Arlet Burciaga sống ở Mexico nhưng học tại Viện Lydia Patterson tại thành phố El Paso, Mỹ. Suốt 3 năm qua, cô phải qua biên giới để đến trường.
Ngoài đồ dùng học tập, những học sinh sống gần biên giới Mỹ – Mexico còn cần thêm hộ chiếu để đến trường. Arlet Burciaga là một trong số đó. Hàng ngày, cô đi học bằng xe buýt chạy qua cầu quốc tế ở thành phố Ciudad Juárez, Pri cho hay.
Arlet thường dậy sớm hơn mọi người khoảng một tiếng. Nữ sinh 19 tuổi chuẩn bị bữa sáng cho gia đình trong ngôi nhà đơn sơ. Cô sống cùng mẹ, anh trai và em gái. Mẹ cô, bà Martha Flores Ibarra, cũng vừa trở về nhà sau ca làm việc suốt đêm tại nhà máy để kiếm 45 USD mỗi tuần. Bà đưa Arlet 3 peso để bắt xe buýt và 4 peso phí qua cầu. Arlet trao mẹ cái ôm ấm áp trước khi rời nhà.
Arlet có thể theo học trường ở Mexico, tuy nhiên sau khi nghe kể về Lydia Patterson, nữ sinh quyết định nộp đơn và giành học bổng toàn phần. Trường học cũng hỗ trợ cô gái nàyphí qua biên giới hàng ngày cùng 20 USD cho các khoản phí khác.
Arlet Burciaga lên xe buýt đi học. Xe đông nghịt dù đường phố vẫn vắng người qua lại. Trạm xe buýt cách cầu quốc tế rất gần. “Việc đi qua biên giới mỗi ngày là một vấn đề lớn, bởi tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra trên cầu hay đường về nhà”, nữ sinh nói. Ciudad Juárez từng được biết đến là “thành phố giết chóc của thế giới” với những vụ thanh trừng giữa các phe phái. Hiện tại, tình hình ổn định hơn. Người dân vẫn qua lại biên giới hàng ngày.
Nữ sinh trả 4 peso phí qua cầu. Vài năm trước, cô học tiếng Anh khá vất vả. Trước khi theo học Lydia Patterson, nữ sinh chỉ biết tiếng Tây Ban Nha và chưa từng đến Mỹ.
5 phút sau khi qua cầu, Arlet đến làm thủ tục tại cửa hải quan Mỹ. 70% trong số 435 học sinh của trường Lydia Patterson vượt qua biên giới hàng ngày. Một số người là công dân Mỹ nhưng sống ở Mexico. Những người khác là người Mexico giống Arlet.
Arlet vượt qua cửa hải quan. Khi đã đặt chân đến El Paso, cô phải tự xoay xở mọi việc. Mẹ cô không có hộ chiếu nên không được qua biên giới. Nếu con gái gặp rắc rối ở Mỹ, bà không thể đến giúp.
7h55: Arlet đến trường. Cô ăn sáng tại căng tin. Lydia Patterson cung cấp bữa sáng và bữa trưa miễn phí cho học sinh.
Arlet bắt đầu ngày học bằng tiết tiếng Anh lúc 8h30. Mỗi ngày, cô có 3 tiết học môn này. Hầu hết học sinh trong trường theo học đại học sau khi tốt nghiệp. Socorro de Anda, Giám đốc Viện Lydia Patterson, cho biết, bằng cử nhân sẽ giúp Arlet và gia đình cô đổi đời.
Cuối ngày học, Arlet và những học sinh theo diện học bổng ở lại làm thêm việc dọn vệ sinh hoặc ghi chép sổ sách.
14h21, Arlet bắt đầu trở về nhà. 3 năm qua, ngày nào cô cũng phải thực hiện hành trình xuyên biên giới Mỹ – Mexico. Arlet chưa xác định sẽ theo đại học nào. Cô hy vọng trúng tuyển vào một trường ở Mỹ.
Theo Zing
Xem bài gốc tại đây