
Tiếp nối câu chuyện về một Huyền Chip thật khác khi lựa chọn tạm gác lại những chuyến đi để tiến đến con đường học vấn tại Mỹ mà Sinhvienusa.org chia sẻ đến bạn đọc trong phần 1. Trong phần 2, là cuộc trò chuyện cùng cô nàng 9x với dự án sách “Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford” sắp ra mắt tại Việt Nam của mình.
Chào Huyền, sắp tới bạn sẽ ra mắt cuốn sách về cuộc sống tại Stanford, so với cuốn “Xách ba lô lên và đi” thì nó khác hoàn toàn về nội dung. Người ta đã biết đến Huyền Chip với một hình ảnh của một người trẻ dám sống, dám làm và dám đi nhưng lần này thì khác, bạn có thể lý giải về điều này?
Mình nghĩ tinh thần cuốn sách vẫn vậy. Mình muốn kể chuyện về những con người mình gặp và những điều mình học được. Điều khác là bối cảnh của những câu chuyện này khác với bối cảnh những câu chuyện trong hai cuốn “Xách ba lo lên và Đi.” Hai cuốn sách trước, mình viết về những người mình gặp trên đường. Cuốn sách này, mình viết về những người mình đã gặp ở Stanford.
Huyền có thể chia sẻ những nội dung đáng chú trong cuốn sách sắp ra mắt của mình?
Mình cố gắng miêu tả cuộc sống ở Stanford một cách chân thực nhất có thể, điều đó có nghĩa là nó sẽ bao gồm những điều không phải màu hồng như mọi người vẫn nghĩ về một trường đại học mơ ước. Học trong một ngôi trường tốt với nhiều người giỏi đồng nghĩa với việc áp lực rất lớn. Nhiều người mình biết ở Stanford bị trầm cảm, mắc hội chứng con vịt (con vịt ở trên mặt nước nhìn rất ung dung thong thả, nhưng ở dưới mặt nước thì đạt điên cuồng), thậm chí có mong muốn tự tử, và những điều này sẽ được miêu tả trong sách. Mình cũng nhắc đến những truyền thống quái dị của những sinh viên đại học Mỹ. Mình chỉ sợ là cuốn sách chân thực quá, nhiều phụ huynh sau khi đọc sách sẽ cấm không cho con đi học Mỹ nữa.
Bạn mong muốn gửi đi thông điệp gì đến những đối tượng nào tại Việt Nam thông qua cuốn sách này?
Mình hy vọng cuốn sách này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về môi trường giáo dục của một trong những trường đại học hàng đầu thế giới. Mình cũng hy vọng qua cuốn sách, độc giả sẽ học hỏi được điều gì đó từ tinh thần tự do trong giáo dục và sự tự tin dám nghĩ, dám làm của giới trẻ Mỹ.
Huyền có thể chia sẻ đôi điều về thời gian ấp ủ ý tưởng cũng như giai đoạn bạn viết? Bạn sắp xếp thời gian như thế nào để vừa học tốt mà vừa viết tốt?
Mình tranh thủ hè năm một viết xong cuốn sách. Viết rồi để đấy đến hơn một năm mới ra, vì mình cứ cân nhắc hoài có nên ra sách hay không. Stanford khiến mình hiểu rằng câu chuyện của mình thực sự quá nhỏ bé. Nhưng rồi mình nhận ra rằng cuốn sách này không phải là câu chuyện về mình, mà là câu chuyện về những người mình gặp ở Stanford.
Trong tương lai, những cuốn sách tiếp theo của bạn sẽ tập trung lại vào chủ đề chuyến đi hay về đề tài học tập như cuốn sách này?
Cuốn sách tiếp theo của mình là một cuốn sách tiếng Anh về văn hoá Việt Nam (How to not get your ass kicked in Vietnam: The native’s guide). Cuốn sách sau đó thì chưa biết, rất có thể là cuốn sách về một người thân thiết mà mình vô cùng yêu mến và kính phục.
Cảm ơn Huyền về những chia sẻ, chúc Huyền đạt được nhiều thành tích tốt trong học tập cũng như xuất bản được nhiều cuốn sách hay đến độc giả!
Thông tin về Huyền Chip:
Sau những ồn ào xung quanh hai cuốn sách “Xách ba-lô lên và Đi”, Huyền Chip sang Mỹ và bắt đầu cuộc hành trình của cô ở Stanford. Cô hiện đang học thạc sĩ, ngành Khoa học máy tính, chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo.
Khi không viết lách hay làm nghiên cứu, Huyền Chip thích leo núi, đọc sách, lái xe đến những nơi cô chưa từng đến. Mỗi ngày, cô cố gắng học một điều gì đó mới và viết về trải nghiệm của mình ở www.learn365project.com.
Cuốn sách tiếng Anh đầu tay của cô, “How to not get your ass kicked in Vietnam: The native’s guide“, dự định sẽ ra mắt vào năm 2017.
Những đoạn trích từ “Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford”
“Ở Stanford, tôi đi học và đi làm cùng những người xuất sắc nhất thế giới. Họ tập trung giải quyết những vấn đề có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu người, thậm chí thay đổi lịch sử nhân loại, vì thế tôi thấy câu chuyện của mình thật… nhạt nhẽo. Việc tôi đi nhờ xe dọc châu Phi có nghĩa lý gì khi so với việc cậu bạn tôi nghiên cứu tìm cách ghép hàng trăm ngàn bệnh nhân ung thư với phương pháp trị liệu hiệu quả nhất? Sách của tôi là một trong những cuốn sách bán chạy nhất ở Việt Nam? Anh chàng học cùng lớp Toán với tôi đã tìm ra cách cắt giảm chi phí lắp đặt và tiêu thụ năng lượng mặt trời và lọt vào danh sách “30 Under 30” của Forbes trên toàn thế giới. Tôi giỏi đi thật đấy nhưng có thấm vào đâu so với việc giáo sư của tôi bỏ học khi mới mười bốn tuổi để lang thang khắp thế giới, phát minh ra nhiều phương pháp dùng Toán làm ảo thuật, rồi bất ngờ quay trở lại Harvard và hoàn thành chương trình tiến sĩ trong vòng hai năm? Cô bạn tôi đấu tranh cho việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Cậu hàng xóm phấn đấu cho mục tiêu đưa người lên sao Hỏa. Anh chàng bẽn lẽn tôi hay gặp ở tầng hầm một tòa nhà trong trường là một trong những chuyên gia hàng đầu về Natural Language Processing, anh muốn giúp máy tính hiểu ngôn ngữ con người và có thể giao tiếp như con người vậy.” – Lời mở đầu
“Đi học ở một ngôi trường danh giá hiển nhiên tôi sẽ gặp những người có điều kiện nhất không chỉ trong nước Mỹ mà còn khắp thế giới. Con gái Bill Gates vào trường cùng năm với tôi.Tôi đã tình cờ bắt gặp cậu con trai nhà Steve Jobs đứng tán dóc với bạn ở một góc trong trường. Giang hồ đồn rằng con gái Barack Obama sắp tới sẽ học ở Stanford và Malala, người trẻ nhất giành giải thưởng Nobel cũng muốn theo học tại ngôi trường này. Mùa hè cuối cùng trước khi nhập học, những cô cậu bé mười tám, mười chín tuổi đã khoe trên facebook ảnh lái máy bay riêng trên bầu trời New York, học lái du thuyền ở Seychelles, đi nghỉ với gia đình ở Bahamas. Họ đến từ những gia đình quyền lực nhất. Họ là những đứa trẻ thông minh nhất. Họ học với những giáo sư hàng đầu thế giới. Họ sẽ trở thành bạn bè, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp sau này. Nhìn những bức ảnh của họ trên facebook, tôi tự nhủ: “Thế quái nào mà họ có thể thất bại trong cuộc sống được chứ?” rồi băn khoăn: “Thế quái nào mà tôi có thể hòa nhập ở đây được cơ chứ?””
“Stanford là một môi trường khắc nghiệt. Tất cả chúng tôi được mặc định là những người chiến thắng. Tất cả chúng tôi bị áp lực phải chứng tỏ bản thân. Mỗi giây, mỗi phút hít thở bầu không khí của ngôi trường này là mỗi giây, mỗi phút chúng tôi phải chiến đấu.”
Hạnh Nguyễn Thực Hiện