
Bài dự thi Hành Trình Nước Mỹ 5 – Thể loại Bài viết
Thấu hiểu từ cách thế giới hiểu về Việt Nam
Tác giả: Phương Nguyễn
Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần về quê thăm ông ngoại, tôi thường hay được ông ôm vào lòng rồi kể chuyện cho nghe. Chuyện học hành, chuyện lịch sử xưa nay, chuyện địa danh đông tây nam bắc. Trí óc ngây ngô khi ấy nghe tai này qua tai khác, những câu chuyện ông kể mờ dần theo thời gian. Chỉ có một số chuyện tôi vẫn nhớ: ông thường nhắc đến các “giai thoại” về các anh chị du học sinh, đạt học bổng cao, học xong được các công ty Mỹ giữ lại làm việc. Ông bảo các anh chị ấy làm rạng danh đất nước, để thế giới hiểu về tài trí quật cường của người Việt khắp năm châu bốn bể. Ông bảo, các anh chị ấy, “đi xe đạp vào Harvard.”
Tưởng rằng chuyện kể chỉ là chuyện kể. Chính tôi cũng không nghĩ, vài năm sau này ông mất, đứa cháu năm nào của ông sẽ kéo vali qua Mỹ đi học. Giai thoại một thời ông truyền lại vẫn còn nguyên trong trí nhớ. Chỉ có điều, tôi không “đi xe đạp.” Tôi cũng không “vào Harvard.”
Tôi cũng không chắc mình đã làm đủ những việc nên làm để thế giới hiểu về Việt Nam. Hay ít nhất là theo cách tôi vẫn từng tưởng tượng.
Năm đầu tiên tới Mỹ, tôi sống cùng với một gia đình người Mỹ gốc Việt vô cùng tốt. Tôi vẫn nói tiếng Việt, vẫn ăn bún bò Huế hàng tuần, vẫn hát karaoke. Ba tháng đầu tới trường, tôi vẫn thấy mình như đi lạc vào xứ lạ. Ở nhà hay ở trường, không ai hỏi tôi Việt Nam là đất nước như thế nào, tôi cũng không bao giờ kể.
Trong mắt bạn bè và thầy cô của ngôi trường ấy, tôi chắc chắn mình nằm trong nhóm “streotypical Asian:” ít nói, đeo kính, nhất quyết không học PE, nhưng nằng nặc đòi vào AP Calculus. Tôi cũng không thấy có gì sai. Dần dần tôi bắt đầu có bạn thân, nhưng đám bạn chơi cùng tôi cũng không quan tâm tôi từ đâu đến. Thời điểm đóng gói hành lý về thăm nhà vào mùa hè, tôi biết nhiều về đồ ăn Mê-hi-cô và sô-cô-la Bỉ hơn là bạn tôi hiểu về bánh mì và phở. Một năm sau khi ngày tôi rời Việt Nam, thế giới không hiểu thêm gì về Việt Nam, nhưng tôi bắt đầu hiểu, làm thế nào để trở thành một phần của thế giới.
Năm thứ hai ở Mỹ, trải nghiệm của tôi bắt đầu đảo ngược 180 độ. Tôi là học sinh người Việt duy nhất tại ngôi trường tôi theo học! “Việt Nam” ở thành 1 phần trong đặc điểm nhận dạng của tôi. Tôi tham gia tất cả các lễ hội văn hoá trong trường. Tôi nhận lời tới chia sẻ kinh nghiệm trong các giờ dạy liên quan tới Việt Nam. Tôi dạy bạn bè rang cơm xào mỳ chiên bánh chưng. Thế giới nhỏ bé quanh tôi luôn có thiện cảm về Việt Nam, tôi nghĩ.
Chỉ trừ những lúc chủ đề “chiến tranh Việt Nam” được nhắc đến. Một đôi lần trong những tình huống bất chợt, hai tiếng Việt Nam vang lên để lại sau đó một khoảng lặng. Tôi chợt nhận ra, đối với nhiều người Mỹ, hồi ức về Việt Nam khác hẳn so với những gì tôi biết. Năm cuối đại học, để chuẩn bị cho một buổi thuyết trình về chiến tranh Việt Nam, tôi đến phỏng vấn một cựu chiến binh Mỹ, một sĩ quan trong quân đội Mỹ. Ông mời tôi tới gặp tại phòng khác nhà ông. Cho tới giờ, tôi vẫn nhớ cái nhìn chăm chú trong suốt cả cuộc phỏng vấn: ông nói ông có trách nhiệm phải làm của một người lính.
Ngày tôi thuyết trình, ông tới sớm, ngồi yên lặng nghe trong hàng ghế khán giả. Tôi nói về cuộc chiến từ góc độ của một thế hệ sinh ra trong hoà bình và từ góc độ của những cựu binh Mỹ mà tôi có cơ hội phỏng vấn, trong đó có ông. Suốt cả buổi, ông chăm chú lắng nghe.
Trong một khoảnh khắc tôi nhìn xuống hàng ghế khán giả, tôi bỗng nhận ra một điều: rằng tôi có Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm để ghi nhớ, còn ông có những ký ức mặt đối mặt trên chiến trường với những cô gái như Đặng Thuỳ Trâm để lãng quên, rằng sự cảm thông phải đến từ hai phía, và rằng sự thấu hiểu, nó bao gồm cả quá khứ, hiện tại, và tương lai.
Khi ấy, tôi biết mình mới bắt đầu hiểu về cách thế giới hiểu về Việt Nam.
Và bắt đầu hiểu thêm về chính mình!