Bài viết được chia sẻ từ bạn Vũ Chí Hiếu, cựu học viên chương trình Thạc sĩ Kinh tế Tài chính 1+1, liên kết giữa Đại học Kinh tế Quốc Dân và Đại học Ohio, Hoa Kỳ (Master in Financial Economics 1+1). Vũ Chí Hiếu đã đỗ kì thi CFA level 1 tháng 6/2015 ngay sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ MFE (1+1) của mình.
1. CFA là gì và tại sao lại cần thi CFA?
CFA là viết tắt của Chartered Financial Analyst là chứng chỉ của CFA Institute. CFA ra đời do nhu cầu về đầu tư của công chúng. Một quỹ lương hưu, một quỹ bảo hiểm, một người giành tiền để tiết kiệm đều có nhu cầu đầu tư. Tuy nhiên việc đầu tư không phải dễ dàng vì có nhiều sản phẩm như chứng khoán, trái phiếu, và phức tạp hơn là phái sinh. Do đó, họ cần những chuyên gia tư vấn đầu tư và đến đây nảy sinh 2 vấn đề chính.
a. Kiến thức đầu tư: chuyên gia tài chính đấy có thật sự hiểu biết sâu rộng về tài chính, hoặc kiến thức tài chính có đồng nhất không.
b. Đạo đức: chuyên gia có thật sự làm việc vì khách hàng không, chuyên gia có từ chối các hành vi gian lận không.
Đạo đức rất quan trọng vì nếu không có đạo đức thì nhiều hành vi gian lận xảy ra, công chúng sẽ mất niềm tin vào thị trường tài chính, và do đó không ai bỏ vốn, dẫn đến công ty không huy động thêm vốn và nhiều hệ lụy khác.
Do đó, CFA ra đời để giải quyết 2 vấn đề trên: người đạt được chứng chỉ sẽ có hiểu biết rất rộng về thị trường tài chính và có các đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, các ứng viên có chứng chỉ CFA thường được công ty ưu tiên, thậm trí trong nhiều vị trí tuyển dụng, công ty yêu cầu các ứng viên cần ít nhất phải có CFA mức (level) 2 hoặc 3.
Để được chứng chỉ CFA là một việc cực kì khó, các ứng viên sẽ phải trải qua 3 mức: 1, 2, 3. Tỉ lệ đỗ của các kì thi dao động từ 30% – 40%. Sau khi đạt được mức 3, các ứng viên cần 48 tháng kinh nghiệm (4 năm) để chính thức được chứng nhận CFA.
2. Kinh nghiệm để thi CFA
a. Đăng kí thi sớm:
Các kì thi CFA thường có 3 thời hạn (deadline) để đăng kí, càng đăng kí sớm thì chi phí càng ít.
Ví dụ kì thi tháng 12/2016 (Chỉ có thi Level 1):
Giá tiền | Ngày hết hạn | |
Đăng kí sớm | $630 | 16/3/2016 |
Đăng kí thường | $860 | 17/8/2016 |
Đăng kí muộn | $1280 | 14/9/2016 |
Ngoài ra bạn phải nộp 1 khoản đăng kí thành viên (chỉ nộp 1 lần là $450), do đó đăng kí càng sớm sẽ giúp tiết kiệm tiền cũng như giúp bạn có 1 thời gian chuẩn bị dài. Việc học CFA cần ít nhất là 6 tháng. Tuy nhiên, có nhiều bạn lo ngại bạn không thi được ở trung tâm đăng ký ban đầu. Việc này không cần phải lo lắng do CFA cho phép bạn được chuyển trung tâm thi trước 2 tháng. Tôi chọn trung tâm thi ban đầu là Columbus, Ohio nhưng vì có bạn ở Chicago nên lại chuyển về thi ở Chicago, IL. Việc chuyển trung tâm thi này hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, việc đăng kí sớm thì bạn có sách để học sớm.
Để tiết kiệm chi phí bạn có thể xin học bổng Access Scholarship (học sinh không có điều kiện đóng đủ phí thi) và Awareness Acholarship (các trường đại học ở Mỹ được từ 3-5 suất mỗi trường).
b. Sách giấy hay sách điện tử?
Đối với nhiều bạn việc dùng sách giấy tạo sự thoải mái, tuy nhiên nó khá nặng và khó mang đi được. Hiện tại, khi đăng kí thi xong bạn luôn có sách điện tử, có thể cho vào laptop hoặc là tablet, smartphone.
c. Lập kế hoạch học
Do khối lượng kiến thức vô cùng lớn, nên việc lập kế hoạch vô cùng quan trọng. Một bài đọc cần nhiều thời gian. LỜI KHUYÊN của tôi là học các phần dễ đối với bạn trước, các phần khó sau và phần về đạo đức (ethics) học cuối cùng. Lý do đơn giản là phần học đầu tiên rất dễ nhanh quên
Mỗi buổi tự học cần ít nhất 2-3 tiếng tập trung, liên tục. Nếu học theo kiểu tranh thủ 30 phút rảnh thì không hiệu quả vì khối lượng kiến thức rất nhiều và bạn sẽ nhanh quên.
Về độ khó, CFA mức 1 thường là dễ tuy nhiên câu hỏi thường hỏi về tiểu tiết và rộng nên bạn cần học tập trung để nắm chắc các kiến thức. Các mức 2 và 3 thì độ khó tăng lên nhiều lần.
d. Luyện tập và luyện tập
Bạn nên hoàn toàn tất việc học tập trước 1 tháng (Tôi dự kiến như thế nhưng tôi cũng chỉ hoàn thành trước 1 tuần). Và từ đó chỉ luyện tập làm đề, việc luyện tập giúp các bạn có cảm giác làm bài thi và ôn lại kiến thức cũ. Các phần hổng sẽ lộ ra và bạn ôn lại các phần đó sẽ giúp tăng điểm các bạn rất nhiều.
e. Điểm số để đỗ
CFA Institute sẽ chấm bài các bạn và sẽ đưa ra điểm sàn MPS (minimum passing score) để quyết định bạn đỗ hay trượt. Những bạn ở điểm ngưỡng trượt đỗ sẽ quyết định bởi ethics, ai có ethics cao sẽ đỗ và ngược lại. CFA Institute không công bố điểm MPS tuy nhiên theo một số phân tích thì điểm đỗ khoảng 67%-68%. Nếu bạn làm được bài thử tầm 75% thì cơ hội đỗ của bạn rất cao.
f. Thành quả đạt được
Khi bạn đỗ xong thì chỉ nhận được một email và không có giấy chứng nhận nào cả. Nhưng đừng lo lắng vì chỉ cần đạt được CFA level 1 bạn sẽ cảm thấy kiến thức của mình tốt hơn rất nhiều.
Theo Dân Trí
Xem bài gốc tại đây