
Bài dự thi Hành Trình Nước Mỹ 6 – Thể loại: Bài viết.
Tác giả: Dương Thị Thư.
Cô Tiến sĩ mê … “vác tù và hàng tổng”!
Đến với nước Mỹ mùa thu năm 2011, Thư nhận học bổng của quỹ Giáo dục Việt Nam theo học Ph.D. ngành Sinh học phân tử và tế bào tại University of Pennsylvania, một trường Ivy League có tiếng tại thành phố Philadephia, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Hành trình Ph.D. là một hành trình quá dài với rất nhiều khó khăn đối với Thư, nhưng nhờ đó Thư nhận ra mình quá mê các hoạt động vì cộng đồng. Vietnam Book Drive, Vietnam Book Drive for Kids, VEFFA Mentoring Program là những dự án mà Thư tham gia và trở thành một thành viên quan trọng, một đốm lửa nhỏ trong nỗ lực của một cộng đồng lớn hơn với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.
Tiến sĩ Dương Thị Thư tại campus của Đại học Pennsylvania
Dự án Vietnam Book Drive (VnBookDrive) thực hiện gửi sách giáo khoa và sách nghiên cứu khối ngành STEM (Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ, Toán và Y học) từ Mỹ về Việt Nam, (www.veffa.org/vnbookdrive/), dự án Vietnam Book Drive for Kids (VnBookDrive4Kids) phục vụ việc gửi sách tiếng Anh thiếu nhi từ Mỹ về Việt Nam, và dự án VEFFA Mentoring Program hỗ trợ sinh viên tại Việt Nam chuẩn bị hồ sơ và tập phỏng vấn cho các chương trình đào tạo sau đại học tại Mỹ (www.facebook.com/veffa.mentoring/).
Sự ham thích với các hoạt động cộng đồng của Thư được thổi lửa bởi chính sự kết nối chặt chẽ của các thành viên trong đại gia đình VEFFA (Hội Nghiên cứu sinh và Học giả Quỹ giáo dục Việt Nam). Khi mới hoàn tất học kì đầu tiên tại Mỹ, Thư đã tham gia vào việc tổ chức hoạt động VEF Idols’ night tại Hội nghị thường niên của Quỹ giáo dục Việt Nam VEF đầu năm 2012. Đây là một chương trình giao lưu giữa các nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Thạc sĩ của quỹ học bổng VEF để tạo cơ hội cho mỗi cá nhân thể hiện tài lẻ của mình. Chương trình rất thành công và sôi động, đã thổi một làn gió mới vào không khí vốn dĩ khá học thuật của cộng đồng VEF, VEFFA, giúp kết nối các thành viên với nhau mạnh mẽ hơn. Từ hội nghị thường niên này, Thư đã được mời vào dự án Vietnam Book Drive (thành lập vào năm 2007) để giúp khởi động lại dự án sau một năm ngừng hoạt động. Đây là một thử thách đáng kể bởi anh Nguyễn Nam, co-founder của VnBookDrive cho rằng việc vực dậy dự án sau một năm ngừng hoạt động còn khó hơn là lúc khởi động dự án. Tuy nhiên, với sự nhiệt tình và năng nổ của mình, Thư đã cùng các thành viên nòng cốt vực dậy thành công dự án Vietnam Book Drive sau một năm vắng bóng, bằng việc hợp tác với Trường Đại học Tôn Đức Thắng TP. Hồ Chí Minh và chuyển hơn 700 đầu sách khoa học về trường đầu năm 2013. Cùng với các thành viên nòng cốt của dự án VnBookDrive, toàn thể cộng đồng VEFFA và cộng đồng du học sinh tại Mỹ, những năm tiếp theo, VnBookDrive tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình bằng việc gửi sách (mỗi trường 2,000 đầu sách) về Trường Đại học KHTN Hà Nội, ĐH KHTN Tp. HCM, Đại học Duy Tân Đà Nẵng và năm 2016 là hơn 5,000 sách gửi về Trường ĐH Tôn Đức Thắng lần thứ hai.
Tình nguyện viên – các du học sinh Việt Nam tại nhiều tiểu bang trên nước Mỹ – đến tham gia Ngày hội sách Annual Book Day 2014 tại UPenn (giúp lấy dữ liệu sách, đóng gói sách để chuyển cho công ty vận chuyển đường biển).
Hệ thống tình nguyện viên của dự án trải khắp tất cả 50 bang của nước Mỹ. Nhằm tăng chất lượng và hiệu quả dự án, Thư cùng team VnBookDrive đã thực hiện và mở rộng nhiều dự án nhỏ và dự án lớn, như khảo sát nhu cầu dùng sách tại Việt Nam để tìm hiểu nhu cầu của đối tượng độc giả tại Việt Nam từ đó chỉnh lại nguồn cung sách tại Mỹ; lập danh sách các cuốn sách chuyên ngành cần phải có ở mỗi khối ngành để giới thiệu đến cho mọi người tại Việt Nam; hợp tác và thực hiện viết dự án Vietnam Interlibrary Network (VIN) – Hệ thống liên thư viện ở Việt Nam – để tận dụng và tối đa hoá tần suất sử dụng của những cuốn sách đã gửi từ Mỹ về và đang nằm trong thư viện của mỗi trường, cũng như tối đa hoá số sách hiện có của mỗi cá nhân để đưa vào vòng quay của việc đọc và chia sẻ. Video mô tả dự án được đánh giá cao http://www.veffa.org/vnbookdrive/vietnam-interlibrary-network-vin/. Tuy chưa xin quỹ thành công, dự án vẫn lấy tầm nhìn của VIN để áp dụng cho mô hình chia sẻ sách thiếu nhi của VnBookDrive4Kids.
Từ việc trải qua những khó khăn và rào cản về mặt ngôn ngữ trong quá trình học tập và làm việc tại Mỹ, Thư nhận thấy sự cần thiết của việc học tiếng Anh bằng giáo trình của người bản ngữ, cũng như thói quen đọc sách được trau dồi từ rất sớm của trẻ em tại Mỹ. Thư cùng các thành viên nòng cốt khởi động dự án Vietnam Book Drive for Kids với mong muốn đưa những cuốn sách tiếng anh đẹp, đa dạng và chất lượng về cho thiếu nhi và giới trẻ Việt Nam.
Banner của dự án sách thiếu nhi VnBookDrive4Kids (thiết kế bởi anh Bửu (Buu Art Le) – từ dự án Giấc mơ Việt Nam)
VnBookDrive4Kids được thực hiện từ năm 2014 với rất nhiều dự án nhỏ mang sách về cho thư viện tại Đà Nẵng, Đà Lạt, TP. HCM, Hà Nội. Thông qua dự án, Thư không những giúp kết nối các du học sinh cùng nhau làm hoạt động hướng về quê hương mà còn kêu gọi những người Việt xa quê đã lâu cùng tham gia với dự án. Một em học sinh cấp 3 tên Nguyễn Duy Đức học tại Ohio đã nhận thấy sự thiệt thòi của trẻ em Việt Nam so với trẻ em Mỹ mà kêu gọi sách tại thư viện BeachWood Library để thu thập sách thiếu nhi gửi về thông qua dự án VnBookDrive4Kids. Tham gia với Đức và dự án Lovingbooks của em là các em học sinh nhỏ hơn (Nam, Việt, An) cùng với sự hỗ trợ tài chính và sự ủng hộ tinh thần của bố mẹ mình cũng đã đóng góp một phần sức và nhiệt tâm của các em, như là cào tuyết giúp bố mẹ để lấy tiền mua sách gửi về, làm chả giò và làm bánh gây quỹ cho dự án. Bên cạnh đó, Thư cũng đã có cơ hội kết nối và thu hút sự tham gia của những người Việt định cư tại Mỹ, như chị Phan Thu Hà và gia đình, đã tham gia dự án để thu thập sách thiếu nhi, tổ chức gây quỹ và hơn nữa giúp kết nối dự án với công ty máy tính Dell, công ty xuất bản Pearson để đưa dự án và tổ chức VEFFA vào danh mục những tổ chức được giới thiệu đến cho nhân viên biết để đóng góp tài chính. Kể từ đó, dự án đã nhận về gần về hơn $2,500 tiền tài trợ từ công ty Dell của Mỹ cho dự án sách thiếu nhi. Được truyền cảm hứng từ dự án, những du học sinh, những bậc cha mẹ trẻ người Việt ở Mỹ dù bận bịu với con cái nhưng vẫn dành thời gian đến thư viện tại Mỹ để xin sách gửi về cho Việt Nam. Đây chính là sự kết nối tuyệt vời mà Thư có cơ hội được chứng kiến và cùng thực hiện với mọi người.Banner của dự án sách thiếu nhi VnBookDrive4Kids (thiết kế bởi anh Bửu (Buu Art Le) – từ dự án Giấc mơ Việt Nam)
Từ khi Hội TNSV Việt Nam tại Hoa kỳ ra đời, và làm cầu nối kết chặt hơn nữa sự liên kết giữa các thanh niên, sinh viên Việt Nam đang sống và học tập tại Mỹ với thế hệ trẻ ở Việt Nam, Thư cùng với Nhóm Thiện nguyện của Hội đã cùng nhau thực hiện chương trình đấu giá gây quỹ cho VnBookDriv4Kids tại sự kiện gặp gỡ hàng năm của Hội – Vòng tay nước Mỹ 3 tại Austin, Texas. Đây vừa là dịp giới thiệu dự án đến với toàn bộ thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ mà còn là cơ hội để mọi người đóng góp tài chính giúp chuyển sách thiếu nhi về Việt Nam. Sự kiện đã thành công với $2,128 thu về từ việc đấu giá.
Chương trình đấu giá gây quỹ cho VnBookDrive4Kids tại Vòng tay nước Mỹ 3 – Nắng phương Nam ở Austin, Texas, năm 2015.
Không chỉ làm cầu nối liên kết giữa các sinh viên, thanh niên Việt Nam, Thư còn chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Việt Nam. Thư đã không những nhận được sự ủng hộ từ phía Đại sứ Phạm Quang Vinh và nhân viên Sứ quán (Ông Đặng Văn Cần, Ông Đỗ Xuân Trường, Ông Trần Ngọc Ca) thông qua những lá thư giới thiệu cho dự án đến cộng đồng người Mỹ và cả việc trực tiếp kết hợp với Đại sứ quán để gửi 2,000 đầu sách thiếu nhi về Việt Nam trong năm 2014. Để kết nhịp cầu cho sách thiếu nhi tại Việt Nam, Thư cũng có cơ hội trao đổi và làm việc với Đoàn công tác của Đoàn thanh niên và Hội sinh viên từ Việt Nam lúc sang dự sự kiện Ngày hội sách Annual Book Day năm 2016 tại Philadelphia để đề nghị Đoàn, Hội đứng ra làm đầu mối tiếp nhận và phân phối sách tại Việt Nam.
Nhằm tăng tinh thần đoàn kết và chia sẻ trong cộng đồng VEFFA với các thế hệ trẻ Việt Nam, Thư cùng với các coordinator khác đã thực hiện dự án VEFFA Mentoring kết nối mentor với mentee. Mentor chính là những VEF fellows hay các nghiên cứu sinh Tiến sĩ hay Thạc sĩ có kinh nghiệm nộp học bổng du học sau đại học tại Mỹ. Và mentee chính là những bạn sinh viên, giảng viên trẻ người Việt đang nộp hồ sơ học bổng sang Mỹ. Việc kết nối này không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ các bạn hoàn thành hồ sơ xuất sắc, chuẩn bị cho quá trình phỏng vấn, mà còn là cầu nối liên kết sâu sắc giữa các thế hệ trẻ Việt Nam trên trường quốc tế. Chính sự liên kết và giúp đỡ lẫn nhau này giữa mọi người mà mối quan hệ các cá nhân, và giữa cá nhân với tập thể trở nên gắn kết, từ đó mọi người cùng nhau làm được nhiều dự án có ý nghĩa, thúc đẩy tinh thần “pay it forward” – giúp đỡ lại thế hệ đi sau.
Mục tiêu của dự án VEFFA Mentoring program thể hiện rõ trên banner (Logo của dự án được thiết kế bởi Nguyễn Đại Dương, người designer ủng hộ thầm lặng cho rất nhiều chương trình, sự kiện của dự án)
Hạnh phúc đến từ việc cho đi. Sự đóng góp đến từ những điều nhỏ nhặt nhất. Được làm việc cùng với những người bạn đồng hành (đã kể đến và chưa kể đến) trong những dự án trên, và rất nhiều dự án khác là một niềm hạnh phúc vô tận của Thư bởi lẽ “một cánh én nhỏ sẽ chẳng làm nên mùa xuân”.
Hiện tại, các dự án này đang rất thiếu Thành viên nòng cốt và Tình nguyện viên. Đặc biệt, sắp tới đây trong năm 2019, Thư sẽ cùng với Vietnam Book Drive for Kids tổ chức Lễ hội khoa học (Science Festival) cho trẻ em ở Việt Nam từ hơn $17,000 của quỹ VEF alumni fund. Tuy nhiên, nguồn quỹ này không được sử dụng ở ngoài Việt Nam (tức tiền gửi sách từ Mỹ về Việt Nam, dự án sẽ phải tự kêu gọi). Thư rất mong nhận về sự ủng hộ, đóng góp và hỗ trợ của mọi người tại cả Mỹ và Việt Nam. Hãy liên hệ với các dự án qua email, hoặc tin nhắn trên trang facebook của dự án! Cảm ơn mọi người! Nếu mọi người muốn liên hệ với Thư, xin gửi email về thuduong@veffa.org.
2 thoughts on “BV-06: Bài dự thi HTNM6 – Cô Tiến sĩ mê … “vác tù và hàng tổng”! (Dương Thị Thư)”
Comments are closed.