Được ra đời dựa trên cảm hứng toa tàu hạnh phúc của trẻ em Nhật Bản trong tác phẩm “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” (Kuroyanagi Tetsuko), “Toa Tàu” là một tổ hợp (hub) nơi kết nối các hoạt động nghệ thuật và sáng tạo thu hút trong cộng đồng giới trẻ trong nước như Vẽ Kể Chuyện, Chụp Ảnh Kể Chuyện, Ukulele, Khám Phá Hình Ảnh cho trẻ em… Hotcourses Vietnam đã có dịp phỏng vấn anh Bút Chì, một trong những người đồng sáng lập của Toa Tàu và cũng là một cựu du học sinh Mỹ bằng học bổng Fulbright danh giá.
“HÃY ĐAM MÊ VÀ THEO ĐUỔI ĐẾN CÙNG. NGƯỜI CẤP HỌC BỔNG NHÌN ĐƯỢC ĐIỀU ĐÓ”
Điều gì đưa anh đến quyết định nộp đơn xin học bổng để học Thạc sỹ chuyên ngành Truyện tranh (Sequential Art)? Tại sao anh lại lựa chọn Fulbright?
Vì trở thành hoạ sĩ truyện tranh là ước mơ từ bé của mình. Và các kinh nghiệm làm việc (minh hoạ, thiết kế) của mình cũng phù hợp với việc đăng ký vào ngành này.
Mình chọn Fulbright vì nó xuất hiện đúng thời điểm và vì mình cũng chưa thấy học bổng nào khác hỗ trợ ngành nghệ thuật. Thực ra năm 2011 (năm mình được học bổng) là năm đầu tiên Fulbright trao học bổng ngành nghệ thuật. Nghĩ lại đó thật là một mối duyên may của mình.
Nếu không trở lại Đại học Kiến trúc sau thời gian bảo lưu để hoàn tất khóa học đại học trong nước, anh có nghĩ mình sẽ có cơ hội nhận Fulbright không?
Tất nhiên là không rồi vì Fulbright chỉ trao học bổng thạc sĩ và yêu cầu có bằng đại học. Tất nhiên là ở thời điểm xin học bổng mình đã có hơn hai năm kinh nghiệm làm việc (một yêu cầu khác của Fulbright) nhưng thành tựu nổi bật thì chưa có gì nhiều. Mình nghĩ Fulbright tuyển chọn ứng viên dựa theo tiềm năng của họ hơn là những việc họ đã làm.
Anh đã chủ động chọn Savannah College of Art and Design (SCAD) hay có một yếu tố nào khác quyết định mối duyên này? Ở Mỹ có những trường nào nổi bật về ngành vẽ truyện tranh?
SCAD là một trong số ít các trường có khoa truyện tranh (Sequential Art Department) ở Mỹ. Ngoài ra thì có một số yếu tố tác động đến việc phân bổ sinh viên Fulbright đến các trường như vị trí địa lý (vì mục tiêu trao đổi văn hoá, Fulbright muốn sinh viên toả ra chứ không chỉ tập trung vào một vài bang nhất định), thoả thuận chia sẻ chi phí của Fulbright với trường (share cost)…
Ở Mỹ có SCAD và trường School of Visual Art (SVA) ở New York là hai trường nổi bật nhất.
Yêu cầu đầu vào của chương trình đào tạo của anh ra sao? Khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhiệm những công việc gì?
Yêu cầu là portfolio và điểm GRE. Vẽ truyện tranh là một ngành rất hẹp và ngày càng bị cạnh tranh bởi các phương triện giải trí khác, không phải ai cũng sống được bằng nghề. Nên lúc học xong mỗi người lại đi theo một hướng có liên quan đến vẽ mà mình thấy phù hợp nhất. Như mình hiện tại thì là dạy vẽ và dạy sáng tạo.
Anh có thể chia sẻ nhiều hơn về nội dung khóa học của mình? Có môn học nào anh đặc biệt thích?
Khoá học của mình gồm các môn xoay quanh việc sử dụng ngôn ngữ hình ảnh để kể chuyện, từ việc vẽ đến viết kịch bản, xây dựng nhân vật. Mình thích các môn liên quan đến vẽ, mình thu được nhiều kinh nghiệm cho quá trình giảng dạy sau này
« RA NƯỚC NGOÀI HỌC, VỚI MÌNH, VIỆC « SỐNG » QUAN TRỌNG HƠN ĐẾN TRƯỜNG »
Anh kì vọng vào điều gì nhất trước khi sang Mỹ du học? Nước Mỹ có thỏa mãn được kì vọng đó trong anh?
Mình kỳ vọng vào các trải nghiệm mới, mở rộng cách tư duy và cách sống. Nước Mỹ đã tạo điều kiện rất tốt để mình đạt được điều mình muốn, cho dù mình phải thực sự nỗ lực thì mới có được điều đó.
Trong buổi tọa đàm “Chọn nghệ thuật để hạnh phúc” diễn ra ở trường Đại học Đông Á mới đây, anh chia sẻ rằng thời du học anh rất hay lang thang trò chuyện với những người nghệ sĩ đường phố. Trải nghiệm này mang lại cho anh điều gì?
Mình thích việc ra ngoài trải nghiệm và tương tác với mọi người hơn là ở trong lớp hoặc thư viện. Những người mình gặp kể cho mình nghe rất nhiều chuyện, dạy cho mình nhiều điều. Có người bày cho mình làm hoa hồng bằng lá cọ, có người kể về hành trình nhập cư của họ, có người bày cho mình các “mánh” thuê nhà giá rẻ. Mình hiểu và yêu nước Mỹ hơn nhờ quá trình “lang thang” này.
Anh nghĩ lợi thế của việc sang Mỹ nói riêng và ra nước ngoài nói chung học chuyên ngành Truyện tranh là gì? Bản thân việc “lên đường” có giá trị ra sao đối với việc học
Mình thấy việc sống và trải nghiệm ở Mỹ hai năm có giá trị lớn với mình, còn kiến thức chuyên môn về truyện tranh chỉ là phần “bonus” chứ không phải phần chính. Về việc ra nước ngoài học, đối với mình việc “sống” quan trọng hơn là việc đến trường. Tất nhiên việc này còn tuỳ ngành và tuỳ quan điểm sống của mỗi người.
Là người đã có kinh nghiệm học tập trong cả hai môi trường giáo dục trong nước và quốc tế, anh có thể chia sẻ khác biệt lớn nhất giữa hai môi trường?
Khác biệt lớn nhất là môi trường tương tác trong lớp học và sự chủ động của người học. Ví dụ trong chương trình thạc sĩ của mình thì mỗi tuần chỉ học tại lớp tối đa 4 buổi, còn lại là tự nghiên cứu. Ở lớp, việc học diễn ra trong sự tương tác và làm việc chung của mọi người chứ không phải là thầy giảng – trò ghi chép.
Anh có lời khuyên nào cho các bạn đam mê và muốn theo đuổi lĩnh vực truyện tranh nói riêng và nghệ thuật nói chung
Cần hết sức kiên nhẫn – đường dài lắm :-). sẽ vui, đừng lo.
Hãy thử tưởng tượng xem, nếu không trở về Việt Nam mở Toa Tàu mà ở lại nước ngoài, anh sẽ như thế nào lúc này nhỉ?
Mình không biết nữa, chắc là vẫn đang đi lang thang 😀
Năm 2016, Toa Tàu có kế hoạch gì không ?
Bọn mình có một kế hoạch với rất nhiều hoạt động cho trẻ em và cộng đồng trong năm 2016. Năm tới sẽ là một năm bận rộn của bọn mình. 🙂
Cám ơn “người lái tàu” và chúc anh nhiều hành trình cảm hứng trong năm mới!
Theo Hotcuorse
Xem bài gốc tại đây