
Bài dự thi Hành trình nước Mỹ 6 – Thể loại Bài viết
Tác giả: Nguyễn Anh Hào
Ngay từ khi nốt nhạc đầu tiên trong bản Prelude in E Minor cất lên, tôi đã biết nó sẽ không kết thúc nhẹ nhàng.
Đối với ai từng biết đến Chopin, việc bản nhạc được viết rất đơn giản từ trang đầu đến nỗi những tay piano nghiệp dư cũng có thể đàn được là một chuyện dễ hiểu. Nhưng bản nhạc của Chopin không bao giờ kết thúc mà không đưa tâm trạng của người nghe từ nhẹ nhàng đến hồi hộp một cách chuyên nghiệp đến nỗi phải mất hàng tuần một tay đàn mới có thể luyện tập được. Và tâm trạng của tôi khi ấy cũng thế. Tại Nhạc Viện Tp Hồ Chí Minh, tôi đang để tâm hồn mình phiêu du đến những cung bậc khác nhau trong buổi cuộc thi piano toàn quốc cho các em dưới 10 tuổi. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi – cậu bé lớn lên ở vùng sông nước nam bộ, nơi mà âm nhạc cổ điển và đương đại là một điều ít được nhắc đến – được thưởng thức một buổi hòa nhạc cổ điển chuyên nghiệp. Ấy vậy mà cũng có một ngày, cậu bé ấy lại được ngồi trên một chiếc grand piano biểu diễn chính tác phẩm Prelude in E Minor của Chopin trên đất Mĩ.
Dường như âm nhạc đã tìm đến tôi, chứ tôi chẳng hề tìm đến âm nhạc. Khi nhỏ, mẹ tôi phải thúc dục tôi hết lần này đến lần khác tôi mới chịu học nhạc. Lớn lên một tí, vì lớp học đàn vui quá nên tôi mới chịu học đàn. Và cả khi đến Mĩ, vì lịch học các khóa đầu trống quá nên tôi mới đăng kí một lớp piano. Và cứ thế, âm nhạc cứ hiện hữu mãi trong cuộc sống của tôi như một phần không thể thiếu. Hai năm học ở Mĩ, tôi viết về âm nhạc trong lớp English Composition; tôi nói về âm nhạc ở lớp Public Speaking; tôi đề cập đến âm nhạc trong mỗi lần điền vào ô Describe yourself; tôi tham gia Choir vầ biểu diễn mỗi kỳ học. Và cũng vì chính âm nhạc, tôi đã biết đến văn hóa Mĩ nhiều hơn. Hoặc nói một cách khác, âm nhạc đã là một thứ văn hóa, nếu muốn tìm hiểu một quốc gia thì âm nhạc là có thể được xem là một chiếc la bàn.
Màu sắc đầu tiên về nước Mĩ của tôi là San Antonio, Texas. Vâng, bạn đang nghĩ đến River Walk, một địa điểm phải đến tại San Antonio. Tại đấy, những giai điệu cổ điển cất lên từ chiếc Pan Flute và dàn trống của người da đỏ khiến tôi khá ngạc nhiên. River Walk đẹp bởi dòng sông, bởi những hàng quán, những chiếc ô màu sắc bên bờ sông, nhưng nếu thiếu thứ âm nhạc bổng trầm thanh thót lạ lùng ấy, River Walk trong tôi đã không thực sự trọn vẹn. Phải thừa nhận rằng, cả tuổi thanh xuân của giới trẻ Việt Nam đều bị Pop Music của Taylor Swift, Lady Gaga hay Westlife, Michael Jackson lôi cuốn đến nỗi quên mất rằng xưa kia nước Mĩ là của thổ dân da đỏ. Và rồi bây giờ, người Mĩ vẫn đề cập nhiều đến người da đỏ ở trường học, nhưng hầu hết những thứ thuộc về người da đỏ cũng chỉ còn được trưng trong các bảo tàng. Tôi tự hỏi nếu Brazil có Samba, Argentina có Tango, thì tại sao Mĩ lại không để Âm nhạc của người da đỏ là một thứ âm nhạc truyền thống? Tôi vẫn còn nhớ một trong những bài hát tiếng anh đầu tiên tôi được học là “Little Indians”– “Những cậu bé da đỏ”, mà khi ấy, tối cứ ngỡ Indians là người Ấn Độ. Nhưng một sự thật rằng, âm nhạc thổ dân Mĩ (Indigenous Music of North America) hầu như đã không còn chỗ đứng.

Điều này được thấy rất rõ tại Atlanta, Georgia – thành phố gần nhất mà tôi đến. Tôi đến tham quan Georgia Tech, một trường đại học nổi tiếng ở Mĩ, và điều tôi thấy ở đây là một sự hiện đại pha lẫn một tí truyền thống, một tí thôi. Nhưng rồi Atlanta lại làm tôi khá hụt hẫng vì tôi có cảm giác như ở Sài Gòn vậy vì ở đây nhiều lô cốt và nhiều công trình đang xây dựng. Một chú lái xe Uber biện hộ cho thành phố của chú ấy rằng Atlanta là một lão già đang cố gắng hồi xuân. Chú ấy cũng không quên đề cập rằng, Atlanta là thành phố của công nghiệp Âm nhạc toàn nước Mĩ. Atlanta là thiên đường của nhạc Hip Hop, Rap hay R&B; thậm chí Country Music cũng rất thịnh hành ở thành phố này. Tại đây, chuyến tham quan tại Headquarter của CNN đã giúp tôi có nhiều kiến thức hơn về công nghiệp âm nhạc cũng như truyền thông ở Mĩ.

Trong chuyến bay đến Atlanta, tôi có 16 giờ transit tại Chicago, và với một cậu bé đầy sức sống như tôi, tôi thoát khỏi sự tù túng của sân bay O’Hare để hòa mình vào một trong những thành phố nhộn nhịp nhất nước Mĩ. Tôi đi xe lửa từ sân bay vào downtown, chuyến xe chẳng có gì hiện đại so với những gì tôi biết về nước Mĩ và tôi lo rằng liệu Chicago có làm tôi thất vọng. Nhưng một khi đã đến Chicago, tôi chỉ muốn sống ở đây vài chục tháng nữa. Shedd Aquarium, Field Museum, Skydeck hay Alder Planetarium chỉ là những một phần nhỏ để miêu tả hết Chicago mặc dù những địa danh trên đã quá đẹp và quá hiện đại so với trí tưởng tượng của tôi. Kiến trúc ở Chicago thật sự hoàn hảo mặc dù thành phố từng trải qua một trận hỏa hoạn thảm khốc vào năm 1871. Thành phố với những tòa nhà chọc trời mang phong cách từ Romanesque đến Postmodern. Trong lúc đi bộ từ Millennium Park nơi tọa lạc của hạt đậu kì quặc cửa Chicago đến bờ biển Navy Pier, tôi đã được thưởng thức một thứ âm nhạc thần kì của nước Mĩ – Jazz. Ít ai biết rằng nhạc Jazz đến từ người da đen ở Mĩ chứ không phải người da trắng. Ấy vậy mà từ thời Theodore Roosevelt cho đến Donald Trump, hàng trăm triệu người bị mê hoặc bởi thứ âm nhạc thần kì này. Đã là Jazz thì phải có đủ keyboard, guitar bass, saxophone và trumpet, và dù là Jazz đường phố, các nghệ sĩ vẫn không hề thiếu sót. Nếu bao giờ bạn thấy một nhóm nghệ sĩ với nhiều nhạc cụ khác nhau mà thứ âm nhạc họ chơi mê hoặc bạn, thì đó là Jazz. Và kể từ đấy, danh sách New Year Revolutions của tôi có thêm 2 mục: học nhạc Jazz và đến New Orleans – thủ đô của nhạc Jazz.

Tôi sống và học tập ở Seattle trong một khoảng thời gian vừa để đi hết được những địa điểm nổi tiếng như khu Downtown, Space Needle, Pike Place Market, … và cả những cảnh quan tuyệt đẹp mà ít ai biết đến như Snoqualmie, vùng Gig Harbor, hay Tillicum Island. Mà thú thật rằng, Washington đẹp nên cảnh ở đâu cũng đẹp. Và điều ấy cũng đúng với âm nhạc ở Seattle. Seatlte có một trong những sân vận động lớn nhất nước Mĩ nên các nghệ sĩ hạng A đều đi tour ở đây. Hầu như hàng tuần, tôi đều được Facebook báo về các concerts của các nghệ sĩ mà tôi yêu thích. Và nếu bạn thực sự yêu quí một nghệ sĩ nào đó thì việc bỏ ra vài tram đến vài ngàn đô để được ngồi trong Key Area hay CenturyLink Field là hoàn toàn thỏa mãn. Còn nếu bạn chỉ đơn thuần yêu thích âm nhạc và không muốn bỏ ra khoảng tiền mà bạn có thể mua 5 đôi Nike để xem concert, thì Pike Place Market là địa điểm cho bạn. Vài tháng đầu ở Seattle, tôi đến Pike Place Market mỗi cuối tuần. Ở khu chợ truyền thống ấy, không một bản nhạc nào cất lên hai lần. Ngay khi bước vào, các nghệ sĩ đường phố sẽ chiêu đãi mọi người bằng những thể loại và bằng những nhạc cụ khác nhau. Có khi là guitar, piano, có khi lại là banjo, sáo, đàn dây. Những dai điệu mộc mạc ấy được biểu diễn bởi những con người cũng “mộc mạc”. Các nghệ sĩ ấy nhìn có vẻ bặm trợn, đầy hình xăm, đeo khuyên mũi, hoặc khuyên rốn, tóc thường nhuộm, không được chải chuốt kĩ, quần áo có phần luộm thuộm, xuề xòa, nhưng đối với tôi, đấy là “mộc mạc” (Unpretentious) theo kiểu Mĩ và tôi vẫn thích dùng từ ấy để miêu tả họ. Bởi âm nhạc không loại trừ ai, không phải cứ áo vest hay áo đầm thì mới hát được vì âm nhạc dùng để biểu lộ cảm xúc, và ngay cả động vật cũng có thể tạo ra âm nhạc, mà động vật còn không mặc quần áo nữa mà! Tôi thích các nghệ sĩ đường phố ấy cũng không hẳn vì họ trông ngầu, nhưng cũng vì nhạc họ chơi là một thứ độc nhất (Unique). Có thể xem các bài hát mà họ chơi mang phong cách 70s hay 80s như kiểu Lionel Richie nhưng hơi ngông hơn một chút. Đó cũng có thể là những bản nhạc mà họ vừa sáng tác mà Google cũng tìm không được. Và đấy là một Seattle đầy sống động trong tôi.

Cũng tại Seattle, cụ thể hơn là Puyallup, một thành phố cách Seattle 30 phút lái xe về phía nam, tôi được tự mình biểu diễn âm nhạc trước hàng tram khan giả. Khoan kể đến chuyệnPrelude in E Minor của Chopin, tôi tham gia dàn hợp xướng ở trường. Lần audition, tôi thực sự run vì chưa bao giờ tôi được tiếp xúc với thể loại nhạc hợp ca thế này dù trước đây tôi từng hát ở nhà thờ. Và chắc vì tôi có chút kiến thức về âm nhạc và giọng hát không quá tệ nên tôi cũng được chọn. Chúng tôi hát nhạc dân ca Mĩ như “Walking on the Green Grass”, nhạc hiện đại như “Skyfall” hay các bản nhạc tôn giáo thế giới như “Ave Verum Corpus”. Buổi hòa nhạc đầu tiên của tôi được diễn ra tại University of Washington và đó là một điều vô cùng vinh dự. Được đứng tại sân khấu của một trong những trường đại học lớn nhất nước Mĩ và biểu diễn trước những người có chuyên một thật sự là một niềm vinh hạnh. Trong đội hình khi ấy, tôi tự thấy mình nổi bật khi tôi là cậu bé lùn nhất nhóm và là cậu bé châu Á duy nhất trong nhóm. Bài hát đầu tiên là Pure Imagination.Lúc đấy, tôi thực sự nghĩ đến tuổi thơ của mình. Tuổi thơ với những suy nghĩ thơ dại, những điều mộng tưởng trong trẻo. Có lúc ước được sống trong thế giới thú nhồi bông, có lúc mơ được trở thành chú cún nhỏ bé được cưng chiều. Nước Mĩ cũng là một ước mơ mà đã được thực hiện. Có vẻ là từ khi sang Mĩ, tôi thấy các ước mơ thuở nhỏ của mình dễ thực hiện hơn, tất nhiên đó không phải những giấc mơ viễn vông. Nhưng cũng có lẽ, từ khi sang Mĩ, tôi thực tế hơn nhiều, đến nỗi đánh mất đi phần ngây thơ và bay bổng của tuổi trẻ.
“There is no
Place to go
To compare with your imagination
So go there
To be free
If you truly wish to be.”
Lời bài hát mà tôi đang biểu diễn cũng ủng hộ ý nghĩ ấy của tôi . . .
Sau buổi hòa nhạc ấy, tôi còn có đến gần mười buổi hòa nhạc khác nữa. Và cũng từ dàn hợp xướng ấy mà tôi được làm quen và kết bạn nhiều hơn.

Ban nhạc của tôi có một chuyến lưu diễn đến Idaho và Utah năm vừa rồi. Thủ phủ của hai thành phố là Boise và Salt Lake City trong mắt tôi trong chuyến đi ấy thật cổ kính và đầy màu sắc tôn giáo. Điều này cũng dễ hiểu vì chúng tôi thường đến nhà thờ để biểu diễn và cho dù có biểu diễn ở các trường đại học lớn, thì nhạc đạo vẫn là màu sắc chủ đạo, bởi âm nhạc hàn lâm thực chất được sinh ra từ tôn giáo. Ở Utah, chúng tôi được tham gia hát cùng dàn nhạc Mormon Tabernacle nổi tiếng. Dàn hợp xướng của đạo Mormon Tabernacle là một trong những dàn hợp xướng khủng nhất thế giới, từng được giải Grammy và thậm chí cả World’s Record. Toàn bộ chuyến đi, chúng tôi được tham gia, trao đổi, thưởng thức một thứ âm nhạc mà các bạn trẻ có thể cảm thấy khó nghe nhưng là một nét văn hóa, một tượng đài tri thức của thế giới nói chung và Mĩ nói riêng. Bên cạnh đó, cũng chính âm nhạc là thứ mang tôi đến gần với những người bạn Mĩ hơn bao giờ hết. Tính cách của các bạn ấy cũng chỉ ra rằng, giới trẻ Mĩ đam mê và nhiệt huyết lắm, học thích là làm, không để ý đến những thứ xung quanh. Điều đấy cũng đáng cho tôi học hỏi một phần nào đó.

Đôi khi, tôi lại dốc sức quá nhiều vào thứ mà tôi đang muốn có được. Một lần ngồi ở phòng piano trong trường để tập bản Prelude in E Minor, tôi đang cố gắng đàn thật nhanh, thật mạnh, những ngón tay tôi giáng mạnh xuống những nốt đen trắng trên chiếc grand piano to, thầy dạy nhạc của tôi, Dr. Ken Owen đi lại vỗ vai tôi và nói: “Hey, you need to stop right now, I know you are working so hard, but relax is your homework.” Tôi ngượng ngùng nhấc tay khỏi những phím đàn rồi chào thầy ra về trong khi những âm thanh cuối cùng mà tôi tạo ra vẫn còn vang vọng. Rồi cũng đến ngày tôi biểu diễn bản nhạc ấy. Bản nhạc vang lên có phần nặng trĩu nhưng khác đơn giản và đơn điệu. Đến nửa cuối bài, những phần cao trào, đáng chú ý nhất mới được vang lên và sức nặng của âm nhạc khi ấy làm con người ta trở nên khó chịu, để rồi kết thúc bản nhạc là một sự nhẹ nhàng nhưng lâng lâng. Để hoàn thành bản nhạc ấy, tôi đã mất gần 2 tháng luyện tập. Những nốt nhạc đơn giản vang lên chứa đựng đầy nỗ lực và khổ luyện, liệu một tràng phào tay có đủ cho những sự cố gắng ấy của những người nghệ sĩ? Cuộc sông của một du học sinh như tôi cũng như bản nhạc ấy, lúc thì nhẹ nhàng, lúc thì thật nặng nề, lúc thì thật đơn điệu. Có lúc thật vui vì có nhiều điều mới nhưng cũng có lúc thất vọng vì không ai quan tâm đến mình. Rồi những thành công của mình, người khác chỉ nhìn thấy thành quả nhưng không nghĩ đến quá trình. Tôi cũng như những du học sinh khác chắc rằng vẫn đang muốn một cái kết đẹp nhưng phải rõ rang hơn cái kết của Prelude in E Minor. Nhưng mỗi bản nhạc đều khác nhau. Tôi sẽ luôn học cách tôn trọng và thưởng từng màu sắc khác nhau của từng bản nhạc dù cho cái kết có nặng trĩu hay nhẹ nhàng.
Tôi và bản nhạc Prelude in E Minor