Phần viết cuối cùng của cuốn sách này xin dành cho những bạn đọc tuổi mười tám. Tại sao? Bởi đó là khi bạn bắt đầu phải có những quyết định lớn đầu tiên trong đời, và cũng là khi bạn có thể phải nếm trải vết trượt đầu đời: trượt đại học. Tại sao tôi lại đề cập đến một vấn đề dường như chẳng liên quan đến cuốn sách này chút nào? Bởi nhiều người cho tôi là một kẻ may mắn, với những học hàm học vị, với cuộc sống tự do, với chu du thế giới. Nhưng quay vòng trở lại thời điểm tôi mười tám tuổi, vết trượt đầu đời này liên quan đến tất cả những lời ngợi khen mà tôi được nhận.
Đây là câu chuyện mà Trang Hạ, với tư cách là một người bạn từ thời còn đi học, muốn tôi viết. Email của chị gửi cho tôi thậm chí còn được tô đậm “em phải viết”. Vì vậy, tôi sẽ kể cho các bạn trước khi trang cuối của cuốn sách này được gấp lại.
Tại ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam, tôi có khoảng bảy mươi sinh viên quốc tế theo học môn của mình. Bảy mươi khuôn mặt đủ màu da đến từ ít nhất hai mươi quốc gia khác nhau, và thể nào cũng có một vài cô cậu người Trung Quốc, Nhật Bản, hoặc Hàn Quốc bẽn lẽn ngồi phía rìa lớp, mắt mở to miệng ngậm chặt ai nói gì cũng cười (!). Tuy nhiên, khóa học nào cũng thế, cứ đến phần thảo luận về vai trò của giáo dục trong phát triển kinh tế là các cô cậu bình thường miệng câm như hến này bỗng dưng hoạt bát hẳn lên. Họ thường sốc bạn bè cùng lớp bằng những câu chuyện “kinh hoàng” mà chính bản thân đã trải qua để có thể đặt chân lên ngưỡng cửa đại học. Rất nhiều em bật khóc khi nhớ lại áp lực tâm lý khủng khiếp của kỳ thi, vùi đầu mười lăm tiếng một ngày, tự đặt ra đủ mọi giao kèo với trời đất.
Cho đến một hôm thì cả lớp náo loạn vì một cô bé người Hồng Kông nước mắt lưng tròng cho mọi người xem ảnh của một cô bạn thân: “Bạn tôi tự tử vì trượt đại học. Tôi ở đây học cho cả phần của cô ấy. Tôi chia sẻ điều này vì muốn các bạn từ châu Âu và Mỹ hiểu rằng, sự lười biếng và học hành như đi chơi của các bạn là điều khiến sinh viên châu Á chúng tôi vừa khinh thường vừa ghen tị.”
Tôi thường lắng nghe trải nghiệm của những sinh viên cùng màu da với mình bằng sự cảm thông vô tận, bởi tôi cũng từng giống như họ. Mười lăm năm trước, một con bé tôi có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được có ngày mình sẽ phụ trách cả một tờ báo hơn mười vạn bản ở tuổi hai mươi tư, dành được học bổng thạc sĩ của hai trường đại học châu Âu, rồi lại còn học lên tận tiến sĩ, chu du tới hơn một phần ba thế giới, ra sách này sách nọ “hù” thiên hạ, và bây giờ đứng lớp gõ đầu một lũ Tây.
KHI ẤY TÔI KHÔNG THỂ TƯỞNG TƯỢNG ĐƯỢC ĐƠN GIẢN BỞI TRONG KÌ THI NĂM ẤY, TÔI TRƯỢT ĐẠI HỌC.
CÓ RẤT NHIỀU ĐIỀU TÔI MUỐN CHIA SẺ VỚI CÁC BẠN. TÔI SẼ CỐ GẮNG VIẾT Ở ĐÂY THẬT RÕ RÀNG NHỮNG GÌ TÔI MUỐN NÓI.
Thứ nhất, trượt đại học không có nghĩa là mọi cánh cửa đã khép lại. Việt Nam cần hàng triệu thợ bậc cao, sao không học nghề? Tôi có cô em họ học trung cấp thú y, mới hai mươi tuổi đã xây nhà cho bố mẹ và kiếm gần một nghìn đô một tháng. Bản thân tôi học Cao đẳng Sư Phạm. Tôi đã quyết định đúng khi tiếp tục con đường này năm tiếp theo, và từ bỏ việc rẽ ngang sang bắt đầu lại với ước mơ học báo chí. Hầu hết các trường đều có liên thông, kể cả nếu các bạn cố kiết muốn lấy bằng đại học cũng chẳng có gì là khó. Tôi phải nói rằng vốn ngoại ngữ tích cóp được trong ba năm học đó là chiếc chìa khóa để tôi bước ra thế giới. Không có ngoại ngữ, sẽ chẳng có lấy một phần trăm cuộc sống của tôi bây giờ cùng với tất cả những chuyến đi chu du đã thành hiện thực.
Thứ hai, bố mẹ và gia đình không phải lúc nào cũng đúng. Người lớn biết nhiều nhưng khôngbiết tất cả. Mười tám tuổi, bạn có khả năng đi bỏ phiếu quyết định vận mệnh của đất nước thì cũng có khả năng hành động quyết định vận mệnh của chính mình. Hồi cấp ba tôi học chuyên toán Trần Phú rất căng thẳng, đầu năm lại phải thi sàng lọc với nhau và các học sinh trường ngoài. Năm lớp mười hai, sau khi đỗ kỳ thi sàng lọc, tôi quyết định bỏ lớp chuyên chuyển sang học một lớp gấu nhất khối. Ba tôi giận không cất nên lời. Nhưng đó là quyết định sáng suốt nhất trong đời tôi: giành lại sự bình bằng để ôn thi môn học mà tôi học rất dốt (điểm trung bình 4,5) nhưng tin là mình rất thích: môn Tiếng Anh.
Cuối cùng, dù rất đau lòng nhưng tôi cũng phải tâm sự thành thật với các bạn rằng mọi hệ thống giáo dục đều bất cập trong việc phát huy khả năng của học sinh, giáo dục Việt Nam thì tệ hơn một tí do tốc độ hiện đại hóa và quốc tế hóa chậm hơn các nước trong khu vực một bậc. Tôi học chuyên toán, mỗi tuần có hàng chục tiết toán và các buổi học thêm bắt buộc, có đến tận hai thầy dạy toán, thầy chủ nhiệm khoán cho làm bộ đề thi từ năm lớp mười. Điểm toán của tôi không đến nỗi thê thảm nhưng tôi cảm thấy mình ngu si đần độn vô cùng. Đến bây giờ tôi thỉnh thoảng vẫn có ác mộng về những tiết toán với hàng chục bài tập mỗi ngày. Vậy mà chỉ vài năm sau, tôi đỗ thạc sĩ thiết kế công nghệ xuất sắc tại Twente University, chưa hết, trong suốt ba năm rưỡi làm luận án tiến sĩ, tôi say mê với hàng chục chương trình toán thống kê, mê nhìn màn hình SPSS (phần mềm thống kê) còn hơn mê nhìn mặt người yêu.
Sự xa rời thực tế trong các chương trình giáo dục chính là nguyên nhân khiến “mầm non toán học” trong tôi bị thui chột. Vậy đấy, bạn dốt văn có khi chỉ vì môn văn nhàm chán, bạn dốt hóa có khi chỉ vì môn hóa đáng lẽ phải hiện hữu trong từng mi li mét của cuộc sống xung quanh thì lại chẳng khác gì một lũ chữ cái in hoa vô hồn xếp đống cạnh nhau. Hãy hỏi các anh chị đi trước mà xem, rất nhiều kẻ đội sổ hồi cấp ba nhưng sở hữu một cá tính mạnh mẽ giờ có một sự nghiệp rạng rỡ nhiều khiến bạn bè phải ghen tị. Thế để nói rằng, cuộc sống thực tế mới chính là những kỳ thi đáng tin cậy nhất.
Và tất nhiên, nếu một con lừa trượt đại học còn có thể đứng dậy được, không những đứng dậy được mà còn có thể lóc cóc đi tiếp một chặng đường dài không mấy tối tăm như tôi đang làm, thì những bạn đọc trẻ tuổi thông minh, năng động của thế hệ mới bây giờ chắc chắn sẽ vượt xa, cho con lừa tôi hít khói.”
“Khi một cánh cửa này đống lại tức là cánh cửa khác mở ra”! Can đảm lên nhé!”
Theo Ybox
Xem bài gốc tại đây