“Tôi nhìn thấy tiềm năng và niềm đam mê khoa học ở các bạn sinh viên trẻ. Nếu đặt các bạn trong một môi trường học tập và nghiên cứu khoa học tốt thì tôi không nghi ngờ gì về thành công của các bạn sau này“ – Phó giáo sư (Assistant professor) Ngô Vũ, hiện đang nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu và điều trị ung thư City of Hope – California của Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ trải lòng về quá trình học tập và nghiên cứu trên đất Mỹ và những chia sẻ về con đường đi đến thành công của mình.
Quá trình hoạt động khoa học và lĩnh vực nghiên cứu
PGS. Ngô Vũ nghiên cứu về ung thư máu, đặc biệt là quá trình tế bào B (một loại tế bào trong hệ miễn dịch) phát triển thành tế bào ung thư. Sử dụng kĩ thuật RNAi trên các dòng tế bào ung thư và mô hình chuột thí nghiệm, phó giáo sư cho rằng việc khám phá các con đường truyền tín hiệu bất thường trong tế bào ung thư sẽ giúp chúng ta xác định mục tiêu phân tử để phát triển thuốc chữa trị căn bệnh hiểm nghèo này
2010 – present, Assistant Professor, Division of Hematopoietic Stem Cell and Leukemia Research, Beckman Research Institute of City of Hope, Duarte, CA.
2007 – 2010, Staff Scientist, National Cancer Institute, National Institutes of Health, Bethesda, M.D.
2006 – 2007, Research Fellow, National Cancer Institute, National Institutes of Health, Bethesda, MD.
2001 – 2006, National Cancer Institute, National Institutes of Health, Bethesda, MD, Postdoctoral Fellow 2001, University of California, San Francisco, San Francisco, CA, Biomedical Sciences, Ph.D.
1994, University of California, Berkeley, Berkeley, CA, Molecular Cell Biology, B.A.
Các giải thưởng:
2014, Gabrielle’s Angel Foundation For Cancer Research Award
2012, American Society of Hematology Scholar Award
2012, Stop Cancer Award
2012, Margaret E. Early Medical Research Award
2011, Tim Nesvig Lymphoma Fellowship Award
2004 – 2006, National Institute of Health Cancer Research Training Award
2001 – 2004, Damon Runyon Cancer Research Postdoctoral Fellowship
Anh có thể giới thiệu qua đôi nét về bản thân và con đường đến với khoa học cũng như chuyên ngành ung thư anh đang theo đuổi.
Phó giáo sư Ngô Vũ: Sự thích thú mỗi khi tìm ra những điều mới mẻ và niềm đam mê lớn dần qua những năm tháng học tập ngành sinh học phân tử – tế bào đã đưa tôi đến với sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Tôi chọn ngành khoa học y sinh, đặc biệt là về tế bào miễn dịch và ung thư tế bào bạch cầu với mong muốn đóng góp cho lợi ích sức khoẻ của cộng đồng. Tôi hi vọng một ngày nào đó chúng ta có thể tìm ra phương pháp chữa trị hữu hiệu cho căn bệnh mà hiện nay vẫn chưa có trị liệu nào phát huy hiệu quả toàn diện
Anh có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn cũng như những kinh nghiệm khi học tập ở xứ người.
Rào cản ban đầu đối với các du học sinh Việt Nam khi sang Mỹ học tập đó là ngôn ngữ. Tuy nhiên bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc, học tập và làm việc trực tiếp với người bản xứ, và môi trường thuận lợi này sẽ giúp bạn vượt qua rào cản ngôn ngữ nhanh chóng.
Về việc học tập và nghiên cứu, ngoài việc hoà nhập vào môi trường mới, phương pháp học tập mới, cách tiếp cận vấn đề mới, các bạn cũng nên lựa chọn nhóm nghiên cứu và giáo sư hướng dẫn một cách cẩn thận vì đây sẽ là cánh cửa giúp bạn hướng đến con đường sự nghiệp sau này. Chủ đề nghiên cứu, quy mô phòng thí nghiệm, chất lượng công bố quốc tếcủa người hướng dẫn và tinh thần cộng tác với các nhóm nghiên cứu khác là các yếu tố cũng nên được cân nhắc.
Trong quãng thời gian họat động khoa học vừa qua, có những kỷ niệm nào là đáng nhớ nhất với anh?
Tôi nghiên cứu sâu về các con đường tín hiệu ở tế bào miễn dịch và ung thư. Các tín hiệu giữa các tế bào thường là phức tạp và muốn giải mã được thì cần đặt chúng vào môt bối cảnh tổng thể để tìm hiểu chứ không thể chỉ tìm hiểu từng tín hiệu riêng biệt. Lúc ấy các phương pháp nghiên cứu bộ gene (genomics) cũng mới vừa ra đời, nhưng chưa có một phương pháp nào thích hợp để xác định cùng một lúc chức năng của nhiều gene trong mạng lưới này. Tôi đã tự mình phát triển một phương pháp sử dụng thư viện phân tử RNA can thiệp (RNA interference), một kỹ thuật làm giảm thể hiện của gen. Ý tưởng này nảy sinh sau một thời gian tìm đọc các bài báo liên quan trong giai đoạn đang làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoctoral fellow). Một buổi trưa nọ vừa ăn trưa vừa đọc một bài báo, có một dòng chữ lướt qua đánh trúng ngay vào câu hỏi mà bấy lâu nay tôi chưa tìm được câu trả lời. Lúc ấy tôi chạy vào văn phòng giáo sư hướng dẫn và chia sẻ những gì vừa đọc. Một khoảnh khắc không lâu sau đó, chúng tôi nhìn nhau và biết là kiến thức mới này có thể giúp tôi tìm ra giải pháp cho đề án. Tôi nhớ những kỉ niệm như vậy giống như là những giây phút “eureka” của mình. Ngay hôm sau tôi bắt tay vào làm thí nghiệm theo hướng mới này và các câu hỏi tôi đặt ra được trả lời không lâu sau đó. Đề tài nghiên cứu đó ảnh hưởng đến cả chuỗi hoạt động nghiên cứu của tôi về sau. Một bài học ở đây là đừng ngần ngại tìm tòi sáng chế các công cụ và phương pháp mới vì những cơ hội này sẽ giúp bạn tích luỹ thêm nhiều kĩ năng nghiên cứu mới.
Anh đánh giá thế nào về tình hình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Anh có lời khuyên nào cho các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh đi sau trên con đường nghiên cứu khoa học.
Có thể nói nền khoa học ở Việt Nam đánh giá qua số lượng và chất lượng các tạp chí khoa học hay tầm ảnh hưởng của các tạp chí này vẫn còn khiêm tốn và phát triển chậm hơn so với các nước trong khu vực như Singapore hay Thái Lan. Việt Nam cần thời gian, nhân lực và tài chính và các chính sách khuyến khích phát triển khoa học để xây dựng một môi trường học thuật, hạ tầng cơ sở, va văn hoá khoa học thi mới theo kịp với các nước có nền khoa học phát triển như, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây như Hoa Kỳ.
Mặc dù đang làm việc tại Hoa Kỳ, tôi cũng có một vài cơ hội giúp các bạn trẻ có mong muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học như viết thư giới thiệu và ủng hộ khi các bạn nộp đơn vào các trường, viện nghiên cứu. Làm việc cùng các bạn sinh viên Việt Nam, tôi nhìn thấy tiềm năng và niềm đam mê khoa học ở các bạn. Nếu đặt các bạn trong một môi trường học tập và nghiên cứu khoa học tốt thì tôi không nghi ngờ gì về thành công sau này trên con đường các bạn đã chọn.
Một lời khuyên cho các bạn sinh viên là khi các bạn có điều kiện học tập và nghiên cứu trong một môi trường tiên tiến như ở Hoa Kỳ, ngoài chuyện phát triển kĩ năng làm khoa học, các bạn cũng nên trau dồi văn hoá khoa học, chẳng hạn như học cách tìm hiểu sâu vào một câu hỏi và dùng bằng chứng khách quan trong suy luận. Các bạn chính là nguồn lực con người quan trọng trong sự phát triển nền khoa học ở Việt Nam.
Anh có ý kiến, nhận xét gì về dự án Vietnam Journal of Science (VJS) mà cộng đồng nghiên cứu sinh và học giả VEFFA đang thực hiện
Tôi cho rằng đây là một dự án rất có ý nghĩa và cho thấy tâm huyết của các học giả, du học sinh Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) đối với nước nhà.
Nếu giai đoạn đầu tạp chí nhắm tới đối tượng độc giả phổ thông thì có một lưu ý là chủ đề các bài viết làm sao để phục vụ lợi ích cộng đồng hơn là những bài viết nghiêng về khoa học thuần tuý. Giai đoạn sau hướng đến đối tượng độc giả là nhà khoa học thì có thể chú trọng các bài báo nghiên cứu về sự liên kết hay so sánh tình hình một vấn đề (dịch tễ học, các phát minh có ứng dụng…) giữa trong nước và trên thế giới để các nhà khoa học trên thế giới có thể truy cập, phục vụ việc nghiên cứu giúp đỡ cộng đồng.
Chắc chắn bước đầu tạp chí sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng với ý tưởng và năng lực từ các bạn cộng với việc tham khảo ý kiến, đề nghị hay giúp đỡ từ các nhà khoa học có tên tuổi thì có thể đạt đến những thành công nhất định.
Xin trân trọng cảm ơn anh
Theo Visonline
Xem bài gốc tại đây