“Tôi đang là một du học sinh, tôi từng tìm học bổng và tôi bỗng thấy bóng nhiều bạn học sinh Việt Nam khi không giành giật được điểm số đẹp thường khóc lóc vật vã. Nhưng việc tìm học bổng du học, điểm số chưa quyết định tất cả…”- Giao Giao, du học sinh Tú tài quốc tế, AIC (Auckland International College) – New Zealand chia sẻ.
Trên một diễn đàn của học sinh tìm học bổng du học nước ngoài có “lời tự thú” khóc lóc: “Các bạn ơi, tôi bị mất xuất sắc rồi chỉ vì bị điểm 9. Có bạn khác nằng nặc tìm lý do để đổi từ 9,5 lên 10 phẩy…”
Tôi đang là một du học sinh, tôi từng tìm học bổng và tôi bỗng thấy bóng hình nhiều bạn học sinh Việt Nam chúng ta trong đó, khi “giành giật” từng điểm số trên lớp. Có nhiều lí do cho việc đó: đỗ vào trường ĐH mong muốn, khỏi bị ba mẹ so sánh với con nhà hàng xóm… Một trong số đó là để nhất quyết giành được học bổng du học.
Nghĩ đến học bổng du học, chắc hẳn ai cũng nghĩ đến bảng điểm thật khủng, hoặc giải thưởng thật to từ các cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia, hay những tấm huy chương đầy sắc màu từ các cuộc thi cấp quốc tế.
Thế nên chẳng có gì lạ, người người nhà nhà từ Hà Nội đến TP HCM đua nhau học thêm, học nếm, học sáng, học chiều, học ngày chưa đủ, tranh thủ học đêm.
Buổi chiều mỗi khi tan học, không hiếm cảnh các bóng áo trắng ăn vội ổ bánh mỳ, ngồi sau xe máy để ba mẹ chở đến trung tâm ôn luyện. Rồi khuya về, bữa cơm tối lại được ăn vội để học thâu đêm.
Thế nên ở các trường, lớp bây giờ, ai không bị cận lại trở thành hàng hiếm!
Học hành chăm là vậy, thế mà mỗi cuộc họp phụ huynh vẫn căng thẳng để mỗi khi kết thúc, các bậc phụ huynh lại hóa thân thành những bô lão với những cánh tay vung cao vào má….
Nhưng liệu thật sự điểm số có quan trọng như vậy?
Tôi có một người bạn thân tên Thành. Có thể nói Thành may cũng không sai vì ba mẹ đi ngược với ‘xu hướng thời đại’. Trong lúc tôi và các bạn khác đang nghẹt thở trong một cuộc đua học hành không hồi kết, thì Thành vẫn có những khoảng thở cho riêng bản thân.
Thay vì cắn bút với những phương trình lượng giác, Thành có thời gian thể hiện tài năng trên sân đá banh. Thay vì đến lớp học thêm, Thành dành thời gian để nghe những bản nhạc từ thế kỉ trước. Mỗi khi hè về, trong khi tôi đang tiếp tục ‘học kỳ 3’ với 8 tiếng 1 ngày, 7 ngày 1 tuần, thì hắn lại tham gia các hoạt động từ thiện, hay các hoạt động xã hội như phụ giảng cho các lớp kỹ năng mềm.
Tất nhiên khi hè hết, sự nghiệp học hành của Thành không khá khẩm hơn tí nào. Thành không biết thêm một phương pháp giải toán mới, hay phân tích được các lỗi ngữ pháp tiếng Anh. Thành vẫn không thể nhớ được kết quả khi bazơ phản ứng với axit….
Tuy nhiên, Thành có thể dành hàng giờ say sưa kể cho tôi về những bữa cơm hai nghìn của trẻ em miền núi, về niềm vui trong mắt các em nhỏ khi thấy chiếc ô tô đồ chơi, hay việc có rất nhiều bạn bè đồng trang lứa với chúng tôi không biết giặt quần áo.
Thành chia sẻ đã được trải nghiệm để sống đúng như bản thân mình, để biết rằng điều quan trọng nhất không phải là những kiến thức đổ đầy vào trong đầu, mà là học cách xử lý vấn đề, cách kết bạn và hòa nhập với người khác, và cách sẻ chia với mọi người.
Hãy cứ là chính mình, bố mẹ Thành vẫn khuyến khích như vậy, dù tôi chưa bao giờ thấy tên Thành trong phần đầu của bảng điểm ở lớp, dù tôi chưa bao giờ thấy khuôn mặt rạng rỡ của mẹ Thành mỗi khi họp phụ huynh.
Học bổng lớn không chỉ nằm trong sách vở
Và rồi, Thành đi du học. Ngôi trường cấp học bổng toàn phần cho Thành thay vì dựa trên bảng điểm chói lọi, hay giải thưởng khủng, mà là từ tố chất con người của bản thân, từ chính cách suy nghĩ riêng của Thành về cuộc sống.
Tôi đã đọc bài luận xin học bổng của Thành. Đó là một bài văn hay với ý tưởng về việc bảo vệ môi trường. Nghe có vẻ xa xôi nhưng qua lăng kính của Thành, nó lại trở thành những vấn đề nhỏ nhặt hàng ngày. Một góc nhìn rất riêng, không hề liên quan gì đến nạn chặt phá rừng ở Brazil hay khí thải nhà máy ở Trung Quốc.
Khi tôi hỏi Thành sao có thể viết được hay như vậy, Thành cười nói: “Ông đã bao giờ dừng việc học lại một chút, để ra ngoài kia chưa? Ông có biết rằng cái dòng nước đen kịt sau nhà ông một thời đã là nơi lí tưởng để nam nữ hẹn hò không?”
Rõ ràng Thành sẽ chẳng có cảm xúc để viết bài luận đó, nếu không có thời gian để nghỉ ngơi, để được đi đó đây và được nhìn nhận, quan sát.
Thành cũng chẳng có cơ hội để viết bài theo suy nghĩ riêng của mình dù đúng, dù sai, nếu bố mẹ không khuyến khích luôn khuyến khích Thành là chính mình, và luôn tôn trọng ý kiến riêng của Thành từ thuở nhỏ.
Tôi chợt hiểu, học bổng khủng mà trường dành tặng cho Thành, không phải dành cho một con mọt sách, mà tưởng thưởng một người trẻ biết ước mơ, biết sẻ chia, và thế giới bên ngoài không chỉ nằm trong trang sách.
Đến bây giờ, tôi vẫn bật cười mỗi khi nhớ lại, lúc tiễn bạn ra sân bay đi du học, Thành vỗ vai tôi hỉ hả: “May quá, học ở nhà thêm hai năm nữa chắc tôi trượt ĐH!”
Theo Việt Nam Net
Xem bài gốc tại đây