Hệ thống giáo dục của Việt Nam từ tiểu học đến đại học không thể tiếp tục tồn tại như hiện nay. Vậy sự cải cách toàn diện nền giáo dục nước nhà cần được thực hiện như thế nào?
Ba tổ chức gồm Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cùng Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người đã có văn bản gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiến nghị về việc cần thiết tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân. Đồng thời kiến nghị về một mô hình hệ thống giáo dục quốc dân mới dựa trên những định hướng cơ bản của nghị quyết trung ương 29.
Trước đó, trong phiên họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực ngày 6/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT cần đặc biệt lưu ý làm rõ những hạn chế của hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại để đề xuất hệ thống giáo dục quốc dân mới.
Tại sao cần phải tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân? GS.TS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nguyên bộ trưởng Bộ GD&ĐT – nhận định: “Có một thực tế là cơ cấu của hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay theo Luật giáo dục (đặc biệt sau khi đã điều chỉnh theo Luật giáo dục nghề nghiệp) về cơ bản không đáp ứng được hàng loạt các định hướng quan trọng trong nghị quyết trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo như: xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thực hiện phân luồng triệt để học sinh sau THCS, bảo đảm liên thông giữa các cấp học, bảo đảm hội nhập quốc tế về khung trình độ, hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia…”.
Không thể xây dựng chương trình phổ thông tổng thể
– Việc tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, đề xuất cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới có tác động thế nào đến chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT đang gấp rút hoàn thiện, cũng như một loạt chiến dịch đổi mới về thi cử, đánh giá, thưa ông?
“Ngay cả Bộ GD&ĐT cũng đã nhiều lần thừa nhận cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại chưa thật đồng bộ, sự liên thông giữa các cấp học còn hạn chế. Trong bối cảnh như vậy, điều cấp thiết là phải định hình, tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân làm nền tảng cho những đổi mới khác của giáo dục”.
GS.TS Trần Hồng Quân
– Cách đây vài tháng, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tiếp tục công bố báo cáo tổng hợp và tiếp thu, giải trình ý kiến của các tổ chức, cá nhân về bản dự thảo này.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, việc bộ có kế hoạch cố sớm ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong khi cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chưa được chỉnh sửa là không phù hợp về bước đi, khó mang tính đổi mới cơ bản và toàn diện đối với giáo dục, và sẽ phải làm lại, gây nhiều lãng phí tiền bạc, thời gian.
Vì vậy, Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người vừa có văn bản kiến nghị đề cập cách làm bất cập của Bộ GD&ĐT, đồng thời đưa ra kiến nghị về hệ thống giáo dục quốc dân và sơ đồ phân luồng cho từ sau năm 2015. Đồng thời cũng đã có văn bản gửi bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiến nghị chỉ ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, sau khi cơ cấu mới của hệ thống giáo dục quốc dân được khẳng định.
– Tại sao Việt Nam nên thực hiện phân luồng triệt để sau THCS, trong khi nhiều nước phát triển vẫn phân luồng sau THPT để có được lực lượng lao động trình độ cao?
– Tại Việt Nam, hệ quả của việc không phân luồng triệt để học sinh sau THCS trong suốt bao năm qua là chúng ta chỉ có trong tay nguồn nhân lực quá thấp kém về trình độ nghề nghiệp vì không được qua đào tạo (mặc dù có bằng tốt nghiệp THPT) hoặc được đào tạo ở mức dưới chuẩn chuyên môn (như ở hệ trung cấp chuyên nghiệp), hoặc ở mức dưới chuẩn học vấn (như ở các trình độ sơ cấp và trung cấp theo Luật giáo dục nghề nghiệp), hoặc ở mức vượt trình độ công nghệ của đất nước (như ở hệ CĐ nghề) như hiện nay.
Thêm một bất hợp lý dẫn đến lãng phí khi chúng ta không thực hiện được phân luồng là nhiều học sinh học hết THPT rồi lại đi học trung cấp, sơ cấp nghề – trình độ đào tạo mà đáng lẽ các em có thể rút ngắn để thực hiện ngay khi tốt nghiệp THCS từ ba năm trước.
Trả trình độ CĐ về giáo dục ĐH
– Vậy để thực hiện cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân một cách hiệu quả, đâu là việc cần làm ngay, đâu là việc cần được đầu tư lâu dài, có tính chiến lược, thưa ông?
– Xu hướng chung của giáo dục thế giới hiện nay là giáo dục nghề đang xâm nhập ngày càng sâu vào lĩnh vực giáo dục ĐH, để cùng với giáo dục ĐH truyền thống hình thành nên nền giáo dục sau trung học hoặc giáo dục bậc ba (tertiary education), góp phần quan trọng đưa giáo dục ĐH ở nhiều nước chuyển nhanh từ giai đoạn tinh hoa qua giai đoạn đại chúng và tiếp đó là giai đoạn phổ cập, đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực cho sự ra đời một nền kinh tế tri thức ở những nước đó.
Trong khi đó ở Việt Nam hai hệ thống này đang ngày càng tách xa nhau và đang được hoạch định bởi hai dòng chính sách độc lập nhau. Việc tách trình độ CĐ ra khỏi giáo dục ĐH để hợp nhất với các trình độ sơ cấp và trung cấp hình thành một bậc học riêng biệt (theo Luật giáo dục nghề nghiệp) là một biểu hiện rõ ràng của khuynh hướng đó.
Vì vậy, để cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân cho đồng bộ với thực trạng phát triển của chính mình và phù hợp với xu hướng quốc tế thì trước hết phải triển khai một loạt giải pháp cấp bách: trả trình độ CĐ về giáo dục ĐH; đổi tên, mục tiêu và chương trình của trường trung cấp nghề thành trường trung học nghề; chuyển đổi các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc thành CĐ thực hành hoặc trung học nghề; hợp nhất một bộ phận các trường THPT với các cơ sở dạy nghề ở địa phương để chuyển thành các trường trung học nghề.
Ngoài ra, cần quy hoạch lại nhiệm vụ cho các trường ĐH theo hai hướng: nghiên cứu và ứng dụng – thực hành. Hướng nghiên cứu chủ yếu dành cho các trường ĐH trọng điểm. Các trường địa phương và trường của các bộ, ngành chủ yếu đi theo hướng ứng dụng – thực hành, bám sát nhu cầu nhân lực của địa phương và của ngành.
Về lâu dài phải từng bước sáp nhập một số viện nghiên cứu khoa học vào các trường ĐH trọng điểm để hình thành các ĐH nghiên cứu, từng bước xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, tập trung chức năng quản trị cho hội đồng trường, trao quyền tự chủ thật sự cho cơ sở giáo dục ĐH, chuyển một bộ phận cơ sở giáo dục ĐH công lập qua cơ chế tự chủ, tự hạch toán tài chính.
Ngoài ra, rất cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu phân luồng người học căn cứ vào sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế cả ở tầm quốc gia lẫn tầm địa phương.
Phân luồng diễn ra hoàn toàn trái ngược
Thực tế, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật giáo dục năm 2005 xác định sau giáo dục mầm non (dưới 6 tuổi) sẽ đến tiểu học (5 năm), THCS (4 năm), sau đó đến THPT (3 năm) hoặc trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, rồi CĐ, ĐH, sau ĐH.
Việc phân luồng này có vẻ tương đối hợp lý, nhưng trên thực tế chỉ đạo (ở cả cấp trung ương và cấp địa phương) lại mở cửa cho số đông học sinh tràn vào luồng THPT và chặn luồng học lên đối với các hệ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề.
Rõ ràng đối với Việt Nam, định hướng phân luồng từ sau THCS của hệ thống giáo dục đã thể hiện trong nhiều chủ trương, nhưng thực tiễn giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực của nước ta trong nhiều năm qua lại diễn ra hoàn toàn theo chiều hướng trái ngược. Cụ thể, theo thống kê giáo dục năm 2010 – 2011, 81,1% học sinh sau tốt nghiệp THCS được tuyển vào THPT, 9,86% gia nhập thị trường lao động.
Chính tỉ lệ nhập học THPT cao đã dẫn tới tình trạng quy mô học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề quá thấp so với quy mô sinh viên ĐH, CĐ (mặc dù tỉ lệ nhập học ĐH của Việt Nam vẫn còn ở dưới mức trung bình của thế giới), cũng như nhiều rắc rối khác có liên quan tới sự quá tải của các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm.
GS.TS Trần Hồng Quân
Theo Tuổi Trẻ
Xem bài gốc tại đây