Bài dự thi HTNM4 – Thể loại Bài Viết
Hình 1: toàn bộ thành viên trong nhóm thiện nguyện của GB ở Panama.
Mỹ vốn nổi tiếng về sự kỹ tính và có tầm nhìn, điều đó đã thể hiện ra từng sản phẩm họ tạo nên và sau chuyến đi thiện nguyện của Global Brigades (GB) ở Panama do trường Dược thuộc University of Washington, Seattle, tôi đã được chứng kiến họ thể hiện điều đó trong việc giúp đỡ người gặp khó khăn thế nào. Với bài viết này, tôi mong đem đến cho mọi người một cái nhìn rộng và sâu hơn trong việc làm thiện nguyện thế nào để hiệu quả và có tầm ảnh hưởng lâu dài.
Người Việt chúng ta vốn rất nhân ái và nhiệt tình trong công tác thiện nguyện. Những thùng mì, áo quần, tập vở, tiền bạc… được gởi về những vùng sâu vùng xa, đặc biệt khi có thiên tai như lũ lụt. Đối với tôi trước kia, đó là cách giúp nhiệt thành nhất. Nhưng người Mỹ thì không dừng ở đó, khi Mỹ mang đồ tới cho bạn, họ sẽ đứng cách xa bạn đủ để bạn nhìn thấy họ, họ sẽ hỏi: “Tôi mang đồ đến để giúp bạn, bạn có muốn giúp không?” Bạn muốn được giúp thì bạn phải bước tới và lấy đồ, chứ họ không đi tới gần bạn đưa tận tay, nói vài lời hỏi thăm rồi đi. Sau đó, họ sẽ hỏi bạn thùng mì đó bạn nấu thế nào, áo quần đó đc mặc ra sao, tập vở tặng các em nhỏ rồi các em có dùng cho mục đích học tập như mong muốn không, số tiền họ giúp bạn sẽ làm gì với nó. Sau đó, họ sẽ chỉ cách bạn nấu mì ngon và thêm rau dưa cho bổ dưỡng thế nào, áo quần kết hợp thế nào cho đẹp, tập vở mục đích gì là hợp lý, còn tiền, họ không cho không mà đề nghị bạn phải bỏ vốn và họ sẽ góp cho bạn số tiền bằng với số vốn đó, chỉ bạn cách quản lý chi tiêu và làm ăn thế nào. Họ sẽ đứng đó theo dõi bạn, khi bạn tự đứng trên đôi chân của mình rồi, họ mới đi, tiếp tục giúp những người khác. Họ không “cho” mà họ thực sự “giúp”, không chỉ giúp về vật chất mà còn giúp về kiến thức bởi kiến thức chính là thứ trường tồn, là thứ theo người ta cả đời. Đó chính là điều mình học được từ chuyến đi này.
Sơ lược về Global Brigades (GB)
GB là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, toàn cầu với những nước thành viên: Mỹ, Canada, Đức, Thuỵ Sĩ, Ai len, Anh, Ghana, Honduras, Panama, và Nicaragua. GH có đại diện ở rất nhiều trường đại học ở các nước thành viên. Mỗi chuyến đi thiện nguyện là sự kết hợp giữa nhiều trường đại học và nhóm tình nguyện bản địa. Các trường đại học có nhiệm vụ quyên góp tài chính để chi trả dụng cụ y khoa và thuốc thang mang theo trong chuyến đi, và quan trọng nhất là đóng góp nhân lực. Các nhóm tình nguyện bản địa có nhiệm vụ kêu gọi người dân tham gia, kết nối với các nhóm ở trường đại học, theo dõi và duy trì kết quả của mỗi dự án được thực hiện.
Sứ mệnh của GB là kết nối và tiếp lửa cho tình nguyện viên và những khu vực kém phát triển cùng nhau giải quyết những vấn đề sức khoẻ toàn cầu và bất bình đẳng trong kinh tế.
Website chính thức: https://www.globalbrigades.org/
Gây quỹ
Một chuyến nhiệm vụ có quy mô lớn và chuyên nghiệp, ngay khi đã hạn chế những chi tiêu không cần thiết, thì chi phí cũng khá tốn kém, nên việc gây quỹ là thiết yếu. GB gây quỹ từ rất nhiều nguồn khác nhau và sau đây là 4 nhóm chính:
- Cá nhân
- Mỗi cá nhân tình nguyện viên phải tự chi trả phí di chuyển và ăn ở ở vùng bản địa.
- Tổ chức
- Một số tổ chức ở nước tình nguyện viên đang sinh sống và vùng bản địa được thông báo về dự án và kêu gọi tài trợ kinh phí hay cung cấp nhu yếu phẩm hay chỗ trọ. Ví dụ là nhóm của tôi khi ở Panama trong những ngày thiện nguyện đều miễn phí tiền phòng vì đó là một khu nhà ở của nhà thờ, và nhà thờ khu vực rất ủng hộ dự án của chúng tôi.
- Tư nhân
- Công ty tư nhân rất đa dạng và họ có thể đóng góp tiền hay những sản phẩm của họ để tình nguyện viên gây quỹ. Ví dụ nhóm chúng tôi được rất nhiều nhà thuốc tại Seattle tài trợ thuốc và kính cận/viễn để mang theo. Một hãng cà phê Panama cũng tài trợ hàng trăm gói cà phê organic để nhóm bán và nhóm được chia một phần trong toàn bộ số tiền kiếm được. Cách này rất thông minh cho doanh nghiệp tư nhân vì lý do quảng bá thương hiệu và tăng doanh thu trong khi lại vừa chia sẻ và lan rộng lòng tốt. Và còn rất nhiều tổ chức và công ty tư nhân khác đã giúp nhóm tôi trong chuyến đi này.
- Tập đoàn lớn
- Những tập đoàn và công ty lớn như Microsoft và Boeing có chương trình “matching” dành cho trường đại học và những tổ chức thiện nguyện. Matching nghĩa là công tư sẽ ủng hộ đồng số tiền hoặc phần trăm số tiền mà nhân viên của công ty đóng góp. Ví dụ nhân viên Microsoft (tỉ lệ match 1:1) ủng hộ $1.000 cho GB thì Microsoft cũng “match” $1.000, vậy GB sẽ có tổng cộng $2.000.
Thực hiện nhiệm vụ y nha
GB gọi đó là “thực hiện nhiệm vụ” (mission) chứ không phải “từ thiện” hay “tình thương”. Tôi cũng đồng tình với GB lại bởi trong chữ “từ thiện” thể hiện sự tuỳ ý tuỳ tình, có thì tốt không có cũng không sao, còn từ “nhiệm vụ” phản ánh một phần trách nhiệm, mà mỗi con người sinh ra trong đời đã mang trong mình trách nhiệm với xã hội. Đồng thời, từ “nhiệm vụ” cũng thể hiện sự tôn trọng rõ nét hơn dành cho người dân ở vùng khó khăn.
Chuyến “nhiệm vụ” mà tôi đi là chuyến y nha thứ 2 của hội GB trong năm tại phía Nam Panama. Một chuyến y nha luôn hội tụ y, nha, dược sĩ, y tá, giáo sư (gs) và đa số là sinh viên (sv) các trường đó theo giúp và thực tập kiến thức vốn đã học ở trường. Ngoài ra, những chuyên gia khác cũng được khuyến khích tham gia, như nhóm chúng tôi còn có thêm một chuyên viên vật lý trị liệu. Chuyến của tôi có tổng cộng 3 trường tham gia: trường Dược thuộc University of Washington (Mỹ), trường y tá thuộc Seattle University (Mỹ), và King’s College (Anh).
Cách hoạt động của một nhiệm vụ y nha
- Phòng 1 tiếp nhận bệnh nhân: hoàn toàn do sinh viên đảm nhận, có trách nhiệm đo cân nặng, chiều cao, huyết áp và những thông tin sức khoẻ liên quan khác. Toàn bộ thông tin đều được lưu trữ trong hệ thống máy tính phục vụ cho việc báo cáo và theo dõi tiến triển của dự án sức khoẻ.
Hình 2 & 3: hơn 200 người dân xếp hàng để vào khám từ 6 giờ sáng, trong khi 9 giờ sáng thì phòng mạch mới mở cửa.
- Phòng 2 khám bệnh: nơi bác sĩ trực tiếp nói chuyện, khám và kê toa cho bệnh nhân.
- Phòng 3 vật lý trị liệu: nơi chuyên viên tư vấn tướng đi đứng ngồi đúng đắn, và một số bài tập cơ bản để giảm đau cho một số bệnh nhân, đa số là đau lưng.
- Phòng 4 nha: nơi bệnh nhân được làm sạch răng, trám flo, nhổ răng và tư vấn vệ sinh răng miệng hoàn toàn miễn phí.
Hình 4: Đội ngũ nha khoa
- Phòng 5 nhà thuốc: trường tôi mang tổng cộng 100 ký thuốc chia ra 7 va li bao gồm kháng sinh, thuốc vitamin tổng hợp (100% bệnh nhân được cho thuốc vitamin bất kể bệnh gì từ trẻ em đến người già), thuốc giảm đau, thuốc huyết áp và mắt kính cho người bị lão thị,…. Ngày đầu 2 dược sĩ phải cực lực cùng sinh viên chuẩn bị và phân phát hơn 400 toa thuốc trong vòng 7 tiếng đồng hồ (hình 5,6,7).
- Phòng 6 tư vấn sức khỏe: do gs cùng sv trường dược đảm nhận với trách nhiệm tư vấn cách uống thuốc đúng đắn, ăn uống và lối sống điều độ để phòng ngừa và chữa bệnh.
- Phòng 7 giáo dục được chia thành 2 nhóm, nhóm trẻ con được học hát về cách vệ sinh răng miệng và cơ thể. Mọi kiến thức được đưa vào bài hát hay bài vè để trẻ em nhớ lâu. Phòng giáo dục người lớn sẽ giảng dạy về giới tính và biện pháp tránh thai an toàn, và được phát bao cao su miễn phí.
Báo cáo và góp ý sau mỗi nhiệm vụ
Mỗi 6 tháng, nhóm bản địa cùng nhân viên của tổ chức GB tạo nên 1 bản báo cáo dựa vào quan sát và số liệu thu thập được từ toàn bộ những chuyến nhiệm vụ của hội trong khoảng thời gian đó. Kèm theo đó là nhận xét và đóng góp ý kiến của người dân và những thành viên trong chuyến đi để hoàn thiện những dự án sau. Bản báo cáo này được gởi cho từng cá nhân tham gia.
Một mẫu báo cáo đa quốc gia của GB trong năm 2015: https://s3.amazonaws.com/emma-assets/c5jbb/05fc76456f669bc435ccf6906919e940/Seasonal_Programming_Report_-_Panama_Summer_2015_.pdf
Nhiệm vụ y nha chỉ là khởi đầu cho những nghiệm vụ khác
Một chuyến nhiệm vụ y nha chỉ là tiên phong cho những chuyến nhiệm vụ khác. Y nha luôn đi đầu bởi sức khỏe là nhu cầu cơ bản và thiết yếu, và cũng để tạo niềm tin yêu ở người dân bản địa. Sau đó,
- Nhiệm vụ 2 tài chính vi mô: do gs và sv trường kinh tế đảm nhận, giúp người dân quản lý chi tiêu hợp lý, tạo một quỹ nhỏ để người dân góp vốn và hội GB sẽ góp cho người đó đồng số tiền vốn (mỗi người sẽ có gấp đôi số tiền), chỉ cách tạo tín dụng, cách vay mượn tiền và trả nợ hợp lý.
- Nhiệm vụ 3 y tế cộng đồng: do gs và sv trường y tế cộng đồng kết hợp với trường kỹ sư/kiến trúc xây dựng khu nhà vệ sinh, nhà nấu ăn hợp chuẩn an toàn và vệ sinh. Đa số bệnh về da ở những nước này là do sinh hoạt thiếu vệ sinh, đội y nha chỉ chữa triệu chứng chứ chưa chữa cái gốc, cái căn nguyên nên nhiệm vụ 3 đảm nhiệm điều này.
- Nhiệm vụ 4 kinh doanh: do gs và sv trường kinh doanh giúp người dân kinh doanh, huy động vốn, tạo nên lãi suất và phát triển sản phẩm tự chọn.
- Nhiệm vụ 5 môi trường: do gs và sv trường nông lâm nghiệp và khoa học môi trường định hướng người dân theo mô hình organic, thu hoạch năng lượng sạch (gió và ánh sáng mặt trời).
- Nhiệm vụ 6 nhân quyền, đi sau cùng: do gs và sv trường luật tư vấn luật pháp cho người dân, giúp kiện cáo, giáo dục người dân về nhân quyền.
Vui chơi và học hỏi
Mỗi chuyến thiện nguyện của GB được thiết kế không chỉ để giúp người dân bản địa, mà còn giúp sinh viên khắp nơi trên thế giới trau dồi kiến thức văn hoá một vùng đất và thư giãn giải trí sau thời gian học tập căng thẳng.
Hình 8: nhóm vui chơi trên một bờ biển Panama
Hình 9: Tôi được đi tham quan kênh đào Panama kết nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương – một tuyệt tác trong ngành xây dựng.
Chất lượng trên số lượng
Mỹ kỹ tính và có tầm nhìn, quả không sai. Sau chuyến đi này tôi mới có dịp mở rộng con mắt, tôi cũng muốn Việt Nam được giúp như thế này. Tôi đã ngỏ lời với người lãnh đạo tại sao không mở rộng ra Việt Nam, thì họ bảo họ cũng muốn nhưng GB chú trọng phát triển chất lượng hơn số lượng. Họ tập trung lực lượng tình nguyện viên khắp thế giới vào một vùng nhất định trong vòng khoảng 5 năm, khi mà vùng tự lực đứng vững trên đôi chân của mình, họ mới đi giúp vùng khác.
Áp dụng mô hình thiện nguyện này ở Việt Nam
Tôi nghĩ mô hình này rất hay và có thể thực hiện được, bởi Việt Nam đã quá quen thuộc với “Mùa Hè Xanh”, và đã có cái nhiệt huyết giúp đỡ, thế sao không học hỏi, tự thực hiện cho nước mình, nâng “mùa hè xanh” và nhiệt huyết đó lên một tầm cao mới, có tổ chức hơn, thường xuyên hơn, kết hợp nhiều trường, ngành nghề khác nhau. Sinh viên đã có kiến thức chuyên môn, sao không chia sẻ kiến thức đó, dưới sự hướng dẫn của giáo viên để giải những bài toán thực tế, cũng từ đó học hỏi trau dồi kinh nghiệm cho bản thân hơn.
Trong tương lai, tôi hi vọng mình và những người bạn cùng chí hướng, hay những người chưa là bạn của tôi nhưng cảm được bài viết này, xây dựng thành công một tổ chức hay hệ thống thiện nguyện hiệu quả ở những vùng chưa phát triển ở quê nhà Việt Nam.
Tác giả: Tee Nguyễn
University of Washington, Seattle
Email liên lạc: thao29@uw.edu