Khoa học máy tính (Computer Science) là ngành nghiên cứu, phát triển, và ứng các cơ sở lý thuyết về hệ thống, giải thuật, dữ liệu, và tính toán cho máy tính. Đây là chuyên ngành bao gồm nhiều phân ngành như đồ họa máy tính, lập trình, công nghệ phần mềm,… Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học máy tính, tiến sĩ Ngô Bảo Linh đã có những chia sẻ thiết thực với sinhvienusa về quy trình chuẩn bị thực hiện ước mơ du học Mỹ ngành máy tính cho các bạn trẻ Việt Nam.
Khi muốn thực hiện dự án nghiên cứu thạc sĩ chuyên ngành khoa học máy tính ở Hoa Kỳ, thì đây là một số những điều cơ bản bạn cần lưu ý:
- Điều kiện tốt nghiệp:
- Để có bằng thạc sĩ khoa học (Master of Science) về ngành khoa học máy tính, một sinh viên tốt nghiệp (graduate student) sẽ phải hoàn thành hai yêu cầu chính, bao gồm học phần (coursework) và luận án (thesis). Tùy theo trường, học phần sẽ bao gồm 24 tín chỉ (khoảng 8 lớp) và 6 tín chỉ còn lại là tín chỉ nghiên cứu, tức đăng kí lớp với giáo sư hướng dẫn cho mục đích làm nghiên cứu chứ không đi học như lớp học bình thường.
- Tùy theo phân ngành trong chuyên ngành khoa học máy tính (và tùy trường), trong số 24 tín chỉ sẽ có những tín chỉ bắt buộc và tự chọn. Các tín chỉ này sẽ phải đăng ký từ danh sách lớp dành cho sinh viên sau đại học (graduate). Một số trường cho phép những sinh viên đăng kí 1 đến 2 lớp năm cuối của chương trình cử nhân (undergraduate) nhưng với khối lượng công việc cao hơn là các sinh viên cử nhân.
- Thông thường, sinh viên sau đại học mất khoảng từ một năm đến một năm rưỡi để hoàn tất các học phần. Đây cũng là thời gian tìm giáo sư hướng dẫn và đề tài thạc sĩ.
- Có 3 phân loại sinh viên sau đại học thực hiện nghiên cứu thạc sĩ: trợ lý nghiên cứu (Research Assistant – RA), trợ giảng (Teaching Assistant/Graduate Assistant – TA/GA), và tự túc:
- Trợ lý nghiên cứu: Việc trở thành RA tương đương với việc bạn đã có sẵn giáo sư hướng dẫn, và gần như chắc chắn luận án sẽ lấy từ dự án bạn đang thực hiện. Theo thông lệ, RA sẽ có lương và trợ cấp học phí toàn phần (vẫn phải tự đóng một số chi phí phụ khác cho trường)
- TA/GA và tự túc: Đây là nhóm cần phải tranh thủ thời gian để tìm giáo sư trong sáu tháng đầu của chương trinh học và xin phép vào nhóm nghiên cứu. Có thể lúc đầu, bạn phải xin vào làm không công hoặc lấy lương theo giờ (tức la không có hỗ trợ học phí), nhưng nếu bạn chứng tỏ được khả năng thì có thể giáo sư sẽ cân nhắc nhận chính thức nhận bạn vào làm chính thức. Có thể bạn sẽ là RA chính thức hoặc TA/GA dưới sự bảo trợ của giáo sư, tức giáo sư có thể đóng góp tiền cho khoa từ quỹ cá nhân đế giúp bạn trở thành TA/GA bán thời gian.
- Tuy nhiên, bạn nên lưu ý nếu là RA của giáo sư, đồng nghĩa với việc luận án thạc sĩ sẽ gắn liền với đề án mà đang cho bạn hỗ trợ tài chính. Do đó, thời gian làm luận án thạc sĩ không chỉ kéo dài 2 năm. Không phải vì bạn không có khả năng mà đơn giản phụ thuộc vào khối lượng công việc vì nguồn quỹ tài trợ (funding) quá lớn hoặc không thích hợp để viết báo (đăng trên các tạp chí khoa học). Có nhiều trường hợp đề án thạc sĩ dẫn thẳng đến các kết quả lớn hơn và trở thành luận án tiến sĩ.
- Tiêu chuẩn đánh giá luận án
- Tiêu chuẩn đánh giá luận án cũng tùy theo trường và giáo sư hướng dẫn, nhưng thông thường là hội đồng sẽ yêu cầu (hoặc khuyến khích – tùy trường) sinh viên có một đến hai bài báo trước hội nghị khoa học (peer-reviewed conference) trước khi được bảo vệ luận án.
- Trong ngành khoa học máy tính thì ngoài việc tính đến số bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học (theo chuẩn ISI), các công bố tại các hội nghị (conference publication) cũng được công nhận tương đương như các bài báo khoa học, nhất là các hội nghị được tổ chức bởi các tổ chức chuyên ngành lớn như IEEE, ACM, SIAM …
- Một luận án thạc sĩ dài khoảng 50 -100 trang double-space (cách dòng gấp đôi) , cân chỉnh lề một inch, và thường bao gồm các phần sau:
- Introduction: Giới thiệu động lực thúc đẩy nghiên cứu …
- Literature Surveys: Giới thiệu những nghiên cứu từng được thực hiện có liên quan đến câu hỏi sẽ được giải quyết trong luận án (15-20 trang).
- Main work: Các chi tiết kỹ thuật của luận án (30-40 trang)
- Comparison: Phân tích kết quả, so sánh đánh giá (5-10 trang)
- Conclusion: Kết luận (5 trang)
- Một bài báo theo tiêu chuẩn hội nghị của IEEE (tám trang, mỗi trang hai cột, font chữ 10) tương đương với khoảng 20 trang luận án, và thường bao gồm một phần nhỏ của mục 2, và một phần của 3, 4, và 5. Sau khi có hai bài báo, gần như chắc chắn là bạn đã viết xong hai phần ba luận án thạc sĩ của mình.
- Sau khi kết quả luận án đã được viết thành bài báo (và được chấp nhận cho trinh bày tại hội nghị/xuất bản) thì việc bảo vệ thường chỉ là thủ tục. Nếu như bảo vệ không thành công thì trách nhiệm lớn nhất thường do cố vấn vì nếu cố vấn đã cho bảo vệ thì đồng nghĩa luận án đã được hội đồng duyệt.
- Tại một số trường, không cần có bải báo từ luận án thì cũng có thể xin bảo vệ nhưng việc có bài báo (đối với riêng ngành khoa học máy tính, thời gian để được trình bày trong các hội thảo khoa học là khá nhanh, khoảng từ 2-4 tháng) cũng là cách minh chứng cho hội đồng thấy là các ý chính của luận án đã được thẩm định và công nhận qua quá trinh kiểm định của các hội thảo khoa học (conference review).
sinhvienusa.org
Anh tốt nghiệp tiến sĩ khoa học máy tính (Ph.D. in Computer Science) từ trường Arkansas (University of Arkansas at Fayetteville). Hiện tai anh đang là Director of Data Science, Cyberinfrastructure and Technology Integration Group, Clemson University. Anh cũng đồng thời giữ chức vụ là Research Assistant Professor, School of Computing, Clemson University. Anh qua Mỹ từ 1998