Nhiều bằng chứng cho thấy quan chức giáo dục Trung Quốc lộ đề, giúp sinh viên đạt điểm cao trong kỳ thi lấy chứng chỉ đánh giá toàn cầu, nhằm dễ dàng nhập học vào các đại học Mỹ.
Chứng chỉ đánh giá toàn cầu (GAC) là chương trình dự bị đại học có giá trị hơn 10.000 USD/năm, giúp sinh viên nước ngoài ở các quốc gia không nói tiếng Anh có nền tảng kiến thức và kỹ năng cần thiết cho bậc đại học và đạt điểm tối đa trong kỳ thi chuẩn hóa đầu vào đại học ở Mỹ (ATC).
Trong cuộc trò chuyện của phóng viên Reuters với 7 sinh viên Trung Quốc, những người này cáo buộc nhiều quan chức giáo dục và giám thị biết nhưng vẫn cho phép hành vi gian lận diễn ra trong kỳ thi ACT tại 3 điểm thi của chương trình.
Nhiều cáo buộc cho rằng các kỳ thi chuẩn hóa đầu vào đại học Mỹ do Trung Quốc tổ chức xảy ra các hành vi gian lận. Ảnh: Getty. |
“Một sinh viên đang du học tại Đại học California, Los Angeles, Mỹ, cho biết, quan chức giáo dục của GAC ở Trung Quốc đã giúp anh biết gần nửa số câu hỏi của đề ACT khoảng một tuần trước thi. Sinh viên khác, đang học đại học ở miền Trung Tây, tiết lộ trung tâm anh tham dự kỳ thi đã gửi cho sinh viên hai bài có trong đề trước khi kỳ thi diễn ra”, Reuters cho biết.
Ngoài ra, 8 giáo viên và những người quản lý ở 7 trung tâm khác cũng khẳng định các kỳ thi có sự gian lận và 2 trường hợp được hỗ trợ bởi quan chức ngành giáo dục.
Nhiều đại học ở Mỹ đã bắt đầu lưu ý và tỏ ra lo ngại về vấn đề này. “Những cáo buộc gian lận khiến chúng tôi rất lo lắng”, Timothy Tesar, Trợ lý Giám đốc Tuyển sinh quốc tế tại Đại học bang Iowa, nói. Ngôi trường này đã tiếp nhận 132 sinh viên từ chương trình GAC từ năm 2009.
Một phát ngôn viên của ACT thừa nhận các cáo buộc và cho biết có sự gian lận nghiêm trọng trong chương trình này.
“Kỳ thi ACT được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, diễn ra nghiêm túc và cam kết đảm bảo tính hợp lệ, công bằng về điểm số cho tất cả thí sinh. Tuy nhiên, sẽ luôn có những hành vi cố gắng gian lận và sự cố xảy ra. Ban tổ chức ACT cũng thiết lập những biện pháp và quy trình kiểm tra an ninh nhằm phát hiện và ngăn chặn sự gian lận từ trước, trong và sau kỳ thi. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực và thường xuyên cải tiến các quy trình”, người phát ngôn của ACT nói.
Jason Thieman, một cựu giáo viên ở trung tâm GAC của Đại học Tập Mỹ, Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, tiết lộ hành vi gian lận xảy ra khá phổ biến.
“Nếu văn phòng tuyển sinh của các trường đại học nhận sinh viên từ chương trình GAC biết rõ những gì đang xảy ra, đặc biệt là trong kỳ thi ACT, tôi nghĩ họ sẽ không muốn nhận bất kỳ sinh viên nào nữa”, ông Thieman khẳng định.
Vấn nạn gian lận thi cử trong chương trình Chứng chỉ đánh giá toàn cầu (GCA) khiến nhiều trường đại học ở Mỹ lo lắng. Ảnh: Shutterstock |
Theo Reuters, những cáo buộc trên càng trở nên phức tạp khi chương trình GAC thuộc quyền sở hữu và giám sát của ACT, Inc – công ty quản lý bài thi ACT. Đây cũng không phải lần đầu tiên xuất hiện những cáo buộc gian lận trong kỳ thi chuẩn hóa đầu vào đại học Mỹ ở các quốc gia châu Á.
Tháng 6 vừa qua, đợt thi ACT ở Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) buộc phải hủy vì những nghi ngờ gian lận, New York Times đưa tin. Trong khi đó, The Times cho biết thêm, vi phạm liên quan việc dữ liệu thi bị rò rỉ, ảnh hưởng 5.500 sinh viên tại 56 trung tâm. Kỳ thi bị hủy bỏ vài giờ trước khi diễn ra.
Mới đây, một cuộc thảo luận tổng thể về sự gian lận tại các trường đại học Mỹ đã được tiến hành. Phân tích của Wall Street Journal cho rằng, sinh viên nước ngoài gian lận nhiều hơn sinh viên Mỹ.
Trích dẫn số liệu từ 14 trường đại học công lập lớn, tờ báo này cho biết, cứ 100 sinh viên nước ngoài thì có khoảng 5 người gian lận. Trong khi đó, trường hợp này ở sinh viên Mỹ chỉ là 1/100 người.
Tại hầu hết trường đại học, những báo cáo về hành vi gian lận của du học sinh cao gấp hai lần, thậm chí có nơi gấp 8 lần, so với sinh viên Mỹ.
Biện minh cho vấn đề này, một số người cho rằng, sinh viên ngoại quốc không hiểu hoặc không chấp nhận được tiêu chuẩn về quy tắc đạo đức trong giáo dục của Mỹ.
Theo Zing
Xem bài gốc tại đây