Mùa xuân này, hàng triệu học sinh trung học sẽ nhận được quyết định tuyển sinh đại học. Thật không may, nhiều sinh viên cũng sẽ nhận được ít nhất một lá thư từ chối.
Có thể không dễ dàng vượt qua nỗi thất vọng khi không được nhận vào trường mong muốn, nhưng hãy xem đó là một kinh nghiệm học tập và bạn có thể rút ra được nhiều bài học quý giá.
- Trường có thể không phù hợp với bạn
Khi nhận hồ sơ xem xét đơn đăng kí, trường không chỉ dựa vào kết quả học tập hay điểm thi của bạn. Họ có thể xem xét các sở thích của bạn ở bên ngoài trường học hoặc những đặc điểm tính cách của bạn. Bạn có thích thử thách không? Bạn có phải là người có động lực học tập? Những yếu tố như vậy có thể giúp các nhân viên tuyển sinh xác định liệu bạn có phù hợp với trường đại học hay không. Bị từ chối cũng giúp bạn tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và nỗ lực khi theo đuổi một trường không thích hợp để đầu tư vào một trường khác.
- Lựa chọn thứ hai cũng có thể là quyết định sáng suốt
Ngay cả khi bạn rất yêu thích trường học đã từ chối bạn, hãy nhớ rằng mọi thứ sẽ ổn. Có hàng ngàn trường đại học khác nhau trên toàn quốc, và bạn có thể tìm thấy một trường khác thích hợp hơn.
Dành ít phút và đánh giá lại những gì bạn đang tìm kiếm. Hãy ghé thăm văn phòng hướng dẫn tại trường trung học của bạn. Hãy nhờ cố vấn học tập cho bạn lời khuyên về cách chọn trường dựa vào hồ sơ của bạn. Họ có thể so sánh các trường khác nhau và hướng dẫn bạn đi đến quyết định đúng đắn.
- Vượt qua sự từ chối sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn
Bị từ chối là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống. Bị từ chối có thể làm bạn nản lòng, nhưng cũng có thể làm cho bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Có thể bạn sẽ bị từ chối nhiều lần khi đăng kí vào những trường khác trong tương lai (như chương trình sau đại học, thực tập, công ăn việc làm và học bổng). Và tất nhiên, cũng sẽ có những khoảnh khắc tuyệt vời khi bạn được chấp nhận!
Điều quan trọng là học được gì sau những lần bị từ chối và được chấp nhận. Nếu một trường đại học từ chối đơn của bạn, hãy suy nghĩ về lý do tại sao – bạn đã vội vàng trong khi viết bài luận chăng? Hay đơn của bạn không đầy đủ? Tương tự như vậy, nếu một trường học chấp nhận bạn, hãy xem xét những gì có thể dẫn đến kết quả này. Đơn của bạn có bao gồm các thư giới thiệu không? Bạn có dành nhiều thời gian và nỗ lực để viết bài luận của mình? Xem xét những điểm mạnh và điểm yếu của hồ sơ đăng kí có thể giúp bạn tránh khỏi việc từ chối trong tương lai.
Theo usatoday