Tiến sĩ Khoa học máy tính Tommy Dang, hiện là Assistant Professor tại Đại học Công nghệ Texas, Mỹ đã có những chia sẻ rất hữu ích về việc làm thế nào để thực hiện nghiên cứu PhD thành công.
Việc đi du học để lấy bằng PhD là mong muốn của rất nhiều người làm nghiên cứu. Tuy nhiên, khi thực hiện nghiên cứu thì không phải ai cũng thuận lợi và đi đến thành công một cách dễ dàng. Có thể nói, không có “con đường dễ dàng” nào để làm nghiên cứu, tuy nhiên vẫn có những lưu ý giúp bạn thực hiện chúng “bớt khó khăn” hơn. Vì thế Tiến sĩ Tommy Dang đã có những lưu ý vô cùng bổ ích để thực hiện nghiên cứu PhD thành công.
Chọn đúng mảng nghiên cứu yêu thích của mình
Đề tài nghiên cứu PhD của TS. Tommy Dang là biểu diễn dữ liệu (data visualization). Cách biểu diễn dữ liệu đơn giản nhất là liệt kê dữ liệu theo dạng bảng theo từng dòng. Tuy nhiên khi số lượng tăng lên vài trăm, vài nghìn hay vài triệu thì rõ ràng việc biểu diễn dạng bảng trở nên bất khả thi. Lúc này, chúng ta cần mô hình dữ liệu thông minh, dễ quan sát và dễ hiểu hơn cho người dùng. Cách chọn đề tài của TS. Tommy khá đơn giản, khi ở Việt Nam, anh từng rất thích phần cứng và bỏ nhiều thời gian ở đại học nghiên cứu về phần mềm hệ thống, nhưng khi được giới thiệu vào lĩnh vực data visualization nhờ một người bạn chung lớp thì anh biết đây chính là lĩnh vực nghiên cứu yêu thích (research interest) của mình. Việc chọn đúng mảng nghiên cứu yêu thích mà mình quan tâm là bước đầu tiên để thực hiện nghiên cứu PhD thành công.
Khó khăn là không tránh khỏi khi làm nghiên cứu
Khó khăn lớn nhất khi làm về lĩnh vực biểu diễn dữ liệu chính là những người phát triển nó phải biết đặt mình vào những vị trí của người dùng. Vì nói cho cùng, vấn đề chính của biểu diễn dữ liệu là làm sao để người dùng có thể hiểu được dữ liệu lớn mà không tốn quá nhiều thời gian thao tác và thực hành.
3 yếu tố quan trọng để làm nghiên cứu thành công
- Hướng nghiên cứu: Nên nhớ làm PhD không phải như học đại học hay master: Làm PhD cần 1 hướng nghiên cứu xuyên suốt trong thời gian 5 đến 7 năm. Nếu không thích hướng nghiên cứu của mình, liệu bạn có thể đối mặt và làm việc với nó hằng ngày trong thời gian dài như vậy không? Theo tôi nghĩ, không chọn được hướng nghiên cứu phù hợp chính là lý do của nhiều nghiên cứu sinh không bao giờ tốt nghiệp (drop out).
- Người cùng nghiên cứu: Mình rất may mắn vào được 1 nhóm nghiên cứu với đủ mọi nhân tố. Trong khi mình có rất nhiều ý tưởng, thầy hướng dẫn có kiến thức cao để định hướng cho mình. Trong nhóm còn có 1 bạn rất khách quan. Săn sàng nói thẳng về những điểm yếu của ý tưởng mình để mình cố gắn khắc phục. Mình đã từng làm việc với nhiều người khác nhau nên hiểu được là có những người nghiên cứu chung không tâm huyết hay chạy theo thành tích (số lượng bài báo tại các hội nghị và tạp chí khoa học) sẽ ảnh hưởng đến trực tiếp đến kết quả nghiên cứu, thậm chí là thay đổi tình yêu mà bạn dành cho hướng nghiên cứu của mình. Vì thế, việc chọn người chung nhóm để làm nghiên cứu rất quan trọng.
- Fundings: Cần phải có kế hoạch hợp lý để xin tài trợ và duy trì nguồn quỹ nghiên cứu. Tránh trường hợp lún sâu vào những công việc khác, không phục vụ cho mục đích nghiên cứu, và nó có thể làm bạn phân tâm.
sinhvienusa.org