư Trung. |
Theo Việt Nam Net
Xem bài gốc tại đây