Sinh ra ở Hà Nội, từ nhỏ, Ngô Đạt Nghĩa đã hình thành cho mình thói quen trau dồi ngoại ngữ. Ngoài các tiết dạy trên lớp, Nghĩa còn được mẹ hướng dẫn cách học ở nhà và đăng ký học thêm ở các trung tâm Anh ngữ.
Là học sinh chuyên Anh và luôn đứng nhất nhì lớp về kết quả học tập, thế nhưng, cả hai lần đặt chân đến nước khác du học, Nghĩa đều bị sốc tiếng Anh vì mỗi nơi có cách dùng khác nhau.
Lần thứ nhất là vào đầu năm lớp 9. Khi chuẩn bị xong mọi thứ, chàng trai 15 tuổi một mình tới Singapore theo đuổi giấc mơ học tập ở nước ngoài. Ngay khi sang tới đảo quốc sư tử, nam sinh trung học bị choáng bởi ngôn ngữ tiếng Anh bồi (Singlish) với cách nói nhanh gọn không theo ngữ pháp hoặc trật tự câu chính xác. Ví dụ khi hỏi “bạn đã ăn tối chưa?”, người Việt thường hay nói đúng chuẩn là Have you had your dinner nhưng Singapore thường rút ngắn lại còn You eat already. Với cách nói này, nếu không để ý, nhiều người không thể hiểu được.
Hơn nữa, dân Singapore chủ yếu là người Hoa nên họ còn thêm nhiều từ không có trong từ điển vào câu nói như: leh, lah, loh… (giống từ thế hả, thế đó, mà… của người Việt).
“Ở Việt Nam, cách dạy tiếng Anh còn đặt nặng vấn đề ngữ pháp, nên ra nước ngoài, em cứ phải cố lắp ráp từ cho đúng ngữ pháp để nói”, Nghĩa chia sẻ và cho rằng cách dạy ở Việt Nam thường quá chú trọng về phần ngữ pháp, mà không tạo điều kiện cho học sinh giao tiếp.
Tự ti với khả năng tiếng Anh của mình thời gian đầu, Nghĩa gần như không giao tiếp với ai vì sợ phát âm sai. Nam sinh cũng rất khó khăn để nói cho người khác hiểu ý của mình. Vì vậy, Nghĩa gặp không ít trở ngại trong việc giao tiếp và học tập, nhất là đối với môn tiếng Anh và các môn xã hội.
Chàng trai Hà Nội sau đó phải cố gắng hòa nhập bằng cách học lại ngoại ngữ theo kiểu người Singapore. “May là ở nước này, họ cũng nói tiếng Anh chậm nên sau một thời gian luyện tập, em đã có thể nghe và nói được theo họ”, Nghĩa chia sẻ.
Sau 6 năm học ở Singapore, cầm trong tay tấm bằng IELTS 8.0, Nghĩa khá tự tin về khả năng ngoại ngữ của mình nhưng nam du học sinh thêm một lần nữa bị “sốc” ngôn ngữ khi sang Anh quốc. Theo học tại Đại học Birmingham, Vương quốc Anh, ban đầu, Nghĩa gần như không hiểu cách sử dụng tiếng Anh của người bản địa nơi đây.
“Từ trước tới giờ, em chủ yếu giao tiếp tiếng Anh bằng giọng Anh – Mỹ nên khi nghe người dân bản địa nói giọng Anh – Anh và nói rất nhanh nên không thể nghe và hiểu được, ngay cả khi lên lớp”, Nghĩa nhớ lại.
Kể về những sự cố do ngôn ngữ, Nghĩa cho biết không ít lần đặt nhầm hàng vì có nhiều từ phát âm khá giống nhau. Trong một lần đi ăn nhà hàng ở Anh, sau khi gọi steak (bò bít tết) thì nhân viên lại mang stick (bò xiên) ra.
Chia sẻ thêm về ngôn ngữ Anh – Anh, nam sinh cho rằng người Anh rất coi trọng phép lịch sự nên từ please (làm ơn) được dùng thường xuyên, họ cũng hay dùng từ lovely thay vì dùng từ great khi thán phục cái gì đó.
Nghĩa đã mất một thời gian dài để tập quen giọng bản địa, cậu thường chú ý mọi người hay dùng từ nào hoặc ý nghĩa của mỗi từ để học cách đặt câu. Mỗi lần đi siêu thị hay giao tiếp, Nghĩa cũng thường dùng những từ đã học được để ứng dụng. Ngoài ra, anh chàng còn dành nhiều thời gian để xem các chương trình của nước Anh trên BBC hay đọc báo để tìm hiểu phong cách ngôn ngữ của người dân bản địa.
Theo Vnexpress
Xem bài gốc tại đây