Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu, cũng không có một độ tuổi nhất định để thành công tìm tới, mọi sự cố gắng và tỉnh táo đều sẽ được đền đáp xứng đáng – đây chính là những điều mà chúng ta sẽ gật gù khi biết câu chuyện của cậu bạn 18 tuổi này.
Tôi rất dễ hưng phấn khi gặp những người giỏi, dù ngày xưa cũng thường xuyên rơi vào trạng thái tức anh ách nếu như đám bạn chơi cùng luôn có kết quả cao hơn. Thường thì những người giỏi luôn có thật nhiều điều để khám phá, từ kiến thức, kỹ năng, đến cách lập kế hoạch, suy nghĩ, và cả cách chuyện trò cũng đều cho người đối diện một nguồn cảm hứng rất lớn. Những người tuy ít tuổi hơn mình, mà giỏi, mà có đam mê, có thành quả, lại còn thú vị hơn nữa. Đó cũng chính là lý do mà cậu bạn sinh năm 1998 có tên Nguyễn Mai Đức này đã khiến tôi vừa hào hứng, nhưng cũng có đôi chút tủi thân khi trò chuyện cùng.
Bằng tuổi đứa em tôi ở nhà, khi mà nó vẫn đang cười khì khì mỗi lần tôi hỏi “thế định thi trường gì, học hành ra sao rồi” thì Mai Đức lại khác, cậu bạn đã biết cụ thể và chính xác mình sẽ làm gì, làm như thế nào và sắp xếp ổn thoả con đường mà mình đang đi.
NGUYỄN MAI ĐỨC
17/04/1998
- Đang học A-level tại Abbey College, Birmingham, Anh
- Cựu học sinh chuyên Địa lý trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam
- Giải nhất cờ vua cấp quận
- Giải nhì môn Địa lý cấp quận
- Giải ba môn Địa lý cấp thành phố
- Outstanding Student of the Year 2015 (Học sinh tiêu biểu của năm) do thị trưởng Birmingham Shafique Shah trao tặng
- Admin của Fanpage Diễn đàn tin học công nghệ.
- Sở trường: Guitar, ảo thuật, hát, viết sách, viết báo, làm video giải trí và công nghệ.
Đức đang học ở Abbey College, một ngôi trường ở Anh, thế nên chúng tôi chỉ còn cách trao đổi qua email về mọi thứ. Cảm nhận đầu tiên của tôi về Đức là sự tự tin căng tràn của một bạn trẻ biết mình muốn gì – điều mà thú thực là những 9x đời đầu như tôi chưa hẳn đã có. Tính đến nay, cậu bạn đã đi du học được hơn 1 năm rưỡi với lý do muốn được trải nghiệm một nền văn hoá, giáo dục mới. Đồng thời Đức cũng muốn việc du học ở Anh sẽ cải thiện khả năng ngoại ngữ và sống độc lập, giúp bản thân có thể làm việc được trong môi trường quốc tế, chuyện nghiệp. Đọc đến đây, tự nhiên tôi nghĩ rằng cậu bạn này có đang… tính xa quá hay không. Vì có bao nhiêu bạn trước lúc lên máy bay đi du học đã nghĩ rằng mình sẽ phải làm được những gì như Đức, hay chỉ cứ biết là phải đi đã, thế thôi?
Rồi Đức cho tôi về cảm giác của một người cứ đi mà không biết mỏi khi nghe tiếp về câu chuyện của mình. Hành trình trưởng thành của cậu bạn này bắt đầu từ khá sớm, chính xác là lớp 7, Đức đã thử sức với việc mua bán đạo cụ ảo thuật để kiếm tiền. Lớp 8, Đức đi dạy ảo thuật. Lớp 10, Đức là giáo viên tiếng Anh phổ thông và IELTS, dạy cả học sinh cấp 1,2,3 lẫn đại học. Hơn cả muốn tự lập để không cần xin tiền bố mẹ cho những mục đích chi tiêu cá nhân, những công việc này chính là cách để Đức hiện thực hoá lý tưởng. “Lý tưởng sống của mình là sống hết mình và không bao giờ để độ tuổi giới hạn những gì mình mơ ước và thực hiện”. Hoá ra cậu bạn này không những nghĩ được xa mà còn nghĩ rất kỹ về việc mình làm đấy chứ?
Nhiều người chắc cũng có cùng thắc mắc như tôi, rằng việc kiếm tiền từ rất sớm như vậy liệu khi nào Đức là người thực dụng? Như muốn nhanh chóng dập tắt ý nghĩ này của tôi, Đức đã trả lời rất chân thành: “Đối với mình tình cảm với bạn bè, người thân và thầy cô vẫn được mình coi trọng. Mình luôn cố gắng giúp đỡ bạn bè trong khả năng của mình”.
Cho đến giờ, Đức đang có trong tay một cuốn sách dạy IELTS được phát hành trên toàn quốc có tên “Cẩm nang thi IELTS” và một ứng dụng di động “Luyện thi IELTS”. Để có được 2 thành quả đáng nể này là một điều không hề dễ với cậu bạn 18 tuổi, khó khăn đã liên tục ập tới ngay từ lúc bắt đầu:
“Làm thế nào để tóm gọn kiến thức vào một quyển sách đã khó, tìm nhà xuất bản và thuyết phục họ tài trợ kinh phí xuất bản còn khó hơn. Mình đã phải đưa bản thảo sách đến khoảng 15 công ty khác nhau và kiên trì thuyết phục. Với ứng dụng di động, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm là 2 khó khăn lớn nhất. Để viết sách, mình chỉ cần mở file Word và gõ văn bản. Nhưng để phát triển một ứng dụng di động cần nhiều hơn thế. Đã có lần khi làm xong hết nội dung của ứng dụng và đang kiểm tra chính tả, một lỗi kỹ thuật xảy ra và tất cả dữ liệu bị mất, thế là mình phải làm lại từ đầu, rất mất thời gian. Rồi làm thế nào để thiết kế giao diện cho đẹp mắt, chèn ảnh, video cho hợp lý cũng là những bài toán khó”.
Và cái gì đến cũng đến thôi, khó khăn sẽ được giải quyết khi bạn có đủ kĩ năng, lòng quyết tâm và sự tỉnh táo. Bên cạnh việc học của mình, Đức còn là phóng viên cho một số trang tin và diễn đàn với hơn 400 bài viết phần lớn liên quan đến các lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học, phần mềm máy tính, thiết bị di động, giáo dục, tiếng Anh và du học. Ngoài ra, từ khi sang Anh, Đức còn thử sức với vai trò sản xuất các video thuộc đủ lĩnh vực, từ kinh tế chính trị, công nghệ thông tin đến hài kịch, ca hát và sở hữu kênh Youtube riêng.
Đức luôn bận rộn với những dự định và mục tiêu, thế nên cũng dễ hiểu khi cậu bạn phải đánh đổi thời gian dành cho bản thân để tập trung vào con đường mình đã chọn. “Từ khi tham gia công việc viết báo cho các trang mạng ở Việt Nam và thực hiện các dự án về IELTS, mình rất bận. Cộng thêm với việc lịch học cũng dày vì đang học A-level năm cuối, nhiều khi mình cảm thấy rất mệt mỏi và căng thẳng, việc ăn uống, ngủ nghỉ cũng bị tác động tiêu cực. Sắp 18 tuổi mà mái đầu mình đã nhiều tóc bạc rồi”. (cười).
Những thành quả đã làm được luôn khiến Đức tự hào. Thế nhưng, một lần nữa Đức lại cho tôi thấy cái sự “già dặn” của mình, cũng như linh tính về việc cậu bạn này sẽ còn làm được nhiều thứ hơn thế này nữa khi chia sẽ không ngừng học hỏi và phát triển, tiếp thu ý kiến đóng góp của mọi người về những sản phẩm để hoàn thiện chúng.
“Dù sao thì mình cũng mới chuẩn bị bước sang tuổi 18. Mình còn rất nhiều thời gian và cơ hội cho sự nghiệp phía trước. Mình nghĩ sắp tới bản thân cần khắc phục yếu điểm, đó là việc ăn uống ngủ nghỉ không hợp lý, để cải thiện sức khoẻ. Ngoài ra, còn là biết sắp xếp và kiểm soát thời gian cá nhân tốt hơn để cân bằng việc học ở trường – việc xã hội – việc vui chơi ngoại khoá và thời gian cho bản thân”.
Đầy say mê khi nói về những kế hoạch trong tương lai, Đức đã hình dung chặng đường sắp tới sẽ làvào Sài Gòn làm việc cho một công ty phần mềm máy tính để lấy kinh nghiệm và trải nghiệm một cuộc sống độc lập trong Nam. Sau đó dự định học báo chí hoặc marketing khi lên đại học. Sau thạc sĩ, Đức muốn làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới để có những trải nghiệm mới lạ và tích luỹ vốn, kinh nghiệm. Rồi tuỳ vào hoàn cảnh cá nhân, công việc, tài chính, gia đình, Đức mới quyết định có về Việt Nam hay không.
uy có nhiều trải nghiệm là vậy, nhưng Đức không khuyến khích tất cả các bạn trẻ làm y hệt như những gì mình đã làm. Vì đơn giản mỗi người có một sở trường riêng và con đường sự nghiệp riêng, chỉ cần “chủ động tìm kiếm sự hợp tác, giúp đỡ khi gặp khó khăn; chấp nhận chỉ trích, mạo hiểm; không bỏ cuộc bằng mọi giá; đừng để độ tuổi làm mất cơ hội của bạn và luôn luôn học hỏi từ những người xung quanh” – Đức tâm sự.
Câu chuyện của cậu bạn 18 tuổi, biết tự lập kiếm tiền từ năm lớp 7, trải qua khá nhiều công việc, hiện tại đã thu về thành quả riêng cho mình là 1 cuốn sách và ứng dụng di động dạy IELTS có lẽ đã đánh thức trong chúng ta một điều gì đó. Không biết với mọi người thì thế nào, với riêng tôi thì từ nước Anh xa xôi, Đức đã khiến tôi tin rằng không bao giờ là quá sớm để bắt đầu, cũng không có một độ tuổi nhất định để thành công tìm tới, mọi sự cố gắng và tỉnh táo đều sẽ được đền đáp xứng đáng.
Theo Trí Thức Trẻ
Xem bài gốc tại đây