Nguyễn Hữu Cát Thư (26 tuổi, quê Ninh Thuận) là cô gái Việt Nam có vinh dự nhận được Cục thương hiệu và bản quyền sáng chế Mỹ cấp hai bằng sáng chế.
Tình yêu với khoa học công nghệ
Hẹn phỏng vấn, cô gái này ngay lập tức để lại ấn tượng với người viết vì những câu chuyện mà Cát Thư chia sẻ đều liên quan đến công nghệ, chế tạo, thể hiện bản thân cực say mê và yêu thích khoa học công nghệ.
Cát Thư cười bảo: “Chẳng hiểu vì sao bản thân lại có tình yêu với công nghệ, chế tạo nữa. Yêu là yêu thôi. Và chắc chắn tình yêu này sẽ là mãi mãi”.
Cũng vì tình yêu này mà Cát Thư bỏ ngoài tai những lời xì xầm như: “con gái sao lại theo đuổi khoa học công nghệ”, “con gái sao lại làm công việc nghiên cứu khô khan”… để quyết tâm theo đuổi đam mê khoa học công nghệ. “Những gì người ta khuyên ngăn nên từ bỏ, tìm việc phù hợp hơn…, tôi không bao giờ coi đó là rào cản, mà xem như là động lực để cố gắng hơn. Nếu người khác không theo đuổi, mà tôi theo đuổi, thế mới là hay, mới là đặc biệt. Và tôi muốn chứng minh con gái cũng có thể hoàn thành tốt những công việc liên quan đến công nghệ, chế tạo”, Cát Thư nói.
Tình yêu của cô gái người Ninh Thuận ngày càng sâu đậm hơn khi Cát Thư được nhận học bổng toàn phần chuyên ngành kỹ sư chế tạo của Học viện công nghệ Massachusetts MIT (Mỹ). Sau khi tốt nghiệp, Cát Thư là một trong hai sinh viên xuất sắc nhất được giữ lại tham gia điều hành lò nghiên cứu hạt nhân tại MIT.
Đây chính là lò hạt nhân cho mục đích nghiên cứu lớn thứ hai ở Mỹ.
Và điều Cát Thư muốn chứng minh đã trở thành hiện thực khi tham gia nghiên cứu thành công các thí nghiệm về cấu trúc thỏi nguyên liệu và tản nhiệt mới, cách xạ trị cho bệnh ung thư, chế tạo chất siêu dẫn được dùng vào việc chế tạo chip điện tử… Đặc biệt, Cát Thư có khá nhiều phát minh được đánh giá cao. Trong đó hai sản phẩm: thiết bị ngắt nước tự động và thiết bị ghế ngồi thông minh sửa tư thế đã được Cục thương hiệu và bản quyền sáng chế Mỹ cấp bằng sáng chế.
Đam mê sẽ thành công
Đầu năm 2014, Cát Thư quyết định về nước với mong muốn góp sức cho sự phát triển ngành khoa học công nghệ nước nhà. Đến tháng 2.2015, cô gái này đã được vinh danh trong danh sách 30 gương mặt trẻ trẻ nổi bật nhất Việt Nam do tạp chíForbes Việt Nam bầu chọn. “Tôi rất vinh dự khi được nêu tên cùng những bạn trẻ thành công. Thành công của tôi có lẽ là ở sự đam mê công nghệ, sáng chế, dám mạo hiểm và dám làm”, Cát Thư chia sẻ.
Theo Cát Thư, ngành khoa học công nghệ Việt Nam hiện nay chưa thể so bì với nhiều nước trên thế giới, vẫn có khoảng cách khá xa. Để có thể rút ngắn khoảng cách này đòi hỏi những người trẻ VN cần thay đổi về tư duy về khoa học công nghệ. Theo đó, thay vì cứ suy nghĩ “công nghệ” và “sáng chế” đều là về công cụ: các thiết bị mới, máy tính mới, ngôn ngữ lập trình mới… thì hãy chú trọng các yếu tố quan trọng hơn như: cách quan sát và giải quyết vấn đề, cách tư duy logic, cách học hỏi không ngừng, cách tự suy nghĩ chứ không đi theo số đông…
Và để ngày càng có nhiều người trẻ tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ hơn thì đừng bao giờ có quan niệm “con gái không nên tìm hiểu về khoa học”. “Bởi quan niệm ấy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về trí tuệ và tự do theo đuổi điều bản thân muốn. Tuy là con gái, nhưng nếu có tố chất phù hợp với khoa học, công nghệ thì hãy cứ theo đuổi rồi sẽ thành công”, Cát Thư nói. Cô gái này dẫn chứng khi học tập tại Học viện công nghệ Massachusetts MIT, trái với suy nghĩ của nhiều người, tỷ lệ nam nữ sinh viên là bằng nhau. Đáng chú ý, có rất nhiều nữ sinh viên cực kỳ thông minh, giỏi giang.
Hiện nay, ngoài công việc điều hành công ty về công nghệ và phát triển sản phẩm, Cát Thư còn tham gia nhiều dự án vì cộng đồng, với mong muốn truyền đạt những kinh nghiệm và kỹ năng của mình cho giới trẻ Việt Nam, giúp họ nâng cao kỹ năng và tư duy công nghệ.
Theo Thanh Niên
Xem bài gốc tại đây