“Quy trình tuyển nhân sự lập trình của Google chỉ đơn giản với 3 bước. Bảng điểm và bằng cấp không có nhiều giá trị với người tuyển dụng”, Nguyễn Thành Nhân, chia sẻ.
Từ Thung lũng Silicon (Mỹ), Nguyễn Thành Nhân, kỹ sư phần mềm của tập đoàn Google vừa trở về Việt Nam tham gia nhiều sự kiện tư vấn cho giới trẻ.
Đưa người Việt đến thung lũng Silicon
Với mong muốn có thêm nhiều người trẻ Việt được làm việc ở Google, Thành Nhân vừa tiếp nhận hồ sơ của 60 bạn trẻ và trao cơ hội thực tập tại Google cho 10 bạn trong số đó.
Chàng trai Google tiết lộ: “Trong số những người được chọn, có người là sinh viên đang học tại Bình Dương. Điều này cho thấy, người trẻ không cần phải du học cũng hoàn toàn đủ tố chất làm việc cho tập đoàn hàng đầu thế giới”.
Theo kỹ sư đang làm việc tại tập đoàn công nghệ số 1 thế giới này, việc tuyển dụng tại Google chỉ có 3 bước đơn giản, gồm: Nộp hồ sơ, phỏng vấn trực tuyến và phỏng vấn trước hội đồng. Tuy nhiên, tiếp cận được với sự kiện tuyển dụng của Google vẫn là điều khó khăn với nhiều bạn trẻ Việt Nam.
Vòng phỏng vấn tuyển dụng của Google nổi tiếng với những câu hỏi “hại não”. Nhưng thực tế không hề có đáp án duy nhất cho những câu hỏi này. Mỗi cách ứng viên trả lời sẽ cho thấy tố chất tư duy và vị trí công việc phù hợp với họ.
Trong cuộc nói chuyện giữa Nguyễn Thành Nhân với một số người bạn khởi nghiệp tại Hà Nội, mọi người đều đồng ý rằng, không có quá nhiều chênh lệch giữa việc đào tạo ngành công nghệ thông tin tại đại học ở Việt Nam và các nước phát triển.”Tuy nhiên, sinh viên ở Mỹ lợi thế khi có thể tham gia các buổi thực tập do những tập đoàn công nghệ lớn tổ chức”, Nguyễn Thành Nhân cho biết.
Công nghệ thông tin (IT) vốn là lĩnh vực biến đổi từng ngày khiến hệ thống giáo trình, lý thuyết về ngành học này nhanh chóng bị lỗi thời. Những người thực sự đam mê IT phải có khả năng tự học, đào bới kiến thức, chủ yếu thông qua Internet.
Tại Google, cụm từ “đại học” thậm chí còn không phải một tiêu chí tuyển dụng. Trong bối cảnh những khoá học đại học và dạy nghề trực tuyến ngày càng phổ biến, đang có rất nhiều người sở hữu động lực và khả năng tự trau dồi những kỹ năng làm việc cần thiết.
“Không quan trọng bạn có bằng cấp gì, nhưng hãy chắc chắn kiến thức toán của mình phải thật tốt. Đây là nền tảng để làm tốt chuyên môn lập trình, cũng như dễ dàng học thêm những kiến thức kinh doanh, khởi nghiệp”, chàng trai sinh năm 1983 chia sẻ.
Theo kỹ sư của Google này, bên cạnh chuyên môn lập trình, tư duy về kinh doanh, khởi nghiệp cũng rất quan trọng để làm việc tại các tập đoàn công nghệ.
Nước nhà cần nhân lực công nghệ trẻ
Thành danh tại tập đoàn hàng đầu thế giới, Nguyễn Thành Nhân đã nhiều lần dự định sẽ trở về Việt Nam để góp sức đào tạo nhân lực trẻ cho lĩnh vực công nghệ của nước nhà. Anh đặc biệt hứng thú với những bạn trẻ đang làm dự án khởi nghiệp (start up) trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
“Thế hệ trẻ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển. Mỗi người nên tìm cho mình môi trường tốt để phát huy tiềm năng đó”, cựu sinh viên Đại học Simon Fraser, Canada, khẳng định.
Thành Nhân cho biết, tốt nghiệp đại học, anh từng làm việc cho Chai Labs – một công ty khởi nghiệp nổi tiếng (sau này được Facebook mua lại). Tư duy khởi nghiệp cũng hình thành trong anh từ đó đến suốt quá trình làm kỹ sư phần mềm ở Google.
Sau một thời gian dài làm việc ở nước ngoài, chứng kiến nhiều thăng trầm của các tập đoàn khởi nghiệp lớn và nhỏ, Nguyễn Thành Nhân dự định sẽ phát triển lĩnh vực giáo dục khởi nghiệp ở Việt Nam với ý tưởng về một trường khởi nghiệp.
Hiện tại “chàng trai Google” cùng vợ và hai con vẫn đang định cư tại thung lũng Silicon, nơi đặt trụ sở của những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Nguyễn Thành Nhân sinh năm 1983, tốt nghiệp Đại học Simon Fraser, Canada, từng giành rất nhiều giải thưởng về toán học, tin học, khoa học công nghệ từ khi còn là học sinh trong nước và cả khi du học.
Năm 2008, Nhân thực tập tại Google ở thung lũng Silicon của Mỹ. Khi đó, hai trong bốn người phỏng vấn đã viết thư thuyết phục Nhân ở lại Google với lý do “kỹ năng của bạn sẽ phục vụ được rất nhiều người trên thế giới”. Tuy nhiên, anh chọn Chai Labs, một công ty công nghệ cao về ứng dụng Internet, trụ sở ở Mỹ để vừa sức khởi nghiệp.
Năm 2010, Chai Labs từ một công ty mới thành lập đã vươn lên và được Facebook mua lại. Năm 2010, Nhân quyết định trở lại đầu quân cho Google.
Qua hơn một năm làm việc, Nhân được nhận hai bằng khen vì thành tích làm tăng doanh thu cho Google. Ngoài ra, giám đốc tài chính còn viết thư khen “mức tiến bộ đột phá của nhóm Nhân là nguồn gốc sự phát triển của Google”.
Theo ZIng
Xem bài gốc tai đây