Là một trong 6 mô hình kinh doanh xuất sắc lọt vòng chung kết, nhà nổi chống lũ của đội Maru được đánh giá là ý tưởng kinh doanh độc đáo, chưa có đối thủ cạnh tranh trên thị trường và có ảnh hưởng to lớn đến cộng đồng.
Vòng bán kết cuộc thi ý tưởng kinh doanh cho người Việt trẻ khắp thế giới VietChallenge đã diễn ra qua Google Hangout và Skype ngày 28/2. Mỗi đội có 5 phút để thuyết trình mô hình kinh doanh của mình và 5 phút để trả lời các câu hỏi của ban giám khảo. Từ 21 đội thi, 6 đội xuất sắc nhất đã được lựa chọn để bước tiếp vào vòng Chung kết được tổ chức ngày 1/4 tại Đại học MIT, Mỹ.
Sau quá trình cân nhắc kĩ lưỡng, hội đồng ban giám khảo VietChallenge đã lựa chọn 5 đội: Biforst Biotech – thiết bị y tế hỗ trợ cột sống, EzTeam – website thương mại điện tử về nội thất, Maru – mô hình nhà nổi cho người dân vùng lũ, WeaveMed – sổ y bạ điện tử quốc tế và Interactive Case – phần mềm học kinh doanh chuyên nghiệp.
Các ý tưởng được chấm dựa trên ba tiêu chí: ý tưởng kinh doanh, kĩ năng thuyết trình và hồ sơ các thí sinh. Với đội WeaveMed, ban giám khảo nhận xét “sổ y bạ điện tử quốc tế” là một ý tưởng tốt và quan trọng cho xã hội. Tuy nhiên, về mặt thực hiện hoá ý tưởng, ngoài việc cần kĩ năng quảng bá tốt thì việc xây dựng quan hệ để nhận được sự đồng ý của cơ quan ban ngành cũng là một trở ngại lớn.
Interactive Case với “phần mềm học kinh doanh” được đánh giá rằng có tiềm năng trở thành một mô hình kinh doanh chuyên nghiệp bởi một số công ty trong cùng thị trường cũng đã có những thành công nhất định. Thế nhưng, việc biến một ý tưởng thành hiện thực cần nhiều hơn là một ví dụ thành công.
Khác với Interactive Case, đội Maru với mô hình “nhà nổi chống lũ” chưa có những đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Mô hình nhà nổi chống lũ với giá thành rẻ có thể không có doanh thu khủng như những startup công nghệ, nhưng sẽ là một trong những ý tưởng có ảnh hưởng to lớn đến cộng đồng.
EZ team biết cách kết hợp khéo léo giữa công nghệ và kinh doanh khi tạo ra website có nền tảng công nghệ 3D giúp việc mua bán nội thất dễ dàng và tiện lợi. Ban giám khảo cho rằng EZ team cần có một số thay đổi nhỏ trong hướng đi và rất nhiều nỗ lực để trở thành startup thành công.
Không chỉ có EZ team, Bifrost cũng nhận được những lời khen về tính thiết thực và yếu tố kĩ thuật cao. Trông xu thế môi trường làm việc yêu cầu con người ngồi quá lâu, các thiết bị hỗ trợ cột sống và tư thế sẽ có thế mạnh về nhu cầu. Điểm mà đội Biforst cần chú ý chính là tìm ra điểm mạnh và tính đặc biệt của mình để cạnh tranh với những sản phẩm khác trên thị trường.
Đội thứ 6 thắng giải Khán giả Bình chọn để được đi tiếp vào vòng trong là đội Sugoi với mô hình ứng dụng điện thoại học tiếng Nhật.
Vòng Chung Kết sẽ được tổ chức tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào ngày 1/4 tới. Đặc biệt, đại sứ toàn quyền đặc mệnh Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, bà Nguyễn Phương Nga, sẽ phát biểu mở màn trong đêm chung kết.
Bên cạnh đó, chị Helen Bùi, người sáng lập và giám đốc điều hành công ty Stash-it, cựu Phó Chủ tịch của News Corp và cựu Giám đốc điều hành của Wall Street Journal, cũng sẽ tham dự và có một bài phát biểu tâm huyết dành cho các thí sinh. Đây là niềm vinh dự của các đội thi khi được tiếp xúc và lắng nghe những lời khuyên từ những nhân vật quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Đứng trước vòng Chung kết hứa hẹn đầy gay cấn, các đội thi đang gấp rút chuẩn bị cho vòng chung kết với sự hướng dẫn và cố vấn từ anh Nguyễn Tiến Anh, phó chủ tịch tài chính công ty UserTesting (Mỹ).
Theo Dân Trí
Xem bài gốc tại đây