Tốt nghiệp ngành Điện tử – Viễn thông Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Nguyễn Tiến Đạt làm việc ở nhiều nơi trước khi đầu quân cho Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel.
Khi đã có kinh nghiệm, anh được tin tưởng giao những vị trí cao và thường xuyên đi công tác nước ngoài. Kết hôn không bao lâu, vợ anh nhận học bổng làm luận án tiến sĩ ở Hàn Quốc. Mới lập gia đình, không muốn để vợ một mình ở xứ người, anh quyết định xin nghỉ việc để cùng sang Hàn Quốc lập nghiệp.
“Trong khi vợ làm luận án tiến sĩ, băn khoăn lớn nhất của tôi là sau 3 năm nữa quay về Việt Nam sẽ làm gì, bởi thời gian ở xứ sở kim chi không có điều kiện làm việc liên quan tới viễn thông. Do vậy, chỉ còn cách học tiếp, nhưng với tôi không phải là Điện tử viễn thông nữa mà là Công nghệ thông tin, vì bản thân đã mê ngành này từ lâu”, anh Đạt nói về quyết định của mình.
Từ năm nhất đại học, khi tiếp cận với môn Tin học đại cương, dù không học chuyên sâu nhưng anh đã có ấn tượng với ngành này. Những giờ thực hành tại phòng máy, mày mò học lệnh MS-DOS, hay đoạn code bằng ngôn ngữ Pascal để làm các bài toán nhỏ, anh không khỏi ngỡ ngàng trước khả năng ứng dụng của công nghệ trong cuộc sống, công việc.
Sang Hàn Quốc, anh Đạt nhận thấy lĩnh vực công nghệ phát triển mạnh mẽ ở xứ sở kim chi. Khá bận rộn, nhưng không để mình bị tụt hậu, anh quyết định đăng ký học Đại học trực tuyến FUNiX ở Việt Nam.
“Việc học Công nghệ thông tin không những giúp tôi theo đuổi ngành mình thích mà nó còn là cơ hội để tham gia vào công việc ở lĩnh vực mới. Tôi chọn trường này vì có thể học trực tuyến, thời gian linh hoạt, đặc biệt là được học với các mentor – chuyên gia, những người có kinh nghiệm thực tế từ công ty của họ nên tôi yên tâm hơn”, anh Đạt chia sẻ và cho biết dù đang đi làm nhưng sẽ sắp xếp lịch học vào buổi chiều hoặc tối để theo kịp chương trình.
Cũng với mong muốn theo đuổi sở thích của mình, anh Nguyễn Hoàng Ngọc Toàn đang sống ở nửa kia bán cầu nhưng vẫn chọn học ngành Công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Anh Toàn sinh ra và lớn lên ở Tiền Giang, mê game từ nhỏ. Năm 1997, khi Công nghệ thông tin còn khá mới mẻ thì anh đã theo học lớp tin học căn bản và văn phòng (chứng chỉ A). Tuy nhiên, sau đó vì không có điều kiện kinh tế trong khi mức học phí quá cao, chưa kể chi phí mua máy tính đắt đỏ nên anh không thể tiếp tục học.
Năm 2003 sang Mỹ làm việc, dù khá bận rộn nhưng anh Toàn vẫn dành thời gian tự tìm hiểu lĩnh vực công nghệ. “Chưa theo học chương trình máy tính nào nhưng mình có thể sửa chữa lắp ráp máy tính, điện thoại và biết một ít về hệ thống mạng”, anh Toàn nói.
Học đại học trực tuyến ở Việt Nam, chàng trai này cho biết do trái múi giờ nên khá khó khăn trong việc trao đổi thông tin trực tiếp nhưng anh sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để hoàn thành 8 chứng chỉ của trường trong thời gian sớm.
Còn đối với Đào Phan Anh, dù đang du học ngành Quản lý hành chính Đại học công nghệ Clermont Ferrand 1 ở Pháp, chàng trai 19 tuổi (TP HCM) đã đăng ký học thêm đại học trực tuyến ở Việt Nam.
Với mong muốn có đủ các kỹ năng cần thiết sau khi học đại học để tự tin bước vào môi trường làm việc, ngoài đi học, nam sinh còn tranh thủ đi làm thêm ở nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm, tăng thu nhập trang trải cuộc sống. Việc học công nghệ thông tin online cũng không nằm ngoài kế hoạch này.
“Thời đại ngày nay, công nghệ thông tin có mặt ở khắp nơi, hiểu biết và sử dụng hiệu quả lĩnh vực này sẽ giúp tôi làm việc và ứng dụng vào cuộc sống tốt hơn”, du học sinh chia sẻ.
Phan Anh cho biết, ở Pháp cũng có nhiều trường dạy Công nghệ thông tin nhưng phần lớn thời gian của cậu phải dành cho việc học ở trường, đi làm thêm nên chỉ có thể tranh thủ học vào thời gian rảnh. Đây cũng là lý do chàng trai này chọn FUNiX theo học.
Sau 6 tháng thành lập, Đại học trực tuyến FUNiX hiện có gần 500 học viên, trong đó có hàng trăm học viên đang sống ở 11 nước khác như Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Nhật, Australia…