
Trong suốt 2 năm liền, Phillips Exeter Academy được xem như là trường nội trú ưu tú nhất nước Mỹ.
Phillips Exeter là ngôi trường tuyển chọn gắt gao và đã đào tạo ra những bậc anh tài quyền lực nhất nước Mỹ. Cựu học sinh của trường bao gồm 19 thống đốc bang, 5 thượng nghị sĩ Mỹ, 5 vận động viên Olympic, 2 người đoạt giải Nobel, 1 tổng thống Mỹ, và thậm chí là người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và người sáng lập Quora Adam D’Angelo.
Nhiều triệu phú và một số ít các tỷ phú đều xuất thân từ cộng đồng Exeter và đã góp phần phát triển các khoản hiến tặng của nhà trường lên đến 1.15 tỉ đô-la Mỹ – số tiền hiến tặng cao hơn bất kỳ trường nội trú nào.

Khi tiến sĩ John Phillips – cựu sinh viên Harvard và là cư dân của Exeter, New Hampshire – mở học viện vào năm 1781, ông đã đặt ra triết lý “the great and real business of living” để dạy cho những người trẻ. Hơn 2 thế kỷ sau, ngôi trường đã có thể tự hào với sức mạnh của sự liên kết của mình cùng với lòng cam kết không ngừng lan truyền điều tốt lành, và đặc biệt hơn nữa là phương pháp giảng dạy độc nhất vô nhị Harkness Method mà các trường xung quanh đều nỗ lực noi theo.
Vào mùa thu năm 2014, tôi đã dành một ngày để làm học sinh của Phillips Exeter Academy, tọa lạc tại Exeter, New Hampshire, để tìm xem điều gì khiến nó trở nên độc đáo như vậy.
Phillips Exeter Academy được mệnh danh là ngôi trường danh giá nhất nước Mỹ cũng chính vì hằng năm, trường đã tiếp bước cho lớp lớp học sinh bước vào cánh cổng của khối đại học Ivy League. Trước khi bước vào trường, tôi tưởng tượng nơi đây sẽ như một trường nội trú cổ kính điển hình, với các cậu ấm cô chiêu ăn vận sang trọng, ban ngày miệt mài đèn sách và luyên thuyên về những thành tựu của mình sau đó ban đêm sẽ lén đi vào bụi cây để phê thuốc.
Nhưng mọi thứ đều không hề giống như tôi tưởng tượng. Thậm chí sau một ngày làm học sinh, tôi đã không còn muốn rời khỏi đây nữa.

Trong số các đơn xin nhập học được nộp vào Exeter hàng năm, chỉ có 19% học sinh được nhận. Trong đơn, các bạn học sinh phải đính kèm điểm kiểm tra, các bài luận và thư giới thiệu của hiệu trưởng trường cấp 2. Những lá cờ trong hình biểu thị cho quê hương của số học sinh hiện tại, và những đinh ghim biểu thị cho xuất thân của học sinh khóa 2019.
Tôi đến khuôn viên trường Exeter lúc 8 giờ sáng, sau cơn mưa nặng hạt của đêm qua. Các bạn học sinh đang còn ngáy ngủ vội vã rời kí túc xá để đến kịp tiết học đầu tiên trong ngày.
Nơi đầu tiên tôi ghé thăm là McConnell Hall, kí túc xá nữ nằm giữa khuôn viên trường. Tại đây, Jeanne Olivier đã được giao nhiệm vụ dẫn tôi đi tham quan. Olivier hiện là trưởng đội tuyển nữ sinh đại diện cho trường, đồng thời cũng đang là “hall proctor” – một vị trí lãnh đạo tương tự như giám thị, nhằm liên kết giữa học sinh và các cố vấn, giảng viên của kí túc xá.
Có rất nhiều học sinh chọn ở phòng đơn. Càng lớn các bạn sẽ càng được đổi phòng đẹp hơn, khung cảnh đẹp hơn, nhưng vẫn trong cùng 1 tòa nhà. Đồng thời, các bạn cũng được dời giờ giới nghiêm xuống trễ hơn.
Giảng viên sẽ được bố trí sống trong các căn hộ riêng tư thuộc khuôn viên trường, hoặc họ sẽ sống ở khu gần bên cạnh trường trong ít nhất 10 năm. Giáo viên dạy Toán Gwynneth Coogan sống với gia đình mình trong một căn nhà riêng sau KTX nữ McConnell và Cilley Halls, cô thường hay mời học sinh ghé nhà mình ăn tối.

Đặc biệt, một số giáo viên sẽ ở lại và sống như thể một cư dân trong kí túc xá, họ vừa là người hướng dẫn vừa là cố vấn. Họ luôn biết bạn có thức quá khuya hay không, có tập thể thao hay không, và thậm chí có đang hẹn hò ai hay không. Nếu bạn có bạn bè ghé phòng chơi vào ban đêm, bạn phải được sự đồng ý của họ; cửa phải mở suốt đêm và “lúc nào cũng phải có ít nhất 3 bàn chân đặt trên sàn nhà.”
Lúc 9:50 sáng tháp chuông reo, báo hiệu sự bắt đầu của “hội nghị”. Hai lần một tuần, tất cả 1,085 sinh viên tụ tập tại Academy Building để chia sẻ trải nghiệm văn hóa, thường là sẽ có một người phát biểu.
Lần này, các em học sinh được nghe phát biểu từ Milton Heath Jr. của khóa 1945, người nhận giải thưởng John Phillips Award. Ông hồi tưởng lại thời gian sống trong Wentworth Hall và chia sẻ cách mình chuẩn bị cho cuộc đời sinh viên ở Harvard và Columbia Law.
Buổi hội nghị kết thúc sau khi giáo viên thông báo rằng buổi hội nghị của tuần sau sẽ có nhà sản xuất bộ phim “Breaking Bad” – Stewart Lyons chia sẻ. Các bạn học sinh đổ vào lớp học của mình. Tôi có chú ý cách các bạn ăn mặc: Nam mặc áo sơ mi và thắt cravat, nữ mặc đủ mọi loại trang phục. Có cả quần jeans nữa.
Trong lớp 300-level social-ethics, giáo viên Russell Weatherspoon ngồi vào bàn và hỏi “Các em muốn bắt đầu từ đâu?” Trong vòng vài phút, các bạn học sinh đã tự tranh cãi về các trích dẫn trong sách về xã hội và tôn giáo, hỏi các câu hỏi mở, và tự dẫn dắt cuộc thảo luận của mình mà không cần bất cứ sự can thiệp nào từ thầy giáo. Trong lớp cũng không cần ai phải giơ tay.
Từ những năm 1930, trường đã thành lập mô hình dạy học tên là Harkness Method, ở đó học sinh tự chịu trách nhiệm trong quá trình học của mình. Không có gì gọi là giảng dạy ở đây cả. “Thực sự chúng tôi chỉ hỏi các em nghĩ gì về những gì viết trong sách, sau đó quay lại và đưa ra kết luận” thầy Weatherspoon cho biết.
Trong bất kì lớp nào cũng vậy, người hướng dẫn và 12 em học sinh sẽ ngồi quanh một chiếc bàn có hình oval, được gọi là Bàn Harkness. Một vài giáo viên sẽ chọn cách ghi chú lại cuộc thảo luận thành một biểu đồ, để các em nhận ra ai đang nắm thế thượng phong trong cuộc thảo luận, và phe nào đang cần thêm sự trợ giúp để tìm ra tiếng nói riêng của mình.
“Nhưng trường Exeter không chỉ dạy bạn nói, trường mình còn dạy bạn lắng nghe nữa.” Một học sinh cho biết.
Khắp khuôn viên trường, đâu đâu cũng có Bàn Harkness. Trong phòng thí nghiệm khoa học Phelps Science Center cũng có một cái bàn, và cả xác của một chú “mèo” to tướng kia nữa…
… và cả một con cá voi lưng gù đang “bơi” trên kia. Các học sinh và giáo viên của Phillips Exeter đã cùng nhau trích xuất bộ xương của nó khi nó trôi dạt vào bãi biển Cape Cod năm 2000.
Đây là một tấm ảnh được các học sinh làm từ kẹo Jelly Beans kết hợp với sung bắn keo trong studios nghệ thuật, ở đây cũng không thể thiếu Bàn Harkness.
Trong lớp học nhạc cũng có một chiếc Bàn Harkness, các bạn học sinh đang đứng quanh nó để tập hát.
Vào đúng 1 giờ trưa, tất cả mọi người tập trung ở dưới phòng ăn. Tôi tham gia vào một nhóm học sinh năng động và cởi mở chưa từng thấy. Các bạn tự giới thiệu với tôi tên tuổi, quê quán, ký túc xá gì, và đó chỉ mới là thông tin chung của các bạn.
Bữa trưa được bao gồm trong tiền học phí của các bạn, nên các bạn học sinh được ăn thỏa thích theo kiểu buffet, với các món ăn từ khắp mọi miền đất nước. Thực đơn thay đổi theo mùa.
Qua buổi ăn trưa này, tôi có dịp trò chuyện thêm nhiều về đời tư, tâm sự của các bạn học sinh trường nội trú Phillips Exeter Academy. Hẹn gặp các bạn trong phần 2 với những câu chuyện thú vị vào buổi học ban chiều.