Mùa xuân này, chiến dịch #SleepRevolution tạm dịch là “Cuộc cách mạng của những giấc ngủ” đã đến với hơn 300 trường cao đẳng đại học trên khắp nước Mỹ – nhằm khuyến khích sinh viên ưu tiên giấc ngủ để tránh mệt mỏi kiệt sức, đặc biệt là vào mùa thi cử.
Những sinh viên này đã lên tiếng nhân danh giấc ngủ của họ, lan truyền hơn 75 blogs về sự thiếu ngủ, gây nên việc căng thẳng trong quá trình học và cuối cùng là dẫn đến một thế hệ sinh viên lờ đờ mệt mỏi, lúc nào cũng kiệt sức. Cuộc cách mạng này đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về “đời sinh viên”, một mảng khác mà ít ai nói đến: Họ học quá sức, sức khỏe lẫn tinh thần hao mòn dần và nhu cần bức thiết ở đây dẫn đến một cuộc cách mạng đòi quyền được ngủ gọi là “Sleep Revolution” ở trường.
Sau đây là những gì chúng tôi ghi nhận được.
Ai cũng hiểu rằng việc cân bằng giữa học vấn, đời sống xã hội và giấc ngủ là bất khả thi:
“Là một sinh viên đại học, chúng tôi chỉ được chọn 2 trên 3 điều sau đây: ngủ đủ giấc, đạt điểm cao và có một đời sống xã hội phong phú. Theo quan điểm của tôi, cân bằng 3 yếu tố đó là một việc vô cùng khó khăn. Khi đến mùa luyện thi thì tôi phải thức suốt đêm. Khi muốn vui chơi với bạn bè thì tôi phải hy sinh giấc ngủ của mình” – Michelle Peffen sinh viên của Boston College chia sẻ.
“Thức dậy lúc 6 giờ sáng. Tập gym lúc 07:00. Đi làm từ 09:00-14:00. Làm bài tập về nhà từ 14:00-17:00. Lên lớp từ 18:00-20:00. Nấu ăn và ăn tối lúc 21:00. Lại tiếp tục làm bài hoặc cố gắng cập nhật những gì đang diễn ra xung quanh cho đến nửa đêm. Cuối cùng thì, 1 giờ sáng mình mới đi ngủ. Như vậy là mình đang đấu trang để cân bằng cuộc sống giữa vai trò một sinh viên đại học, một trợ lý, một cô bạn gái và chủ của một chú cún nữa.” – Tara Wong của UNLV cho biết.
Nếu ngủ nhiều, bạn sẽ đi làm ít lại, gặp gỡ ít lại. Và dường như đa số các sinh viên không chấp nhận điều đó. Hầu hết họ đều đánh giá thấp việc đi ngủ hơn là đi học và hòa mình vào dòng chảy của xã hội.
Các sinh viên Mỹ tin rằng nếu ai đó được nghỉ ngơi quá nhiều thì sẽ không “cool” chút nào.
“Vô số sinh viên thừa nhận rằng việc ngủ nghỉ mang đến cho họ cảm giác áy náy giống như đang làm sai điều gì đó, một dấu hiệu của sự thụt lùi và bất lực. Ở đại học ‘Nghỉ ngơi’ là từ khóa bị kỳ thị nhiều nhất.” – Riley Griffin của Đại học Duke cho biết.
“Các bạn sinh viên có một niềm tin bất diệt và dai dẳng rằng: ngủ sớm là không cool, sinh viên là phải thiếu ngủ. Việc thiếu ngủ đang dần trở thành một chuẩn mực vô hình trong cộng đồng sinh viên. Thói quen xấu đó dẫn đến việc ban ngày lờ đờ trong lớp, ban đêm thức khuya học bài, chat chit hoăc đi chơi – như vậy là không lành mạnh tí nào. Thật kỳ lạ khi lối sống thiếu ngủ như vậy không chỉ trở nên phổ biến mà còn trở thành một hành động được yêu thích.” Jessica Beeli ở San Diego State chia sẻ.
“Tôi thậm chí đã gặp phải những sinh viên nghĩ rằng ngủ từ 7 đến 9 tiếng một đêm đồng nghĩa với việc lười biếng. Các bạn cũng đánh đồng với việc một người thành công trong cuộc sống thường sẽ là một người thiếu ngủ và lúc nào trông cũng căng thẳng” Alex Beasley của Đại học Belmont cho biết.
Sinh viên lên tiếng rằng thiếu ngủ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về thể chất lẫn tinh thần:
“Nhiều người không nhận ra rằng trầm cảm không chỉ là triệu chứng mà còn là nguyên nhân của thiếu ngủ – đó là một mối liên hệ 2 chiều. Các sinh viên thiếu ngủ dễ có xu hướng bị trầm cảm vì đó là thói quen tự hủy hoại tinh thần của mình. Đồng thời, những ai mất ngủ vì trầm cảm sẽ càng trầm cảm nặng hơn… vì mất ngủ!” – dịch từ “Sleep Is The Component You’re Missing For Improved Mental Health“ của Eryn Cooper ở University of Alabama.
Cuối cùng, sinh viên trở nên lạc quan hơn và chủ động thay đổi thói quen ngủ của mình:
Cho dù là điểm trung bình hay các mối quan hệ xã hội… Không có gì quan trọng bằng sức khỏe của bạn.
Một người thành công thực sự là một người biết cách chăm sóc và quý trọng chính bản thân mình, ngược lại nếu có một sức khỏe tốt bạn cũng sẽ đủ mạnh mẽ để đi đến thành công hơn. Sẽ không còn những câu than vãn “Tớ thức cả đêm”, “Tớ bận lắm”.
Các bạn sinh viên hãy cùng học cách tự chăm sóc bản thân để đủ sức tận hưởng một cuộc sống chất lượng thật sự.
Link bài gốc tại http://www.huffingtonpost.com/entry/college-students-speak-out-about-their-sleep-struggles_us_574dc27ae4b03ede44157146?utm_hp_ref=higher-education