Tại CES Asia 2016 năm nay, chúng tôi đã may mắn được phỏng vấn ông John Kelly, Giám đốc CES Asia.
Bên cạnh CES tại Las Vegas diễn ra thường niên vào tháng 1 hàng năm, CES Asia cũng là một sự kiện hấp dẫn không kém, hướng tới thị trường công nghệ Châu Á nói chung. Tại CES Asia 2016 năm nay, chúng tôi đã may mắn được phỏng vấn ông John Kelly, Giám đốc CES Asia.
Điều thú vị là ngoài những thông tin, xu hướng liên quan tới các công ty công nghệ Việt Nam, ông John Kelly còn tỏ ra rất sành sỏi về Bphone – chiếc điện thoại siêu phẩm của người Việt.
PV: Thị trường Việt Nam có vị trí quan trọng như thế nào đối với CES Châu Á? Ông có thể cho biết thông tin về những doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham dự CES Châu Á 2016 không?
Đông Nam Á nói chung và đặc biệt là đặc biệt là Việt Nam nói riêng, là khu vực chúng tôi đang muốn khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tham gia cả CES Châu Á và CES tại Las Vegas. Lý do là vì, triển vong nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng đi lên với nhiều dấu hiệu tích cực, với sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp mới.
Việt Nam đang giữ vị thế dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực đầu tư và phát triển các công ty khởi nghiệp – rất nhiều nhà đầu tư đã thấy được tiềm năng của những công ty khởi nghiệp tại Việt Nam. Hiện nay, khoảng 2% đơn vị tham gia triển lãm tại CES Châu Á đến từ Đông Nam Á, tuy nhiên, chúng tôi rất muốn con số này tiếp tục tăng trưởng hơn nữa.
PV: Theo quan điểm của ông, đâu là điểm mạnh và điểm yếu của những công ty công nghệ mới tại Việt Nam?
Quỹ 500 Công ty Khởi Nghiệp tại thung lũng Silicon vừa công bố kế hoạch đầu tư nguồn vốn tương đương 10 triệu đô-la Mỹ vào các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam. Đây chỉ là một trong những ví dụ điển hình trong việc thúc đẩy thành công của những công ty khởi nghiệp tại Việt Nam – một trong ba quốc gia đáng để đầu tư theo tờ US Today.
Theo bản báo cáo của FutureReady Singapore, tờ báo thuộc Hiệp hội Phát triển Kinh tế Singapore, được nhận định sẽ là nền kinh tế khu vực phát triển nhanh nhất trong thế kỉ tới, 600 triệu người tại khu vực Đông Nam Á đang xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh phát triển nhanh chóng, và hiện đã thu được tổng giá trị khởi nghiệp lên tới 1 tỷ đôla Mỹ.
Chúng tôi rất vui mừng vì được tham gia vào quá trình phát triển bùng nổ này. Đây là lí do tại sao năm nay, chúng tôi đã xây dựng một khu riêng tại CES Châu Á mang tên Khu Khởi nghiệp. Được thiết kế dựa vào mô hình Khu Eureka tại CES, Khu Khởi nghiệp sẽ bao gồm nhiều sản phẩm, dịch vụ, ý tưởng mới từ những công ty khởi nghiệp đang kiếm tìm vị thế của mình trong thị trường phát triển nhanh chóng tại Châu Á.
Những công ty khởi nghiệp tại Việt Nam rất nhiệt huyết với những gì mình đạt được. Dựa vào những cuộc trao đổi của tôi với các nhà khởi nghiệp tại đây, tôi nhận ra rằng mục tiêu thiết yếu của họ là tạo nên những giá trị tốt đẹp hơn cho người dùng Việt, thay đổi mọi quy trình có thể, để gia tăng sự thuận tiện cũng như tin tưởng của khách hàng.
Nhiều người, trong đó có những người trở về từ nước ngoài, đã mang về nhiều ý tưởng sáng tạo và cũng cực kì nhiệt huyết với việc cải thiện cuộc sống tại Việt Nam. Niềm tin này, quan trọng hơn cả những giá trị kinh tế họ có thể thu được, chính là điều đã động lực và là tố chất quan trọng những người đang trong quá trình tìm tòi về khởi nghiệp có thể học hỏi.
Mặc dù có một tiềm năng to lớn trong quá trình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, điều quan trọng là họ phải có đủ tham vọng trên con đường của mình.
PV: Ông đã bao giờ nghe tới Bphone (một sản phẩm điện thoại thông minh của Việt Nam) hay chưa? Nếu có, ông có thể chia sẻ ý kiến của mình về sản phẩm này và tiềm năng phát triển của nó được không? Ông có nghĩ rằng các thương hiệu điện thoại thông minh nội địa như Bphone có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu (bên cạnh các đối thủ lớn như Samsung, iPhone hay HTC) được không?
Điện thoại thông minh đang có mặt tại khắp mọi nơi và chúng tôi rất tự hào được tham dự buổi ra mắt sản phẩm Bphone tại CES 2015 tại Las Vegas. Dòng điện thoại thông minh xuất xứ từ Việt Nam này tự hào là “điện thoại thông minh tốt nhất thế giới” và là một thành quả đáng khích lệ mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực công nghệ cao.
Điều này đã chứng tỏ được tầm quan trọng ngày càng nâng cao của Việt Nam trong vai trò không chỉ là một công xưởng của thế giới, mà còn là cái nôi của nhiều nhà sáng tạo. Khi thị trường dường như đang bão hoà với nhiều nhãn hiệu điện thoại khác nhau, khả năng cạnh tranh, đổi mới và thay đổi thị trường luôn tồn tại. Bằng chứng là sự thành công của điện thoại Xiaomi tại Trung Quốc và nước ngoài.
PV: Theo ông, các chiến lược quan trọng cho các công ty công nghệ Việt mới khởi nghiệp ra thế giới là gì?
Hiện nay, Việt Nam đang chuyển mình. Từ thu hút chủ yếu các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, Việt Nam đang ngày một hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài, với nguồn lao động trẻ giá rẻ và nhiệt huyết.
Một cách để các công ty Việt mới khởi nghiệp có thể mở rộng thị trường ra toàn thế giới là tận dụng những các cơ hội kết nối và liên hệ với các công ty mới khởi nghiệp đầy tham vọng trên toàn thế giới khác, cũng như với các doanh nhân hay nhà đầu tư cá nhân (angel investor). Khu Khởi Nghiệp tại CES Châu Á chính là nơi tạo điều kiện cho họ. Những cơ hội như vậy có thể giúp xây dựng tên tuổi của Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như cho phép các doanh nhân Việt có cái nhìn tổng quan về thực trạng thị trường trên thế giới.
Tham dự những sự kiện như CES Châu Á nói riêng hay CES nói chung cũng đòi hỏi người tham gia phải hiểu biết cơ bản về tiếp thị marketing và phương thức tương tác với các nhà đầu tư tiềm năng, các phương tiện truyền thông toàn cầu cũng như các bên liên quan khác trong ngành. Các công ty cần biết tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có của mình để học hỏi các kỹ năng này nhằm tối đa hoá cơ hội của họ.
Đồng thời, chỉ khu vực tư nhân không thể “làm nên mùa xuân”. Cần phải có thêm những pháp chế, quy định, nghị quyết khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như những ý tưởng công nghệ và phát minh mới giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Cuối cùng, tôi nghĩ các công ty mới khởi nghiệp đừng nên lo sợ thất bại. Chấp nhận rủi ro là một phần của cả quá trình kinh doanh và đôi khi bạn học được nhiều hơn từ những thất bại của mình. Kể cả Steve Jobs cũng đã có vài lần vấp ngã.
Xin chân thành cảm ơn ông. Chúc ông mạnh khỏe!
Theo Trí Thức Trẻ
Xem bài gốc tại đây