
Nếu bạn học nhóm ngành Public Relations (PR) hay còn gọi là Quan hệ công chúng, những nhóm ngành tập trung nhiều vào việc viết lách, sáng tạo, thiết kế, ý tưởng, dự án… Thì việc có một portfolio là vô cùng cần thiết.

Nhưng trước hết, portfolio là gì? Khái niệm này không mấy phổ biến đối với các ngành nghề khác ở Việt Nam. Portfolio có thể hiểu nôm na là nơi tổng hợp tất cả những việc bạn đã làm. Bạn nên tổng hợp những tác phẩm hay nhất, những bài viết đặc sắc nhất hay những dự án quy mô nhất của mình. Portfolio có thể là một xấp hồ sơ hay một file định dạng pdf. để dễ gửi qua email, nhiều bạn trẻ ngày nay thích làm portfolio trên website để dễ cập nhật và chỉnh sửa, đồng thời dễ đến tay nhà tuyển dụng hơn.
Nếu bạn đang là sinh viên hoặc mới ra trường và bạn vẫn chưa có tác phẩm nào hay ho để cho vào portfolio thì hãy luôn nhớ rằng sự nghiệp của bạn có khởi đầu tốt đẹp hay không là nhờ vào portfolio. Các nhà tuyển dụng sẽ không quan tâm tới bảng điểm của bạn nhiều đâu, mà họ sẽ quan tâm tới việc bạn thực sự làm được gì. Hãy học cách gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng portfolio nhé:
Bước #1: Lưu trữ
Quan trọng nhất là nội dung bên trong đúng không nhỉ? Đầu tiên bạn phải có tư liệu. Tùy vào vị trí bạn muốn ứng tuyển mà bạn chọn tư liệu cho phù hợp. Các bài luận ưng ý, các dự án bạn làm ở lớp, các bài nghiên cứu bạn đã đổ tâm sức vào, các việc bạn hoàn thành khi đi thực tập, hoặc là một phút ngẫu hứng bạn sáng tác ra một điều gì đó sáng tạo… Tất cả những thứ đó đều nói lên năng lực và con người bạn trước mặt nhà tuyển dụng. Hãy giữ cho mình một thư mục mang tên “Portfolio” để được hỗ trợ khi cần.
Bước #2: Chọn lọc
Khi bạn đã sẵn sàng ứng tuyển, hãy ngồi xuống và chọn lọc những gì đặc sắc nhất. Các nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian để đọc hết tất cả, họ chỉ muốn xem những thứ tốt nhất. Nếu bạn “nhồi nhét” quá nhiều, portfolio của bạn sẽ bị đánh giá thấp.
Theo PRSSA, một portfolio tốt sẽ bao gồm (lấy ví dụ cho công việc viết lách):
- Một bản sao CV và thư giới thiệu.
- Một vài bài viết mẫu
- Một vài ví dụ thể hiện khả năng biên tập của bạn
- Một vài bản sao thể hiện khả năng sử dụng photoshop (nếu cần), hoặc hình ảnh cho portfolio không bị nhàm chán
- Chứng minh/ giấy chứng nhận
- Và bất kỳ điều gì bạn cảm thấy đặc biệt về mình, và thể hiện được bản sắc cũng như thái độ của bạn.
Bước #3: Gửi đi
Khi bạn đã chắt lọc và thu thập đủ mọi thứ, hãy gửi nó ra thế giới rộng lớn ngoài kia. Đừng quên đính kèm email hay thông tin liên lạc nhé, điều này sẽ khiến các nhà tuyển dụng tìm đến bạn.
Nếu bạn vẫn còn chần chừ sau bài viết này, hãy tham khảo vài mẫu online portfolio. Mặc dù bạn sẽ thấy việc này hơi phức tạp, nhưng đầu tư cho portfolio là luôn luôn xứng đáng. Chúc bạn luôn may mắn và mang trong mình đủ “vũ khí” để đánh chiếm những vùng đất giàu đẹp.
Link bài gốc http://blog.internationalstudent.com/2016/03/preparing-a-portfolio-for-a-career-in-public-relations/