Tạp chí Khoa học Việt Nam vừa có vinh dự được trò chuyện cùng chị Lê Thị Lý – một trong những nữ Phó giáo sư (PGS) trẻ tuổi nhất Việt Nam. Dù tốt nghiệp tiến sĩ tại Mỹ và có rất nhiều cơ hội để ở lại công tác trong các Viện, Đại học lớn, nhưng PSG Lê Thị Lý vẫn quyết tâm về Việt Nam xây dựng chuyên ngành Sinh – Tin học tại trường Đại học Quốc Tế (ĐHQT), Tp.Hồ Chí Minh – nơi chị đang công tác hiện nay.
Trải qua giai đoạn gây dựng đầy nhiệt huyết bắt đầu từ năm 2010, PGS Lê Thị Lý cùng cộng sự và các sinh viên đã xuất bản hơn 20 bài báo trên các tạp chí uy tín quốc tế về chủ đề Khám Phá và Sàng Lọc Dược Phẩm Mới. Chị chia sẻ: “Sau 5 năm nhìn lại, tôi cảm thấy mình cần làm những việc thiết thực hơn nữa. Tôi và nhóm nghiên cứu tại trường ĐHQT muốn cộng tác với nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế để tạo ra những sản phẩm cụ thể phục vụ cho người dân Việt Nam thay vì chỉ là những bài báo nghiên cứu.”
VJS just had the honor to interview Dr. Ly Le, a very young, successful, dedicated and inspiring assistant professor in Bioinformatics from International University, Ho Chi Minh city, Vietnam. With a successful PhD training in chemistry from University of Utah (more than 5 publications), she could find postdoc and professor positions in the US but instead, she chose to come back to Vietnam. Starting her own lab right after graduate school in 2010, Dr. Ly and her team have published more than 20 research articles within 5 years about Drug Discovery using computational and experimental approaches in accredited international journals. And yet she is determined to go beyond just publications. Her dream is translating discovery in her lab into actual products that can efficiently treat cancer and other common diseases in Vietnam.
Mời bạn đọc cùng theo dõi động lực và hành trình của nữ khoa học gia cần mẫn và nhiều đam mê này.
Chào chị Lý, được biết chị đã hoàn tất một trong những chương trình đào tạo Tiến sĩ Hóa học tốt nhất nước Mỹ ở Đại học Utah, chị còn có trong tay rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học xuất bản trên các tạp chí uy tín trong ngành như Tạp chí Hóa học Hữu cơ (Journal of Organic Chemistry) – Hệ số ảnh hưởng (Impact Factor) lên tới 4.72 nên cơ hội ở lại và làm việc chắc cũng rất nhiều? Vậy điều gì đã thôi thúc chị trở về Việt Nam?
PGS Lê Thị Lý: Cảm ơn Tạp chí Khoa học Việt Nam đã mời tôi chia sẻ về câu chuyện của mình. Khi tôi theo học ở Mỹ đã có cơ hội kết nối với khá nhiều giáo sư ở những đại học lớn thông qua những lần đi dự hội thảo hay hợp tác nghiên cứu, điển hình nhất là đại học Illinois tại thành phố Urbana Champaign. Tôi đã ngỏ lời tìm hiểu và cũng có được những cơ hội làm nghiên cứu sau Tiến sĩ. Nhưng ngay thời điểm năm 2009, khi gần tốt nghiệp, tôi tham dự hội thảo thường niên của Quỹ Giáo Dục Việt Nam (VEF) và được nghe những chia sẻ về các hướng phát triển mới của Đại học Quốc Tế (ĐHQT) – Tp.Hồ Chí Minh từ chính thầy Hiệu trưởng – Giáo sư Hồ Thanh Phong. Thầy cũng thông báo trường đang tuyển giảng viên, nghiên cứu viên để thành lập các hướng nghiên cứu mới. Mặc dù chuyên ngành Tiến sĩ của tôi là Hóa học, hầu hết các đề tài nghiên cứu của tôi lại thiên về hướng Sinh – Tin học – là một trong những lĩnh vực mũi nhọn mà ĐHQT muốn đầu tư phát triển. Cảm thấy đây là một cơ hội rất tốt để đóng góp cho nền khoa học nước nhà, tôi quyết định về trường và tính tới nay thì tôi đã công tác ở ĐHQT được hơn 5 năm.
Chị có thể chia sẻ về điều kiện công tác khi chị quyết định quay về Việt Nam?
PGS Lê Thị Lý: Khi về Việt Nam không lâu là tôi…sinh bé đầu tiên (mỉm cười), nên công việc cũng có chút gián đoạn. May mắn là tôi chọn hướng nghiên cứu thiên về mô phỏng và tính toán nên có thể sớm quay lại công việc sau khi sinh bé. Cụ thể hơn, nhóm tôi theo đuổi lĩnh vực “ứng dụng Tin Sinh Học trong Phát Triển Dược phẩm mới”. Đây là một trong những hướng nghiên cứu có ý nghĩa rất lớn tại Việt Nam vì nước ta có nguồn dược liệu truyền thống khá phong phú mà lại chưa được nghiên cứu sâu bằng các kỹ thuật hiện đại và đưa vào ứng dụng. Bên cạnh đó, hướng đi này cũng không đòi hỏi quá nhiều trang thiết bị máy móc đắt tiền, lại còn phát huy được tư duy nghiên cứu và sự chủ động của các bạn sinh viên.
Điểm thuận lợi tiếp theo là sự hỗ trợ từ trường ĐHQT. Không chỉ thành lập quỹ nghiên cứu ban đầu và phòng ốc, trường còn tạo điều kiện tối đa giúp tôi tìm được các nguồn tài trợ từ Quỹ nghiên cứu Hải Quân Hoa Kỳ và nhất là quỹ NAFOSTED. Nhóm nghiên cứu được xây dựng ngay từ khi tôi chính thức giảng dạy tại trường. Môi trường làm việc ở đây rất năng động, cởi mở và mức lương ổn định. Thêm nữa, nhà trường luôn chủ động kết nối các doanh nghiệp, quỹ đầu tư với giảng viên để thúc đẩy các nghiên cứu mang tính thực tiễn và thu hút thêm kinh phí cho khoa học.
Việc cộng tác với các tổ chức nghiên cứu khác trong nước cũng đóng vài trò quan trọng trong công việc của tôi. Tôi nhận được nhiều hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM thông qua công tác nghiên cứu với phòng Khoa Học Sự Sống của Viện Khoa Học và Công Nghệ Tính Toán (ICST). Một yếu tố nữa không kém phần quan trọng khác là hiện nay ở Việt Nam đã bắt đầu có nhiều nhà nghiên cứu trẻ, năng động, nên cơ hội hợp tác để thực hiện những đề tài đa ngành cũng dần cao hơn.
Những chia sẻ của chị thực sự tạo động lực để các khoa học gia trở về nước công tác vì môi trường nghiên cứu bây giờ đã có nhiều đổi mới. Thuận lợi là vậy, nhưng chắc chị cũng có gặp không ít khó khăn hay thử thách?
PGS Lê Thị Lý: Trong khoảng thời gian đầu, tôi nộp hồ sơ xin kinh phí tại nhiều nơi khác nhau nhưng liên tục thất bại. Chỉ với 400 triệu ngân quỹ, tôi phải trang trải cho việc xây dựng nhóm nghiên cứu trong 3 năm, hỗ trợ sinh viên để các bạn có thể yên tâm làm nghiên cứu và gửi các bạn qua nước ngoài học tập để liên tục cập nhật những kỹ thuật mới. Ngoài chuyện kinh phí, việc công bố các nghiên cứu cũng là một thử thách lớn. Nếu ở Mỹ nộp bản thảo và xuất bản thuận lợi bao nhiêu thì ở Việt Nam khó bấy nhiêu. Thứ nhất là do sinh viên chưa có kĩ năng viết, nên tôi dành rất nhiều thời gian giúp các em sửa bản thảo, có lúc phải sửa hơn 10 lần mới nộp được. Sau này, khi nhóm dần ổn định rồi thì các bạn có kinh nghiệm nhiều hơn giúp tôi hướng dẫn cho những em sinh viên mới.
Thứ hai, tới khi hoàn thành bản thảo và gửi cho tạp chí rồi, do ngành của mình ở Việt Nam chưa có tên tuổi trên trường quốc tế nên các nhà biên tập rất khắt khe và liên tục trả về bài viết mà không gửi cho phản biện. Đôi khi phải bắt buộc nộp cho các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng thấp hơn mà không còn cách khác.
Bên cạnh đó, quy mô của nhóm nghiên cứu còn nhỏ, tôi lại thích hỗ trợ sinh viên đi du học nên đôi khi có nhiều ý tưởng cho các dự án lớn mà rất khó thực hiện vì thiếu nhân lực. Tôi cũng chủ động hợp tác với Đại học Y Dược và viện Khoa học Công nghệ Tính toán, tuy vậy vẫn khó để triển khai các đề tài mang tầm cỡ quốc gia để có thể thực sự chế tạo ra được dược phẩm mới. Hi vọng hướng nghiên cứu này sẽ sớm nhận được sự hỗ trợ và đầu tư có hệ thống của nhà nước cũng như của các doanh nghiệp.
Một khó khăn khác là tôi cũng phải dành nhiều thời gian cho giảng dạy và các công tác quan trọng khác như tuyển sinh, tổ chức hội thảo…Khó thì khó vậy, nhưng tôi đam mê cả việc dạy và làm khoa học nên luôn cố gắng dành thời gian tối đa có thể cho những công việc này.
Chủ đề Tìm kiếm và Sàng lọc Dược phẩm mới thật sự rất thú vị! Chị có thể miêu tả cụ thể hơn cách thức nghiên cứu của chị không?
PGS Lê Thị Lý: Nhóm của tôi kết hợp cả giữa việc sàng lọc dược phẩm trên máy tính và thử nghiệm trực tiếp bằng các phương pháp thực nghiệm. Việc ứng dụng các công nghệ sinh tin học giúp cho nhóm tiết kiệm thời gian, giới hạn lại các đối tượng có dược tính tốt cho loại bệnh mà nghiên cứu quan tâm. Sau khi có được các ứng cử viên tiềm năng rồi thì nhóm sẽ tìm hiểu các đặc tính hóa học và sinh học của các hợp chất này. Bước thứ hai này rất quan trọng và giúp tiến gần hơn tới việc phát hiện thuốc mới. Các cộng sự của nhóm tôi từ trường ĐH Y Dược sẽ giúp thử dược tính thực sự trên mô hình động vật. Trước đây tôi tập trung nghiên cứu để tìm dược liệu mới cho bệnh cúm A trên gia cầm và người, và hiện nay thì hướng tới hai nhóm bệnh rất phổ biến ở Việt Nam đó là ung thư và tiểu đường.
Trở thành Phó giáo sư và có những thành tựu trong nghiên cứu khoa học và đào tạo sinh viên khi tuổi đời còn rất trẻ. Theo chị, yếu tố nào đã giúp chị có được thành công như ngày hôm nay? Làm thế nào để chị cân bằng giữa gia đình và công việc?
PGS Lê Thị Lý: Tôi không nghĩ mình thành công hay quá xuất sắc đâu (mỉm cười). Điều mấu chốt là tôi rất thích dạy học và cũng rất yêu công việc nghiên cứu, nên khi làm những công việc này thì cảm thấy không quá nặng nhọc mà ngược lại rất hào hứng. Mỗi sáng thức dậy, ngay khi ra khỏi nhà trên đường đi đến trường là tôi lại nghĩ đến công việc, nảy ra các ý tưởng mới cho các đề tài của nhóm. Tôi cũng không dám tự nhận mình là người hoàn hảo, giỏi giang cả ngoài xã hội và trong gia đình. Song tôi luôn tâm niệm rằng phải đảm bảo những thứ cần thiết nhất cho con. Tôi cố gắng chăm sóc con khoa học và sắp xếp việc nhà hợp lý, tập cho các bé có tính tự lập, nấu những món ăn bổ dưỡng cho con nhưng không quá cầu kỳ và mất nhiều thời gian. May mắn hơn nữa là tôi luôn được gia đình nội ngoại hỗ trợ chăm sóc các bé khi đi công tác xa hay khi công việc quá căng thẳng.
Sau chặng đường 5 năm nhìn lại, chị có suy nghĩ và dự định như thế nào về tương lai?
PGS Lê Thị Lý: Sau 5 năm nhìn lại, tôi cảm thấy mình cần làm những việc thiết thực hơn nữa. Tôi và nhóm nghiên cứu tại trường ĐHQT muốn cộng tác với nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế để tạo ra những sản phẩm cụ thể phục vụ cho người dân Việt Nam thay vì chỉ là những bài báo nghiên cứu.
Chị có nhắn nhủ nào cho các nghiên cứu trẻ nếu như họ quyết định trở về Việt Nam?
PGS Lê Thị Lý: Mỗi người đều có một hướng đi, một lựa chọn riêng. Từ câu chuyện của mình, tôi nghĩ nếu các bạn quyết định quay về thì có lẽ nên về khi tuổi đời còn trẻ, khi sức còn dài và vai còn rộng, các bạn sẽ có những trải nghiệm rất thú vị. Bạn sẽ là chủ của chính mình, sẽ có đất rộng cho sự sáng tạo và khám phá. Sẽ có lúc thử nghiệm của bạn không thành công, nhưng không nên nản chí. Diện mạo khoa học Việt Nam đang thay đổi từng ngày, các bạn đừng ngại không gặp được những người giỏi và năng động như mình. Nếu có điều kiện thì các bạn nên đi làm nghiên cứu sau tiến sĩ chừng 2 năm để tích lũy thêm kinh nghiệm, rèn luyện các kĩ năng và tạo nên một mạng lưới các cộng sự thật vững chắc. Giữ những mối liên hệ này để bạn vẫn có bài báo xuất bản trong 1-2 năm đầu mới về nước, khi phòng thí nghiệm còn xây dựng dở dang. Chắc chắn bạn sẽ gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là điều kiện cơ sở vật chất, vậy nên hãy chọn cho mình một hướng nghiên cứu có ý nghĩa nhưng không quá phức tạp để thực hiện, phải đơn giản hóa phần nào các thí nghiệm của mình. Quan trọng hơn hết là tìm cách giữ được lửa đam mê, và tìm kiếm sinh viên kế thừa. Các sinh viên Việt Nam bây giờ rất giỏi, trong nhóm của tôi có những bạn xuất bản được tới 3 – 4 bài báo trên tạp chí uy tín. Tôi tin rằng với khả năng, niềm đam mê và quyết tâm của các bạn, nền khoa học Việt Nam sẽ sớm có những bước tiến dài.
Tạp chí khoa học Việt Nam rất cảm ơn những chia sẻ chân tình và hữu ích của PGS Lê Thị Lý. Chúc chị luôn thành công với những dự định của mình.
Theo VJSonline
Xem bài gốc tại đây