Bài dự thi HTNM4 – Thể loại Bài Viết
Toán học, Tài chính và Tôi
Tác giả: Vương Minh Thao
Lời dẫn: Từ lâu hai vợ chồng chúng tôi đã nuôi ý định làm cùng nhau một việc gì đó mà khiến chúng tôi thấy vui và lại có ích cho cộng đồng nhưng do có quá nhiều thứ trong công việc, trong cuộc sống khiến chúng tôi phải tạm gác lại việc này. Vào dịp này, Hội thảo Sáng Kiến Phát triển Việt Nam sẽ diễn ra tại Washington D.C trong khuôn khổ Vòng tay nước Mỹ 4. Giáo sư Ngọc Anh là một người thầy của vợ tôi và cũng là một người bạn thân thiết của gia đình chúng tôi sẽ cùng nhiều học giả người Việt góp mặt trong sự kiện này để trình bày những sáng kiến, đề xuất đóng góp cho Việt Nam. Những gì anh đã và đang làm cho Việt Nam luôn khiến tôi cảm phục và thấy cần có trách nhiệm hơn với quê hương của mình không chỉ qua suy nghĩ mà bằng cả những hành động cụ thể. Đây cũng là lý do, vợ tôi đã đề xuất tôi dành thời gian chia sẻ về con đường dẫn tôi đến với lĩnh vực tài chính và làm cách nào tôi và những đồng môn dù ở đâu cũng có thể đóng góp cho sự phát triển của ngành tài chính Việt Nam. Câu chuyện của tôi cũng có thể là một gợi ý cho những bạn trẻ nào đam mê toán học và muốn thử sức trong những lĩnh vực đòi hỏi cả toán và kiến thức xã hội. Tôi hy vọng bài viết này của chúng tôi sẽ nhận được những góp ý và sự chung tay của những ai quan tâm
Nội dung chính
Có lẽ lý do lớn nhất khiến tối muốn chuyển qua học ngành tài chính sau khi tốt nghiệp chương trình tiến sỹ toán ở Học Viện Công Nghệ Georgia là vì đã từ lâu tôi luôn đắn đo về ứng dụng toán học vào thực tiễn cuộc sống. Mặc dù vậy, những nghiên cứu toán của tôi trước đấy hoàn toàn lý thuyết nên rất khó có thể tìm cách “lái” được sang một hướng có tính ứng dụng hơn.
“Tất cả thay đổi sau khi con gái của tôi chào đời vào mùa hè năm 2012.”
Lúc đó tôi mới thực sự cảm nhận được trách nhiệm của một người chủ gia đình và cần có một tương lai chắc chắn hơn. Lựa chọn công việc cho một người có bằng tiến sỹ toán lý thuyết là khá hẹp, và nếu không có sự chuẩn bị từ trước thì con đường duy nhất là làm thêm 3 đến 5 năm sau tiến sỹ sau đó nộp hồ sơ vào các vị trí giáo sư (Assistant Professors) hoặc nếu không được thì các vị trí giảng viên (Lecturers) tại các trường đại học. Tuy vậy, do số lượng tiến sỹ tốt nghiệp từ các trường Đại học ở Mỹ ngày càng nhiều nên thị trường việc làm ngành này ngày càng cạnh tranh, nhất là khi nhiều trường bị cắt giảm ngân sách sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.
“Chính tương lai rất bấp bênh và nhiều may rủi này là cú huých lớn giúp tôi chọn ra một con đường phù hợp hơn cho bản thân mình.”
Một là tự học thêm về toán tài chính và nộp hồ sơ vào các ngân hàng đầu tư. Cá nhân tôi biết một số người có nền tảng toán học như tôi đã chọn hướng này, và có lẽ đây đã là một hướng tôi có thể thích ứng dễ hơn vì kiến thức toán sẽ giúp việc học các công cụ dùng trong toán tài chính dễ hơn cho tôi. Và hai là lấy thêm một tấm bằng tiến sĩ khác trong lĩnh vực tài chính để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu trong các trường Đại học.
“Tôi tìm rất nhiều nguồn tài liệu để đọc, và cũng tìm rất nhiều người có hồ sơ tương tự như mình để hỏi.”
May mắn thay, trong một lần lên Chicago, tôi được tiếp xúc với một cặp vợ chồng giáo sư rất am hiểu về lĩnh vực này thì được biết các chương trình tài chính dạy trong business schools (cần phân biệt với chương trình toán tài chính trong các khoa toán) thực ra là một nhánh của kinh tế, và các nghiên cứu khoa học trong ngành này nhắm vào trả lời các câu hỏi mang tính vĩ mô và có ích cho cộng đồng, khác hoàn toàn với mục tiêu chính là lợi nhuận của các ngân hàng kinh doanh. Sau đó tôi bắt tay tìm hiểu sâu hơn về những phân ngành trong lĩnh vực tài chính, tự vấn bản thân đâu là cái mình thật sự mong muốn, đâu là đích đến mà mình thực sự muốn hướng tới.
“Gần một phần ba cuộc đời dành cho toán học nên đối với tôi, toán không chỉ là đam mê mà còn là một phần máu thịt của mình.”
Vậy nên nếu có chuyển ngang sang một lĩnh vực khác, tôi muốn sử dụng toán như một công cụ đắc lực giúp tôi có được những kết quả nghiên cứu có ích và có tầm ảnh hưởng. Cả hai hướng đi (bỏ ra ngoài làm cho các công ty tài chính hoặc theo đuổi để trở thành giáo sư tài chính trong các trường Đại học) đều có một điểm chung là dùng rất nhiều công cụ toán nhưng chỉ có theo đuổi con đường nghiên cứu học thuật mới giúp tôi thoả mãn niềm đam mê nghiên cứu cũng như tận dụng tối đa được nền tảng toán học của mình nhằm tạo ra những giá trị bền vững cho xã hội.
Lựa chọn này là một sự đánh đổi lớn và rất có thể khiến tôi hối hận vì đã từ bỏ đi tấm bằng tiến sĩ Toán và từ chối những lời mời làm việc hấp dẫn từ các công ty tài chính để bắt đầu lại từ đầu.
“Nhưng nếu nghĩ khác đi, bước chuyển này sẽ giúp tôi có cơ hội chiêm ngưỡng một vẻ đẹp khác của toán học qua một lăng kính mới và đồng thời, giúp nhiều người hiểu thêm về những nghiên cứu của tôi khi chúng gắn kết nhiều hơn với đời sống thường nhật.”
Sau hai năm học kiến thức nền tảng tại khoa kinh tế và khoa tài chính tại trường Washington University tại thành phố Saint Louis (trong top 30 các trường Đại học nghiên cứu về tài chính của Mỹ[1]), tôi thấy có rất nhiều hướng nghiên cứu mở và thú vị mà tôi có thể theo đuổi. Và tôi càng hứng thú hơn khi tài chính ngày càng cần nhiều công cụ từ toán học. Để làm rõ hơn việc này, tôi xin đưa ra một ví dụ đơn giản phỏng theo mô hình Lucas Tree nổi tiếng của nhà kinh tế học Robert Emerson Lucas Jr. Hãy tưởng tượng trên một hòn đảo chỉ có hai người. Hai người này tồn tại nhờ tiêu thụ quả bởi một loại dưa, và số lượng quả dưa được sinh ra là ngẫu nhiên và không ai có thể biết trước ngày mai cây sẽ ra bao nhiêu quả. Và giả sử thêm hai điều kiện rằng (1) loại dưa này ăn không bao giờ no, nên ăn càng nhiều càng tốt, và nếu để qua hôm sau sẽ bị hỏng và phải bỏ đi và (2) từ lúc mới sinh ra, cả hai người đều là chủ một nửa cây dưa này và nếu cây sinh ra bao nhiêu quả, thì mỗi người được một nửa số quả đó. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt duy nhất giữa hai người này là người A ưa thích rủi ro mạo hiểm, còn người B thích có một tương lai ổn định. Sự khác biệt duy nhất này khiến cả hai có chung một suy nghĩ: người B có thể nhượng lại một phần sở hữu cây dưa của anh ta cho người A, đổi lại người A phải trả lại người B một số lượng dưa nhất định. Qua đó, một câu hỏi thú vị nảy sinh là: cứ mỗi phần sở hữu cây dưa người B trao cho người A, người A phải trả bao nhiêu quả dưa cho người B? Một trong những yếu tố quyết định câu trả lời cho câu hỏi này là đặc tính của quá trình ra quả ngẫu nhiên (Stochastic process) của của số quả dưa được sinh ra mỗi ngày. Một hiểu biết căn bản về giải tích ngẫu nhiên (Stochastic Calculus) sẽ giúp bạn giải được bài toán kinh tế này.
Trong thực tế, nếu coi hòn đảo trong ví dụ trên tượng trưng cho một đất nước, với hai người A, B là đại diện cho những nhóm người khác nhau trong đất nước này và cây dưa là tổng hợp tất cả tài sản và mỗi người dân có quyền sở hữu một phần của số tài sản này, nhà nghiên cứu có thể phát triển hướng nghiên cứu của mình về mối quan hệ giữa những yếu tố tác động tới quá trình định giá tài sản với giá trị thị trường của tài sản đó. Chẳng hạn, trong quá trình cổ phần hóa tại Việt Nam, người dân có thể trực tiếp mua và làm chủ các công ty trước đây thuộc sở hữu của nhà nước. Ta có thể phân loại những cổ đông này thành nhiều nhóm, ví dụ theo tiêu chí mức thu nhập và trình độ học vấn. Sự khác biệt của các nhóm cổ đông này sẽ có ảnh hưởng lớn đến biến động giá cổ phiếu thị trường. Như vậy, việc hiểu được đâu là yếu tố có tầm ảnh hưởng chính (chẳng hạn như thu nhập hay trình độ học vấn hay cả hai), doanh nghiệp sẽ biết cách huy động vốn hiệu quả hơn từ người dân.
Đây chỉ là một ví dụ cơ bản để mô tả những yếu tố tác động vào nhà đầu tư khi chọn mua cổ phiếu của một công ty, và căn cứ vào đó, định giá được giá trị của công ty. Hướng nghiên cứu này còn gọi là Asset Pricing (Định giá tài sản): là một nhánh nghiên cứu lớn trong tài chính mà tôi đang theo đuổi nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, các cá nhân hiểu được những yếu tố ảnh hưởng đến biến động giá trị các tài sản như trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản, v.v., từ đó đưa ra những sách lược điều chỉnh phù hợp nhằm tối đa hoá giá trị tài sản đó trong tương lai.”
Khi đi sâu hơn, người nghiên cứu có thể dựa vào mô hình cây dưa ở trên và những các công cụ toán học (lý thuyết và định lượng) và trực quan cá nhân để mở rộng hướng nghiên cứu của mình.
“Đến với toán học là một định mệnh, chuyển sang tài chính là một cơ duyên mà cái duyên này giúp tôi khám phá được những điều thú vị khác của toán học khi được ứng dụng vào tài chính. Hai ngành học này thực chất bổ trợ cho nhau và đều giúp tôi tận dụng và phát huy được thế mạnh của mình, từ đó đặt tôi vào một vị trí phù hợp hơn khi muốn quay trở lại đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam”.
Cũng qua bài viết này, tôi và một vài người bạn đồng môn mong muốn kết nối với những cá nhân người Việt Nam đang làm nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính để suy nghĩ về việc thành lập một mạng lưới những nhà nghiên cứu người Việt trong lĩnh vực tài chính (VietFinance) với các mục tiêu dự kiến:
- Trao đổi chuyên môn: các thành viên thảo luận, cập nhật các thông tin chuyên môn, tìm kiếm câu trả lời cho một vấn đề nghiên cứu qua một online platform (facebook).
- Trao đổi kinh nghiệm: các thành viên trao đổi kinh nghiệm làm việc với giáo sư; kinh nghiệm nghiên cứu; kinh nghiệm đi hội thảo; kinh nghiệm thuyết trình; kinh nghiệm xin việc, v.v.
- Trao đổi cơ hội: các thành viên chia sẻ những cơ hội nghiên cứu, các mối quan hệ để phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp.
- Hướng tới cộng đồng: các thành viên tổ chức các buổi toạ đàm định kỳ thảo luận các vấn đề mà ngành tài chính của Việt Nam đang gặp phải, đồng thời đưa ra những sáng kiến/đề xuất/chương trình hành động cụ thể giúp tháo gỡ những vấn đề này; giúp đỡ các nhà nghiên cứu trẻ mới vào ngành; và kết nối với những cộng đồng nghiên cứu khác để triển khai những dự án chung.
Chúng tôi hy vọng mạng lưới này giúp làm tăng sự gắn kết giữa những nhà nghiên cứu người Việt để cùng giúp nhau phát triển chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực nghiên cứu và đồng thời, tạo điều kiện để mọi người đóng góp những sáng kiến và chương trình hành động cụ thể cho Việt Nam theo khả năng của mình. Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ: tvuong@wustl.edu.
Vương Minh Thao
Tiến sĩ toán trường Đại học Georgia Institute of Technology, 2008-2014
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tài chính trường Đại học Washington University- Saint Louis (2014- đến nay)
——————————————————————————————————————————————-
[1] http://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=969413